Đồng bào Chăm Bình Thuận hiện có 34.556 người, chiếm 3% dân số toàn tỉnh, sinh sống chủ yếu ở vùng đồng bằng, tập trung thành từng làng dọc Quốc lộ IA và các tỉnh lộ thuộc 04 xã thuần và 32 thôn xen ghép trên địa bàn toàn tỉnh.
Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách đối với đồng bào dân tộc Chăm, trong đó có Chỉ thị số 121- CT/TW, ngày 26/01/1981, Thông tri số 03- TT/TW, ngày 17/10/1991 của Ban Bí thư Trung ương Đảng và nhất là việc thực hiện Chỉ thị số 06/2004/CT-TTg, ngày 18/02/2004 của Thủ tướng Chính phủ về tiếp tục đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh - trật tự đối với vùng đồng bào Chăm trong tình hình mới. Để triển khai thực hiện các chủ trương trên; Tỉnh uỷ, UBND tỉnh Bình Thuận đã ban hành các chương trình hành động, kế hoạch và vận dụng nhiều chủ trương, chính sách của tỉnh về công tác dân tộc, tạo điều kiện cho đồng bào Chăm phát triển toàn diện, như việc vay vốn phát triển kinh tế gia đình, trợ cấp khó khăn, xây dựng nhà tình nghĩa, tình thương, nhà cho người nghèo, gắn với việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/TU, ngày 27/5/2002 về phát triển toàn diện dân sinh, kinh tế, xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và Nghị quyết số 05-NQ/TU, ngày 27/5/2002 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về xây dựng, đào tạo cán bộ dân tộc thiểu số, nhờ đó bộ mặt nông thôn vùng đồng bào Chăm có sự đổi mới, đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào được nâng lên đáng kể. Đáng chú ý là việc triển khai thực hiện lồng ghép các chương trình mục tiêu quốc gia về xoá đói giảm nghèo, đầu tư kết cấu hạ tầng thiết yếu, bằng nguồn vốn của Trung ương, của tỉnh đã đầu tư cho vùng Chăm trong thời gian qua lên đến 55.824,7 triệu đồng, trong đó đã hỗ trợ xây dựng mới 622 căn nhà cho đồng bào theo Chương trình 134 của Chính phủ; đối với kết cấu hạ tầng thiết yếu, như điện, đường, trường, trạm, nước sinh hoạt đã đầu tư xây dựng trong vùng Chăm 133 công trình, với tổng kinh phí 50.797,7 triệu đồng. Từ khi đồng bào Chăm được hưởng lợi từ 03 công trình thuỷ lợi lớn (Đại Ninh, Sông Quao và Cà Giây), đồng bào đã đẩy mạnh việc thâm canh, tăng vụ từ 01 vụ sản xuất lúa nước bấp bênh lên 2-3 vụ/năm, năng suất bình quân đạt từ 50 - 60 tạ/ha/vụ, có vùng đạt 70 tạ/ha/vụ, bình quân lương thực đầu người qui ra thóc đạt từ 500-550 kg/người/năm. Qua triển khai thực hiện Nghị quyết 04 của Tỉnh uỷ, đến nay đã giải quyết cấp 1.566,94 ha đất sản xuất cho 1.439 hộ; đã giao 7.085,05 ha rừng cho 182 hộ đồng bào Chăm quản lý, bảo vệ rừng, tạo thu nhập bình quân 4 triệu đồng/năm/hộ; giải quyết cho 1.375 hộ vay 9.499 triệu đồng mua 1.891 con bò cái sinh sản để chăn nuôi tái đàn. Đi đôi với việc đẩy nhanh công tác chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật cho đồng bào trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; các ngành nghề truyền thống của đồng Chăm cũng được các cấp uỷ, chính quyền quan tâm chỉ đạo đầu tư, nhất là nghề gốm và dệt thổ cẩm truyền thống, góp phần giải quyết việc làm tại chỗ và khôi phục được ngành nghề truyền thống từ lâu đời của đồng bào Chăm. Qua khảo sát trong năm 2010, số hộ đủ ăn trở lên trong đồng bào Chăm chiếm 75,45% (tăng 15% so với năm 2004), số hộ giàu chiếm 2,54% so tổng số hộ người Chăm; số nhà kiên cố trong khu dân cư của đồng bào Chăm ngày một tăng lên, chiếm 90%; hơn 85 % số hộ có xe máy, ti vi; 55% số hộ được lắp đặt thuỷ kế, 100% hộ được dùng nước sạch; 100% thôn, xã của đồng bào Chăm đều có đường giao thông nông thôn, liên thôn, liên xã và truyền thanh không dây.
Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư” có bước chuyển biến rõ nét hơn, đến nay có 3/4 xã thuần Chăm có nhà văn hoá xã (xã Phan Hiệp chưa bố trí được đất xây dựng); 12/23 thôn có nhà sinh hoạt cộng đồng và 14/23 thôn được công nhận là thôn văn hoá. Đặc biệt trong năm 2010, Trung tâm trưng bày văn hoá Chăm được Trung ương, tỉnh đầu tư xây dựng tại huyện Bắc Bình, với tổng kinh phí trên 18 tỷ đồng để phục vụ nghiên cứu, sưu tầm, bảo tồn văn hoá truyền thống của đồng bào Chăm,...
Đối với lĩnh vực giáo dục – đào tạo, hiện nay 100% xã thuần đồng bào Chăm đã đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi; 100% thôn có trung tâm học tập cộng đồng. Số lượng học sinh Chăm đến trường ngày càng tăng, bình quân các năm bậc tiểu học có trên 8.500 em, bậc trung học cơ sở trên 3.000 em, trung học phổ thông giao động khoảng 700 - 750 em và ngày càng nhiều con em người Chăm có điều kiện theo học tại các trường cao đẳng, đại học và trung học chuyên nghiệp; hàng năm có từ 60 - 70 em đồng bào Chăm được xét tuyển vào học tại Trường dự bị Đại học thành phố Hồ Chí Minh. Việc dạy và học chữ Chăm luôn quan tâm, duy trì giảng dạy ở 13 trường tiểu học thuộc 03 huyện (Bắc Bình, Tuy Phong và Hàm Thuận Bắc) với số lượng học sinh theo học thường xuyên trên 3.400 em. Đội ngũ giáo viên người Chăm, hiện nay có đến 316 người, trong đó 213 giáo viên có trình độ trung cấp trở lên.
Trong lĩnh vực y tế, tỉnh đã chú trọng đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị hiện đại và đào tạo đội ngũ y, bác sỹ là người dân tộc thiểu số. Đến nay, 100% xã Chăm được đầu tư xây mới trạm y tế; trang thiết bị, vật tư y tế được mua sắm; đội ngũ y, bác sỹ công tác tại Trạm được củng cố, kiện toàn, cơ bản đáp ứng công tác khám chữa bệnh ban đầu cho nhân dân trong vùng; hiện có 120 cán bộ người Chăm công tác trong ngành y tế; trong đó có 01 tiến sĩ, 02 thạc sĩ và 09 chuyên khoa cấp I.
Công tác xây dựng hệ thống chính trị vùng đồng bào Chăm tiếp tục được củng cố và tăng cường, đến nay các thôn, xã vùng đồng bào Chăm đều có tổ chức cơ sở Đảng, ở 02 Đảng bộ xã: Phan Thanh (Bắc Bình), Phú Lạc (Tuy Phong) nhiều năm liền luôn đạt danh hiệu “trong sạch vững mạnh”. Công tác phát triển đảng viên là người Chăm cũng được các cấp uỷ Đảng quan tâm, đến nay đảng viên là người Chăm có 283 đồng chí (chiếm 1,46% tổng số đảng viên toàn tỉnh), trong đó có nhiều đồng chí là cán bộ chủ chốt của cấp uỷ, UBND, Mặt trận, các đoàn thể các cấp. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở vùng Chăm được giữ vững, đồng bào luôn tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, phát huy truyền thống xây dựng tình đoàn kết, bình đẳng giữa các dân tộc anh em, tích cực đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu “Diễn biến hoà bình” của các thế lực thù địch, góp phần giữ vững an ninh chính trị ở địa phương.
Có thể nói, việc thực hiện các chủ trương, chính sách đối với đồng bào dân tộc Chăm trong những năm qua đã thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước; qua đó củng cố lòng tin trong chức sắc, đồng bào Chăm đối với Đảng, Nhà nước. Song để thực hiện có hiệu quả các mặt công tác ở vùng đồng bào Chăm trong thời gian đến; các cấp, các ngành, địa phương trong tỉnh cần tiếp tục triển khai thực hiện tốt Chương trình hành động số 25-NQ/TU, ngày 14/6/2010 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ về việc triển khai thực hiện Kết luận số 57-KL/TW, ngày 03/01/2009 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện các Nghị quyết Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá IX), coi đây là nhiệm vụ trọng tâm của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở trong việc thực hiện chính sách dân tộc giai đoạn 2011-2015, trong đó có công tác đối với đồng bào Chăm.
PHÒNG DÂN TỘC - TÔN GIÁO