Bình Thuận là một tỉnh duyên hải thuộc Miền Đông Nam Bộ, với bờ biển dài 192 km. Phía Bắc và Đông Bắc giáp Ninh Thuận, phía Tây Bắc giáp Lâm Đồng, phía Tây giáp Đồng Nai và phía Tây Nam giáp Bà Rịa - Vũng Tàu. Diện tích tự nhiên gần 800 km2, dân số gần 1,2 triệu người; có 10 huyện, thị xã, thành phố, trong đó thành phố Phan Thiết là trung tâm tỉnh lỵ và có huyện đảo Phú Quý cách thành phố Phan Thiết 120 km. Bình Thuận có 30 dân tộc, trong đó có 29 dân tộc thiểu số với gần 15.000 hộ/80.000 khẩu, chiếm 7% dân số toàn tỉnh. Các dân tộc có số dân trên 10 ngàn người như: Chăm, Hoa, Raglai; dưới 10 ngàn người: K'ho, Tày, Nùng, Chơro; dưới 1.000 người như: Thái, Khơme, Mường, Giarai, Ngái, Êđê,...Đồng bào dân tộc thiểu số cư trú tập trung chủ yếu ở 17 xã và 32 thôn xen ghép, trong đó có 11 xã thuần đồng bào dân tộc thiểu số vùng cao; 04 xã, 09 thôn thuần đồng bào dân tộc Chăm và 02 xã, 03 thôn phần đông là dân tộc Tày, Nùng.
Những năm qua, đồng bào các dân tộc thiểu số trong tỉnh luôn được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp uỷ, chính quyền, Mặt trận, đoàn thể và sự hỗ trợ tích cực các sở, ban, ngành về vốn, kỹ thuật để mở rộng sản xuất, phát triển kinh tế, nâng cao đời sống. Nhiều chương trình, dự án của Trung ương Đảng, của Chính phủ và của tỉnh được đầu tư, nhất là Chương trình 134, 135 của Chính phủ, Nghị quyết 04 của Tỉnh uỷ (khoá X) về phát triển toàn diện dân sinh kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, cùng với sự nổ lực phấn đấu của đồng bào, nên tình hình kinh tế - xã hội trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số có những chuyển biến tiến bộ; đời sống của đồng bào ổn định và tiếp tục được cải thiện; an ninh chính trị, trật tự xã hội được giữ vững. Đồng bào các dân tộc thiểu số trong tỉnh đoàn kết, gắn bó, tin tưởng vào Đảng, Nhà nước.
Thực hiện Quyết định số 07/2006/QĐ-TTg, ngày 10/01/2006 của Thủ tướng Chính phủ về Chương trình phát triển kinh tế - xã hội các xã đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc và miền núi giai đoạn 2006 - 2010 (Chương trình 135 giai đoạn II); UBND tỉnh và các địa phương đã củng cố, kiện toàn Ban Chỉ đạo các cấp; ban hành nhiều văn bản hướng dẫn, tổ chức chỉ đạo triển khai thực hiện, Quyết định số 947/QĐ-UBND về việc phân cấp chủ thể quản lý, sử dụng, duy tu, bảo dưỡng các công trình đã được đầu tư xây dựng vùng đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh; Kế hoạch số 1903/UBND-KT về triển khai đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực cán bộ cơ sở và cộng đồng thuộc Chương trình 135 giai đoạn II; Quyết định số 2286/QĐ-UBND về phê duyệt Dự án Hỗ trợ phát triển sản xuất, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao trình độ sản xuất của đồng bào dân tộc thuộc Chương trình 135 giai đoạn 2006 - 2010;…Theo đó, các ngành, các cấp trong tỉnh đã nỗ lực triển khai thực hiện, có sự phối hợp đồng bộ với các chương trình, kế hoạch khác. Nhờ đó, qua 5 năm triển khai Chương trình đã đạt được một số kết quả quan trọng:
Sản xuất nông nghiệp ở các xã thực hiện Chương trình 135 đã có chuyển biến rõ nét. Chương trình đã hỗ trợ cho trên 5.000 lượt người tham gia các lớp tập huấn khuyến nông, khuyến lâm; đầu tư 1,8 tỷ đồng tiền giống cây trồng, con nuôi, vật tư nông nghiệp và trên 340 máy móc thiết bị nông nghiệp các loại… để giúp đồng bào ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, chuyển đổi phương thức sản xuất, giảm bớt chi phí, nâng cao hiệu quả sản xuất; thu nhập bình quân đầu người tăng từ 1,7 triệu đồng năm 2006 tăng lên 3,6 triệu đồng năm 2010; tỷ lệ hộ nghèo giảm đáng kể, từ 3.200 hộ, chiếm 43,45% (năm 2006) giảm xuống còn 1.299 hộ, chiếm 20,98% (năm 2010) toàn vùng.
Ở các xã thực hiện Chương 135, kết cấu hạ tầng được quan tâm đầu tư cải thiện đáng kể. Đến nay, 100% số xã đã có đường giao thông cho xe cơ giới đến trung tâm xã, có Trạm y tế và trường, lớp được xây dựng kiên cố; 100% các thôn, xã đều có đường điện trung, hạ thế phục vụ sản xuất và sinh hoạt, tỉ lệ hộ dùng điện đạt trên 96%; 11/12 xã được đầu tư xây dựng hệ thống nước sinh hoạt tập trung và lắp đặt đồng hồ nước vào từng hộ, tỷ lệ số hộ có nước sinh hoạt hợp vệ sinh khoảng 85%. Công tác giáo dục - đào tạo được quan tâm, tỷ lệ huy động học sinh ra lớp ở các cấp học năm sau cao hơn năm trước, đạt trên trên 98%, tỷ lệ học sinh bỏ học giữa chừng giảm đáng kể; chất lượng giảng dạy và học tập ngày càng nâng lên. Cán bộ chủ chốt các xã, trưởng thôn, được đào tạo, bồi dưỡng; công tác phổ biến, tuyên truyền về chủ trương, chính sách, pháp luật được tăng cường; qua đó đã giúp cho đồng bào nhận thức sâu sắc và thực hiện tốt hơn chủ trương của Đảng, chính sách, pháp lật của Nhà nước. Điều kiện học tập, tình đoàn kết giữa các dân tộc được tăng cường, rút ngắn dần khoảng cách về trình độ phát triển giữa các vùng.
Tóm lại, cùng với việc triển khai một số chủ trương, chính sách đặc thù của tỉnh; việc triển khai Chương trình 135 giai đoạn II ở Bình Thuận có nhiều thuận lợi. Sau 05 năm thực hiện, với quyết tâm chỉ đạo của các cấp, các ngành, cùng với nỗ lực vươn lên của đồng bào các dân tộc thiểu số đã tạo sức mạnh tổng hợp trong việc tổ chức thực hiện các mục tiêu của chương trình; qua đó đã từng bước giải quyết những khó khăn, búc xúc, góp phần cải thiện đáng kể đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào dân tộc thiểu số và người nghèo. Quá trình đầu tư cơ bản đảm bảo đúng đối tượng, đúng địa bàn, đúng mục đích và đã lồng ghép được nhiều nguồn vốn (ngân sách địa phương trên 89 tỷ đồng, nguồn vốn Chương trình mục tiêu trên 103 tỷ đồng), góp phần tăng thêm cơ sở vật chất thiết yếu phục vụ phát triển kinh tế - xã hội toàn vùng. Chương trình 135 tạo được khí thế mới trong vùng đồng bào các xã đặc biệt khó khăn; phong trào tương thân tương ái, tình làng nghĩa xóm ngày càng được nhân rộng; vấn đề dân chủ, bình đẳng giới, đoàn kết giữa các dân tộc tiếp tục được phát huy; năng lực đội ngũ cán bộ cơ sở được nâng lên; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Đồng bào các dân tộc phấn khởi, tin tưởng vào đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước. Khối đại đoàn kết các dân tộc ngày càng được củng cố bền chặt.
Cùng với sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị của tỉnh và sự hưởng ứng, nỗ lực tích cực của nhân dân các dân tộc trong tỉnh, nhất là đồng bào các dân tộc tộc thiểu số ở các thôn, xã được thụ hưởng Chương trình 135 giai đoạn 2, tin tưởng rằng tỉnh Bình Thuận sẽ thực hiện thắng lợi các mục tiêu đã đề ra, nhất là mục tiêu xoá đói giảm nghèo bền vững trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số./.
Kim Đê