Hàm Thuận Bắc là một huyện phía bắc của tỉnh Bình Thuận, vốn giàu truyền thống cách mạng. Toàn huyện có 02 thị trấn và 15 xã, trong đó có 04 xã vùng cao, chủ yếu là người K’Ho, Chăm, Rắclay sinh sống; với diện tích 1.282,47 km², dân số 166.963 người, cộng đồng dân cư trong huyện tuy có nhiều dân tộc khác nhau như Kinh, Rắclay, Chăm, K’Ho … và theo nhiều tôn giáo như Đạo Bà la môn, Thiên chúa giáo, Tin lành, Lương giáo nhưng luôn đoàn kết, gắn bó, chấp hành tốt các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Kinh tế Hàm Thuận Bắc chủ yếu là thuần nông. Trong những năm gần đây, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, cộng với sự phát huy nội lực của Đảng bộ và nhân dân huyện nhà, hệ thống thủy lợi, đường giao thông trên địa bàn huyện được đầu tư đáng kể; từ đó đã thúc đẩy chuyển đổi cơ cấu cây trồng, phát triển kinh tế đúng hướng, bộ mặt nông thôn Hàm Thuận Bắc ngày càng khởi sắc, đời sống nhân dân được cải thiện rõ.
Kế thừa và phát huy những thành quả trong sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc và công cuộc xây dựng quê hương trong thời kỳ mới; Đảng bộ Hàm Thuận Bắc luôn xác định công tác dân vận của lực lượng dân quân tự vệ là một bộ phận quan trọng trong công tác dân vận của cấp ủy Đảng, là một nhiệm vụ chính trị thường xuyên, có ý nghĩa hết sức quan trọng, nhằm góp phần tăng cường mối đoàn kết gắn bó quân dân và hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị của địa phương.
Ngay sau khi Chỉ thị số 773 của Bộ Quốc phòng về công tác dân vận của lực lượng dân quân tự vệ trong tình hình mới được ban hành; Thường trực Huyện ủy Hàm Thuận Bắc đã tổ chức quán triệt và chỉ đạo các đồng chí Bí thư cấp ủy cơ sở và Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy Quân sự 17 xã, thị trấn trong huyện nhằm nâng cao nhận thức và thể hiện trách nhiệm đối với công tác dân vận của lực lượng dân quân tự vệ; Mặt trận, các đoàn thể huyện xây dựng kế hoạch phối hợp triển khai thực hiện, cấp ủy xã, thị trấn tổ chức quán triệt, học tập cho hơn 2.200 dân quân và 270 tự vệ. Hàng năm, Ban Thường vụ Huyện ủy tổ chức kiểm tra, đánh giá việc thực hiện công tác dân vận của lực lượng tự vệ gắn với nhiệm vụ Quân sự - quốc phòng ở địa phương, phát huy vai trò tham mưu của Ban chỉ huy quân sự huyện và các xã, thị trấn trong tuyên truyền, phổ biến cho lực lượng dân quân tự vệ nâng cao nhận thức, chấp hành tốt các chủ trương, đường lối lãnh đạo của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, thực hiện cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” gắn với phong trào thi đua “Dân vận khéo” bằng những việc làm cụ thể, thiết thực.
Trên lĩnh vực kinh tế - xã hội: Lực lượng dân quân tự vệ đã tổ chức trên 250 đợt lao động giúp dân với gần 22.000 ngày công, dặm vá trên 20 km đường giao thông nông thôn, nạo vét trên 40 km kênh mương nội đồng; tham gia sửa chữa 15 căn nhà cho hộ nghèo, đóng góp kinh phí và tham gia xây dựng mới 20 căn nhà tình thương cho hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số ở xã Thuận Hòa. Phối hợp với các tổ chức Đoàn Thanh niên vận chuyển vật liệu, xây dựng 42 nhà tình thương cho hộ nghèo. Phát huy tốt vai trò nòng cốt trong thực hiện và tuyên truyền, vận động nhân dân ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi, chuyển đổi cây trồng có lợi thế đạt hiệu quả kinh tế cao. Đáng chú ý nhất là tham gia tuyên truyền, giúp đồng bào các dân tộc thiểu số ở các xã vùng cao từng bước thay đổi tập quán, sống định canh định cư, chăn nuôi tập trung, thâm canh được cây lúa nước, trồng cao su theo hộ gia đình, hạn chế nạn phá rừng làm rẫy. Phát huy tinh thần xung kích, lực lượng dân quân tự vệ đã tham gia ứng cứu, di dời 10.000 lượt đồng bào thoát khỏi vùng ngập lụt do bão lũ gây ra, trong đó đáng biểu dương là 32 dân quân của Thị trấn Ma Lâm bất chấp nguy hiểm đã tham gia cứu hộ an toàn 52 phụ nữ, người già và trẻ em thoát hiểm khỏi vùng lũ và 25 dân quân xã Hàm Minh kịp thời giúp 10 gia đình sửa chữa nhà cửa bị sập, do bão số 9 năm 2009 tàn phá.
Trên lĩnh vực quốc phòng, an ninh: Lực lượng dân quân tự vệ đã có nhiều cố gắng bám sát nhân dân, nắm chắc tình hình và phản ánh, đề xuất, phối hợp các lực lượng kịp thời ngăn chặn, giải quyết có hiệu quả một số vụ việc có liên quan đến an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội. Phối hợp với lực lượng công an thường xuyên tổ chức tuần tra, kiểm soát địa bàn, giữ gìn trật tự giao thông, bảo vệ an toàn các đợt cao điểm, lễ tết, nhất là các kỳ Đại hội Đảng, bầu cử đại biểu quốc hội, HĐND các cấp.... Phối hợp với Mặt trận, các đoàn thể làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân giao, nộp các loại vũ khí, vật liệu nỗ đạt hiệu quả; vận động thanh niên tình nguyện lên đường làm nghĩa vụ quân sự hàng năm luôn đạt và vượt chỉ tiêu trên giao.
Công tác xây dựng lực lượng luôn được quan tâm, số lượng, chất lượng lực lượng ngày càng được được nâng lên. Đã triển khai thực hiện tốt kế hoạch luân phiên, thường xuyên củng cố, bổ sung, quản lý quân số đảm bảo. Tổ chức cho trên 1.500 lượt thanh niên lực lượng dân quân học lớp cảm tình Đoàn; bồi dưỡng, đề nghị xét kết nạp Đảng cho 196 dân quân; đến nay lực lượng dân quân tự vệ của huyện có 2.335 người, chiếm 1,4% so với dân số toàn huyện; trong đó, đảng viên có 460 đồng chí, đạt 19,7% và đoàn viên có 1.337 đồng chí, đạt 56,7% so với tổng số lực lượng dân quân tự vệ. Đã tổ chức huấn luyện chiến đấu thường xuyên cho hơn 25.000 lượt cán bộ, chiến sỹ dân quân tự vệ; bồi dưỡng nghiệp vụ công tác dân vận và tuyên truyền đặc biệt cho 68 dân quân.
Tuy nhiên, công tác dân vận của lực lượng dân quân tự vệ của Hàm Thuận Bắc cũng còn bộc lộ một số hạn chế cần khắc phục như: cấp ủy, chính quyền cơ sở ở một số nơi chưa nhận thức đầy đủ và chưa quan tâm chỉ đạo đúng mức đối với công tác này. Bên cạnh đó, việc biểu dương, nhân rộng, tạo sức lan tỏa của các điển hình dân quân tự vệ trong phong trào thi đua làm “Dân vận khéo” còn chậm; kỹ năng, kinh nghiệm làm công tác dân vận của lực lượng dân quân tự vệ cũng còn hạn chế.
Trong thời gian tới, cấp ủy, chính quyền, đặc biệt là Ban Chỉ huy Quân sự huyện Hàm Thuận Bắc cần tiếp tục quán triệt và triển khai thực hiện thật tốt Chỉ thị số 773 của Bộ Quốc phòng gắn với Nghị quyết số 152 về “Tiếp tục đổi mới và tăng cường công tác dân vận của lực lượng vũ trang trong tình hình mới” và Quy chế công tác dân vận của Quân đội nhân dân Việt Nam theo Quyết định số 03-QĐ/ĐU, ngày 04/11/2011 của Đảng ủy Quân sự Trung ương; đồng thời đẩy mạnh phong trào thi đua “Dân vận khéo”, qua đó tạo chuyển biến hơn nữa về công tác dân vận của các lực lượng của quân đội nhân dân, trong đó có lực lượng dân quân tự vệ nhằm tăng cường hơn nữa tình cảm gắn bó quân dân, xây dựng vững chắc nền quốc phòng toàn dân./.
Trần Xuân Đông