Bình đẳng giới là một tiêu chí quan trọng để đánh giá sự phát triển của xã hội; đồng thời cũng là tiền đề, là mục tiêu cho một xã hội ổn định và phát triển bền vững. Luật Bình đẳng giới được Quốc hội Nước CHXHCNVN (khóa XI) thông qua tại kỳ họp thứ 10, ngày 29/11/2006, Luật này quy định nguyên tắc bình đẳng giới trong các lĩnh vực của đời sống xã hội; biện pháp bảo đảm bình đắng giới; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, gia đình, cá nhân trong thực hiện bình đẳng giới. Luật này ra đời với mục tiêu là xóa bỏ sự phân biệt đối xử về giới, hỗ trợ và tạo điều kiện như nhau cho nam và nữ phát huy khả năng, tiến tới bình đẳng giới trong mọi lĩnh vực; thiết lập, củng cố quan hệ hợp tác, hỗ trợ nhau trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội và gia đình.
Ngày nay, việc nữ giới thành công trong nhiều lĩnh vực cũng như nam giới cho thấy rằng vai trò, vị trí của giới nữ đã được mở rộng hơn. Những đây đó, cũng còn không ít phụ nữ phải chịu sự ràng buộc, không được tự do phát huy năng lực của bản thân..... Nhằm phát huy tốt hơn vai trò đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của hội viên, phụ nữ, góp phần thực hiện bình đẳng giới và nâng cao vị thế cho phụ nữ; Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh đã có nhiều nỗ lực phối hợp với các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể liên quan thực hiện bình đẳng giới ở nhiều lĩnh vực như: lao động việc làm, chăm sóc sức khoẻ, nâng cao vai trò, vị trí của phụ nữ.....; chỉ đạo các cấp Hội cụ thể hóa và triển khai thực hiện các văn bản chỉ đạo của trên liên quan đến việc triển khai thực hiện công tác bình đẳng giới ở địa phương, cơ sở.
Bằng các hình thức tuyên truyền phong phú, đa dạng phù hợp với đặc điểm tình hình cụ thể của từng địa phương, đơn vị; các cấp Hội phụ nữ đã tổ chức tuyên truyền, phổ biến các văn bản Luật có liên quan trực tiếp đến phụ nữ, trẻ em như: Luật Bình đẳng giới, Luật phòng, chống bạo lực gia đình, Luật hôn nhân gia đình, Luật an toàn giao thông, Luật phòng, chống ma tuý, pháp luật về phòng, chống mua bán người trái phép... đến đông đảo hội viên, phụ nữ, qua đó giúp cho hội viên, phụ nữ tiếp cận và từng bước nâng cao kiến thức về luật pháp, nhất là phụ nữ vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số... Ngoài ra, các cấp Hội cũng đã tích cực tham mưu cho cấp uỷ và phối hợp với các ngành chức năng kịp thời giải quyết có hiệu quả các đơn, thư khiếu nại, tố cáo, những khó khăn, vướng mắc của hội viên, phụ nữ nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của phụ nữ, trẻ em.....;tổ chức các hoạt động hỗ trợ phụ nữ, góp phần thực hiện mục tiêu bình đẳng giới thông qua phong trào thi đua “phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc” và các nhiệm vụ công tác trọng tâm của Hội. Phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể tham gia giám sát thực hiện Luật bình đẳng giới, giám sát thực hiện các chính sách an sinh xã hội liên quan trực tiếp đến quyền lợi của phụ nữ tại địa phương như: chế độ ưu đãi đối với hộ nghèo, chế độ chính sách đối với lao động nữ tại một số công ty, doanh nghiệp ngoài nhà nước; việc phụ nữ thực hiện KHHGĐ; BHYT cho trẻ em, hộ nghèo; bình xét hộ nghèo..... Tổ chức 04 cuộc khảo sát về thực trạng phụ nữ bị bạo lực gia đình và tình hình thực hiện Luật phòng chống bạo lực gia đình; 02 cuộc khảo sát tình hình triển khai thực hiện công tác phòng, chống tội phạm buôn bán phụ nữ, trẻ em và tình hình phụ nữ kết hôn với người nước ngoài tại các địa phương trong tỉnh.
Hoạt động tư vấn, giáo dục pháp lý cũng được chú ý, trong 02 năm 2010-2011, các cấp Hội phụ nữ trong tỉnh đã phối hợp tổ chức được 10 buổi tư vấn, trợ giúp pháp lý lưu động cho gần 450 hội viên, phụ nữ tham gia; tổ chức 44 điểm tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý thu hút hơn 2.000 hội viên, phụ nữ tham gia; mở 17 lớp tập huấn về công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho gần 1.115 cán bộ Hội, báo cáo viên, tuyên truyền viên cấp huyện và cấp xã; phối hợp tổ chức 04 cuộc truyền thông về phòng, chống mua bán trẻ em, phụ nữ cho cán bộ, hội viên, phụ nữ, học sinh THPT, THCS và nhân dân tham gia. Bên cạnh đó, đã tiếp nhận và phối hợp giải quyết 107/464 đơn, thư khiếu tố cáo của hội viên, phụ nữ liên quan đến các lĩnh vực hôn nhân gia đình, bạo lực gia đình, trộm cắp tài sản...; phối hợp hòa giải thành 800/1.256 vụ việc mâu thuẫn trong hội viên, nhân dân.
Để góp phần đưa Luật Bình đẳng giới đi vào cuộc sống, thời gian tới các cấp, các ngành cần tăng cường hoạt động kiểm tra, giám sát việc thực hiện Luật Bình đẳng giới. UBND các cấp cần rà soát đề xuất sửa đổi, bổ sung các chính sách, chế độ đã ban hành cho phù hợp với Luật Bình đẳng giới; lồng ghép có hiệu quả yếu tố giới vào các chính sách, chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của các cấp, các ngành. Các cơ quan thông tin đại chúng và các ngành chức năng bằng nhiều hình thức thích hợp, tăng cường đẩy mạnh công tác tuyên truyền vấn đề giới, Luật bình đẳng giới, Luật phòng chống bạo lực gia đình tới các tầng lớp nhân dân. Đối với các cấp Hội phụ nữ cần tăng cường nắm tình hình, những vấn đề bức xúc nổi lên trong hội viên, phụ nữ đề xuất, phối hợp giải quyết có hiệu quả; kịp thời động viên, giúp đỡ hội viên, phụ nữ tích cực học tập, lao động, phát huy tốt vai trò, vị thế của mình, phấn đấu vươn lên trong cuộc sống, góp phần thực hiện tốt các mục tiêu về bình đẳng giới.
Tuấn Cường