Bình Thuận là tỉnh duyên hải cực Nam Trung Bộ, với tổng diện tích gần 8.000 km2, dân số khoảng 1,2 triệu người, trong đó nông dân chiếm gần 70% dân số. Nền kinh tế chủ yếu là nông, lâm nghiệp, thuỷ sản và du lịch; trong đó nông nghiệp chiếm vai trò chủ đạo với trên 150.000 ha đất canh tác, với hơn 50.000 ha đất lúa. Những năm qua, phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, xóa đói giảm nghèo làm giàu chính đáng đã được triển khai và phát triển rộng khắp trong các tầng lớp nông dân, góp phần thay đổi mạnh mẽ phương thức, tập quán sản xuất cũ, nhỏ lẻ và chuyển đổi cơ cấu cây trồng, con nuôi, mở rộng quy mô sản xuất, thúc đẩy sản xuất nông, ngư, tiểu thủ công nghiệp của tỉnh nhà phát triển.
Có thể nói, Hội Nông dân là tổ chức giữ vai trò chủ đạo trong việc phát động phong trào nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi trên địa bàn toàn tỉnh với những chương trình hành động, kế hoạch cụ thể hóa cho từng vùng, từng địa phương nhằm đẩy mạnh phong trào trên diện rộng và chất lượng ngày càng được nâng cao. Với những hình thức phong phú, đa dạng, Hội Nông dân các cấp đã tổ chức tập hợp và hướng dẫn các chương trình thi đua đoàn kết giúp nhau phát triển kinh tế, tuyên truyền làm rõ mục tiêu của phong trào thi đua.
Với truyền thống cần cù, sáng tạo, các tầng lớp nông dân trong tỉnh đã mạnh dạn tiếp thu, ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ; tương trợ, hợp tác trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm; xây dựng được nhiều mô hình sản xuất trong nông nghiệp đạt giá trị thu nhập cao. Từ đó thúc đẩy phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, xóa đói giảm nghèo làm giàu chính đáng và xây dựng nông thôn mới; đời sống vật chất, tinh thần của nông dân được cải thiện rõ rệt; qua phong trào đã xuất hiện ngày càng nhiều nông dân năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm và làm có hiệu quả nhiều mô hình, góp phần giảm hộ nghèo, tăng hộ khá, giàu trong tỉnh. Điển hình trong sản xuất thanh long có hộ ông Trần Văn Sinh (Hàm Thuận Nam) trồng 14.000 trụ (14ha) thanh long theo tiêu chuẩn ViêtGAP, lợi nhuận hàng năm 800 triệu đồng; hộ ông Nguyễn Văn Lượng (Hàm Tân) trồng 6 ha xoài xen cam, quýt, hàng năm thu lợi trên 800 triệu đồng; hộ ông Đoàn Văn Chính (Đức Linh) với mô hình trồng, thu mua cao su, cung cấp vật tư, phân bón, chế biến hạt điều bình quân mỗi tháng thu nhập 10 triệu đồng/khẩu và tạo việc làm thường xuyên cho 38 lao động với thu nhập bình quân từ 2-3 triệu đồng/tháng...... Qua đó, đã giúp cho hàng ngàn nông dân có việc làm, tăng thu nhập, ổn định đời sống, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo trong nông dân từ 7% (năm 2006) xuống còn 2,4% (năm 2011).
Bên cạnh thực hiện phong trào sản xuất, kinh doanh giỏi, nông dân trong tỉnh còn tích cực tham gia các phong trào, các cuộc vận động và các hoạt động xã hội; nhiều nông dân đã hiến đất làm đường giao thông nông thôn (huyện Hàm Thuận Bắc, Hàm Tân), mô hình mỗi xã làm một việc (Tuy Phong), mô hình “Tổ cần kiệm gắn với tự quản, tự phòng” (Đức Linh), mô hình “Tổ tương trợ” (Tánh Linh); tham gia đóng góp các quỹ (đền ơn đáp nghĩa, phòng chống thiên tai, vì người nghèo, khuyến học...); cùng với sự đầu tư của Nhà nước, 5 năm qua các cấp Hội trong tỉnh đã vận động nông dân đóng góp hơn 7 tỷ đồng, gần 40.000 ngày công để xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn, sửa chữa, nâng cấp, bảo dưỡng đường giao thông nông thôn, nạo vét kênh nương nội đồng.
Qua thực hiện phong trào thi đua nông dân sản xuất – kinh doanh giỏi, các tầng lớp nông dân trong tỉnh đã đoàn kết, giúp nhau phát triển kinh tế, đẩy mạnh sản xuất, xoá đói giảm nghèo, vươn lên làm giàu cho bản thân, gia đình và xã hội, góp phần thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn của tỉnh nhà.
Để phong trào phát triển ngày càng sâu rộng, thời gian tới Hội Nông dân các cấp cần tiếp tục phát huy tốt vai trò nòng cốt, tích cực tham mưu cho cấp uỷ Đảng, chủ động phối hợp với các cấp, ngành, nhất là ngành nông nghiệp trong chỉ đạo và tổ chức thực hiện phong trào, xây dựng mô hình điểm, nhân điển hình và sơ, tổng kết rút kinh nghiệm kịp thời; sâu sát với phong trào, với nông dân để nắm tâm tư, nguyện vọng và giúp nông dân tháo gỡ nhưng khó khăn, vướng mắc trong sản xuất. Thực tế đã chứng minh, nơi nào làm tốt công tác hỗ trợ cho nông dân thì nơi đó nông dân phấn khởi làm ăn, sản xuất - kinh doanh phát triển và phong trào thi đua ngày càng mạnh lên.
TUẤN CƯỜNG