Cuộc vận động "Tiếp bước cho em đến trường" được Ban Dân vận Trung ương chủ trương phát động từ tháng 12/2009 nhằm mục đích vận động các nguồn lực, khơi dậy truyền thống tương thân, tương ái và nâng cao trách nhiệm của toàn xã hội để chăm sóc, giúp đỡ kịp thời các đối tượng học sinh, trẻ em nghèo được tiếp tục cắp sách đến trường, góp phần thực hiện chủ trương bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài của Đảng và Nhà nước.
Bình Thuận là một trong những địa phương tích cực triển khai thực hiện cuộc vận động và đã tạo được sự lan tỏa sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân ở địa phương, đạt được những kết quả bước đầu đáng khích lệ.
Ngay sau khi tiếp thu các văn bản, chủ trương chỉ đạo của Ban Dân vận Trung ương, thời gian đầu tuy có những lúng túng, khó khăn nhưng Ban Dân vận Tỉnh ủy đã xác định đây là cuộc vận động mang ý nghĩa chính trị, xã hội sâu sắc, phải tập trung tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo, huy động các lực lượng để triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả trên địa bàn tỉnh. Theo đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Công văn chỉ đạo các cấp, các ngành triển khai thực hiện nghiêm túc cuộc vận động, xem đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng của công tác dân vận; đồng thời, ra quyết định thành lập Ban Chỉ đạo cuộc vận động “Tiếp bước cho em đến trường” của tỉnh, ban hành quy định về chức năng, nhiệm vụ, mối quan hệ công tác và lề lối làm việc của Ban chỉ đạo; Trưởng Ban chỉ đạo do đồng chí Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy kiêm nhiệm; các đồng chí Chủ tịch Hội Khuyến học, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh và Phó trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy làm Phó Trưởng Ban chỉ đạo và đại diện lãnh đạo các sở, ngành, Mặt trận, đoàn thể liên quan làm thành viên Ban Chỉ đạo.
Quá trình triển khai, Ban Dân vận Tỉnh ủy phối hợp chặt chẽ với Ban chỉ đạo cuộc vận động xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện hàng năm; định kỳ họp Ban chỉ đạo để kiểm điểm, đánh giá các mặt làm được, chấn chỉnh những mặt còn tồn tại, hạn chế và tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc. Trong điều kiện còn nhiều khó khăn nhưng thời gian qua Tỉnh đã chủ trương tổ chức 02 lần chương trình truyền hình trực tiếp để gây quỹ và đã nhận được sự quan tâm hưởng ứng của các cấp, các ngành, các doanh nhân, doanh nghiệp, các tầng lớp nhân dân. Tính đến cuối năm 2011, 10/10 huyện, thị, thành phố và các xã, phường, thị trấn trong tỉnh đã cơ bản thành lập Ban chỉ đạo, tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền, đưa cuộc vận động lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng xã hội, tạo đồng thuận cao trong cán bộ, nhân dân. Ban chỉ đạo các cấp trong tỉnh đã vận động được trên 16 tỷ đồng, đạt 160% kế hoạch; tổ chức cấp gần 20 ngàn suất học bổng để kịp thời động viên, khuyến khích gia đình và các em học sinh được tiếp tục cắp sách đến trường. Điểm đáng ghi nhận là các đồng chí lãnh đạo tỉnh đã có thư kêu gọi và trực tiếp vận động các doanh nhân, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh tham gia cuộc vận động này. Các thành viên trong Ban chỉ đạo của tỉnh cũng đã tích cực vận động các doanh nghiệp, doanh nhân tham gia ủng hộ Quỹ với tinh thần tất cả vì học sinh thân yêu, vì tương lai của thế hệ trẻ.
Song, trong thực tiễn triển khai cuộc vận động ở cấp huyện, cấp xã còn chưa đồng bộ, kết quả vận động các nguồn lực còn khó khăn, mà nguyên nhân của chủ yếu là do một số nơi việc quán triệt, tuyên truyền chủ trương của Trung ương và ý nghĩa của cuộc vận động chưa thật sự sâu kỹ nên nhận thức của cán bộ và người dân chưa thật đầy đủ; một số cơ quan tham mưu thành viên Ban chỉ đạo cuộc vận động chưa phát huy hết trách nhiệm của mình. Qua thực hiễn có thể rút ra một số kinh nghiệm bước đầu cho cuộc vận động là: thứ nhất là, phải làm thật tốt công tác tuyên truyền, vận động và biết cụ thể hóa, vận dụng sáng tạo chủ trương cuộc vận động phù hợp với điều kiện hoàn cảnh của địa phương; thứ hai là, làm tốt công tác tham mưu và tranh thủ sự quan tâm lãnh đạo, hỗ trợ của cấp ủy, chính quyền, sự phối hợp của các sở, ban, ngành; phát huy đúng mức vai trò trách nhiệm của các thành viên Ban chỉ đạo nhất là bộ phận Thường trực; thứ ba là, thường xuyên hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện cuộc vận động ở các địa phương, cơ sở.
Với những kết quả và những kinh nghiệm có được, hy vọng rằng trong thời gian tới Cuộc vận động "tiếp bước cho em đến trường" ở Bình Thuận tiếp tục đạt được to lớn hơn, tạo điều kiện cho học sinh nghèo được tiếp tục đến trường, góp phần thúc đẩy sự nghiệp giáo dục của tỉnh nhà ngày càng phát triển.
Trần Xuân Đông