Năm 2011 kết thúc, xuân mới lại đến, không khí vui tươi, phấn khởi đang tràn ngập trong mỗi chúng ta. Trong năm qua, mặc dù trong điều kiện không ít khó khăn, nhất là tác động của suy thoái kinh tế nhưng Đảng ta đã lãnh đạo, cổ vũ toàn dân ta vượt qua khó khăn, thực hiện thành công mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội.
Trong niềm vui lớn của cả nước, mừng Đảng ta 82 mùa xuân, đồng bào các dân tộc thiểu số ở Bình Thuận đang đón mùa xuân về trong niềm hạnh phúc và tự hào về Đảng, về đất nước, về quê hương Bình Thuận. Mùa xuân này, đời sống của trên 80 nghìn đồng bào dân tộc thiểu số ở các xã thuần và thôn xen ghép trên các địa bàn thuộc tỉnh Bình Thuận có sự thay đổi rõ rệt, đang chan chứa nhiều niềm tin và hy vọng cho một tương lai phát triển bền vững. Những cánh rừng cao su, cây điều, thanh long xanh ngát, những cánh đồng bắp lai, lúa nước trổ bông nặng trĩu cho mùa bội thu; nhiều công trình mới mọc lên; nhiều hộ nghèo đã được hỗ trợ xây dựng nhà ở, có điện thắp sáng, có ti vi để xem,... tình trạng đói giáp hạt như trước đây không còn nữa. Đại bộ phận đồng bào đã chủ động vươn lên trong cuộc sống, khắc phục dần tư tưởng trông chờ ỷ lại.
Cái bụng no, đồng bào các dân tộc thiểu số càng gửi trọn niềm tin với Đảng, nhất là Nghị quyết số 04, ngày 7/5/2002 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Bình Thuận (khóa X) về xây dựng và phát triển toàn diện dân sinh, kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đây được coi là một nghị quyết đột phá, phù hợp ý Đảng với lòng dân. Có thể nói từ khi có Nghị quyết 04 đến nay, các mặt dân sinh, kinh tế - xã hội vùng đồng bào các dân tộc thiểu số ngày càng chuyển biến khá toàn diện; khối đại đoàn kết giữa các dân tộc trong tỉnh được được tăng cường; niềm tin của đồng bào đối với sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước ngày càng được củng cố. Hầu hết các hộ đồng bào dân tộc thiểu số đã được cấp đất sản xuất, cho vay vốn chăn nuôi bò, giao khoán quản lý bảo vệ rừng. Sản xuất nông nghiệp chuyển biến khá rõ, một số cây trồng như bắp lai, lúa nước phát triển ổn định, phương thức canh tác chuyển biến rõ rệt, nạn phá rừng làm rẫy được hạn chế. Nhiều nguồn vốn từ các chương trình để đầu tư phát triển cơ sở vật chất, kết cấu hạ tầng làm cho bộ mặt nông thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số ngày càng khởi sắc. Sự nghiệp y tế, giáo dục, văn hóa, thể thao được quan tâm chăm lo tốt hơn. Đời sống của đồng bào từng bước ổn định, một bộ phận có ý thức nỗ lực vươn lên, làm giàu bền vững. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội căn bản được giữ vững. Hệ thống chính trị được củng cố, đội ngũ cán bộ được quan tâm đào tạo, cơ bản đáp ứng được yêu cầu.
Đến nay, 85% số xã được nhựa hóa đường giao thông từ trung tâm xã đến các thôn, bản tạo điều kiện cho đồng bào lưu thông hàng hóa thuận tiện; trên 90% hộ được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh, 98% hộ có điện sinh hoạt, 100% diện tích lúa nước của đồng bào đã có đủ nước tưới, 100% xã đạt chuẩn quốc gia về phổ cập giáo dục tiểu học và chống mù chữ; tỷ lệ suy dinh dưỡng ở trẻ em giảm xuống dưới 15%; có trên 99% hộ đồng bào được xem truyền hình; số hộ nghèo giảm bình quân 7,3%/năm, riêng trong đồng bào Chăm số hộ nghèo theo chuẩn mới giảm còn 8,83%.
Chúng ta tin tưởng và kỳ vọng rằng, với nhận thức ngày càng tiến bộ, với ý chí tự lực, tự cường, đoàn kết vươn lên, cùng với sự quan tâm, tạo điều kiện của Đảng và Nhà nước; từ mùa xuân này và nhiều mùa xuân mới nữa, đồng bào các dân tộc thiểu số của Bình Thuận sẽ ra sức xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc vươn lên làm giàu, góp phần xây dựng quê hương Bình thuận ngày càng giàu đẹp theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XII của Đảng bộ tỉnh, cùng toàn Đảng, toàn dân xây dựng đất nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh theo mục tiêu, lý tưởng của Đảng và Bác Hồ kính yêu đã lựa chọn.
Trần Xuân Đông