Trong những năm qua, việc học tập, quán triệt và vận dụng các chủ trương, nghị quyết của Đảng, tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về dân vận và công tác dân vận, nhất là học tập bài báo Dân vận của Bác, bài viết “Nhớ ngày 15 tháng 10” của nguyên Tổng Bí thư Trung ương Đảng Lê Khả Phiêu và triển khai Quy chế công tác Dân vận của hệ thống chính trị theo Quyết định số 290-QĐ/TW của Bộ Chính trị luôn được các cấp ủy Đảng của tỉnh Bình Thuận quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện đạt nhiều kết quả quan trọng. Qua đó, các cấp ủy đã có những đổi mới trong phương thức lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác dân vận trên các lĩnh vực; các chủ trương, nghị quyết, quyết định, chỉ thị, kết luận, thông báo kết luận của Ban chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và chỉ đạo của Ban Dân vận Trung ương đều được tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện một cách chủ động, nghiêm túc, sát hợp với tình hình của địa phương. Nhờ đó, đã tạo được sự chuyển biến khá tích cực về nhận thức, trách nhiệm trong cả hệ thống chính trị về công tác dân vận và vận động quần chúng, góp phần quan trọng thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh nhà tiếp tục phát triển; an ninh chính trị được giữ vững; đời sống nhiều vùng dân cư tiếp tục được cải thiện; hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị tiếp tục được nâng lên.
Trước hết, có thể nói đến sự đổi mới trong tổ chức triển khai, quán triệt các nghị quyết. Ngay sau khi tiếp thu các Nghị quyết của Trung ương, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Thuận đã kịp thời phổ biến nhanh nội dung cốt lõi của nghị quyết cho đội ngũ cán bộ chủ chốt của các sở, ban, ngành, mặt trận, đoàn thể tỉnh và các cấp trực thuộc tỉnh; trên cơ sở đó giao cho Ban Dân vận Tỉnh ủy phối hợp các ngành chuẩn bị dự thảo báo cáo, xây dựng chương trình hành động, chỉ thị, tổ chức lấy ý kiến của các ngành liên quan trước khi trình Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy thông qua. Các nghị quyết, chương trình hành động hoặc chỉ thị ban hành thường có nội dung ngắn gọn, tập trung vào những nhiệm vụ trọng tâm, cụ thể, phù hợp với đặc điểm tình hình thực tế của tỉnh.
Đối với cấp huyện và cơ sở, trên cơ sở các văn bản chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và hướng dẫn của Ban Dân vận Tỉnh ủy; các cấp ủy Đảng đã vận dụng ban hành văn bản chỉ đạo, đồng thời đẩy mạnh quán triệt và bằng nhiều hình thức tổ chức tuyên truyền, phổ biến sâu rộng các chủ trương, nghị quyết của Đảng để cán bộ, đoàn viên, hội viên, quần chúng nhân dân hiểu và thực hiện; tăng cường giám sát, kiểm tra việc triển khai thực hiện ngay từ cơ sở.
Ngoài triển khai thực hiện đầy đủ các nghị quyết, văn bản chỉ đạo của Trung ương; những năm gần đây, xuất phát từ yêu cầu thực tiễn công tác và trên cơ sở đề xuất của Ban Dân vận Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy tiếp tục ban hành nhiều chỉ thị, quy định, đề án về công tác dân vận, vận động quần chúng, tạo điều kiện để thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, phát huy dân chủ, đảm bảo an sinh xã hội. Có thể kể đến một số văn bản như Chỉ thị số 20 về xây dựng và phát huy lực lượng cốt cán trong tình hình mới, Chỉ thị số 39 về tăng cường công tác dân vận của hệ thống chính trị trong tình hình mới, Đề án nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ Khối dân vận toàn tỉnh, giai đoạn 2010 – 2015, Quy định số 312 về tiêu chuẩn chức danh cán bộ lãnh đạo, quản lý của các cơ quan thuộc Khối Dân vận các cấp (tỉnh, huyện, xã), Chương trình hành động số 05 về thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng và Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XII về công tác dân vận.... Thành lập mới và ban hành các quy định về chức năng, nhiệm vụ và mối quan hệ để các Ban Chỉ đạo “Tiếp cho em đến trường”, Ban chỉ đạo phối hợp công tác dân vận trên lĩnh vực quốc phòng - an ninh và Ban chỉ đạo phối hợp công tác dân vận trên lĩnh vực an ninh - trật tự, hoạt động đi vào nề nếp, phát huy hiệu quả thiết thực. Ban Dân vận Tỉnh ủy cũng đã xây dựng và triển khai thực hiện Đề án “Nâng cao chất lượng hoạt động của Khối dân vận xã, phường, thị trấn”.
Trong lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ về công tác dân vận, các cấp ủy Đảng thường xuyên coi trọng công tác kiểm tra, giám sát, sơ kết, tổng kết các nghị quyết, chỉ thị đã ban hành. Hàng năm, Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo việc kiểm tra và tự kiểm tra, thành lập các Đoàn kiểm tra, giám sát trực tiếp việc thực hiện một số nghị quyết, chỉ thị về liên quan về lãnh đạo công tác dân vận, Mặt trận, đoàn thể ở các địa phương, đơn vị. Qua kiểm tra, giám sát, sơ kết, tổng kết đã kịp thời phát huy những mặt ưu điểm, chấn chỉnh những hạn chế của các cấp, các ngành, đồng thời cũng đã rất chú trọng công tác phúc tra.
Đối với hoạt động của Mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội, các cấp ủy cũng đã có sự đổi mới đáng kể trong lãnh đạo, chỉ đạo. Những năm gần đây, ngay từ đầu năm, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã chủ trương, ra quyết định giao nhiệm vụ trọng tâm trong năm cho Mặt trận, các đoàn thể tỉnh; hỗ trợ thêm kinh phí ngoài công việc thường xuyên để Mặt trận, các đoàn thể chính trị - xã hội tỉnh tổ chức ngày càng có hiệu quả các hoạt động, hướng mạnh về cơ sở; đưa nội dung xây dựng Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể thành một trong những tiêu chí đánh giá chất lượng của tổ chức đảng các cấp. Hàng quý, Thường trực Tỉnh ủy chủ trì làm việc với Mặt trận, đoàn thể chính trị - xã hội tỉnh để nghe báo cáo, nắm tình hình và chỉ đạo hoạt động. Năm 2010, đã chỉ đạo từng Mặt trận, đoàn thể tỉnh xây dựng và đã ban hành Đề án về đổi mới nội dung, phương thức hoạt động; đồng thời cho chủ trương để UBND tỉnh vận dụng, ban hành một số chính sách bảo hiểm y tế tự nguyện, chế độ mai táng phí, mức phụ cấp cho người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã và Trưởng Ban công tác Mặt trận, trưởng các chi đoàn, chi hội đoàn thể ở thôn, khu phố.
Với cách làm trên của cấp ủy các cấp, đã từng bước nâng dần trách nhiệm của đội ngũ cán bộ khối dân vận, đoàn thể trong triển khai thực hiện các nhiệm vụ chính trị, nhất là trách nhiệm người đúng đầu đơn vị các cấp. Nhờ vậy, đến nay đội ngũ cán bộ Khối dân vận - Mặt trận, đoàn thể các cấp trong tỉnh được sắp xếp, bố trí tương đối ổn định, cơ bản đảm bảo theo quy định. Ban Dân vận Tỉnh ủy và Mặt trận, các đoàn thể chính trị - xã hội tỉnh đã bố trí đầy đủ số cán bộ lãnh đạo chủ chốt và đều có lãnh đạo nữ. Chất lượng hoạt động của Mặt trận, các đoàn thể chính trị - xã hội trong tỉnh được nâng lên, phát huy tốt vai trò đoàn kết, vận động, tập hợp quần chúng vào tổ chức; đã tập trung củng cố, xây dựng và phát triển được 2.420 tổ chức cơ sở (xóa không còn thôn, khu phố "trắng" về tổ chức của mặt trận, các đoàn thể); thành lập hơn 10.000 tổ, nhóm, câu lạc bộ; phát triển được 484.997 đoàn viên, hội viên, đạt tỷ lệ 74,05% so với tổng số quần chúng. Tỷ lệ tổ chức cơ sở của Mặt trận, đoàn thể đạt vững mạnh hàng năm đều tăng, riêng năm 2010 tổ chức cơ sở vững mạnh đạt 78,24%.
Có thể khẳng định sự quan tâm đổi mới phương thức lãnh đạo của cấp ủy đảng đối với công tác dân vận luôn có ý nghĩa hết sức quan trọng và là một trong những nhân tố quyết định đến sự thành công trong mọi công việc. Đúng như lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “...Việc dân vận rất quan trọng, dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”./.
Trần Xuân Đông