Thanh niên là rường cột của nước nhà, chủ nhân tương lai của đất nước, là lực lượng xung kích trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Chăm lo, giáo dục, phát triển thanh niên vừa là mục tiêu, vừa là động lực bảo đảm cho sự ổn định và phát triển vững bền của quê hương, đất nước.
Lớp lớp thanh niên Bình Thuận luôn tự hào về truyền thống anh hùng cách mạng của quê hương. Trong những năm kháng chiến, bao thế hệ thanh niên Bình Thuận theo tiếng gọi của Đảng đã lên đường tòng quân đánh giặc, trong số đó không ít thanh niên đã hy sinh tuổi xuân, máu xương của mình cho độc lập tự do của dân tộc. Tiếp nối truyền thống anh hùng đó, thanh niên Bình Thuận hôm nay tiếp tục hăng hái xung kích trên các lĩnh vực, tích cực học tập, rèn luyện, phát triển sản xuất, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh quốc phòng của địa phương. Lực lượng Thanh niên toàn tỉnh hiện chiếm gần 30% dân số của tỉnh; trong đó thanh niên nông thôn chiếm trên 25%, thanh niên công nhân chiếm trên 8%, thanh niên công chức, viên chức chiếm 23%, thanh niên là người dân tộc thiểu số chiếm 6,86%, thanh niên theo tín ngưỡng tôn giáo chiếm 16,52% so với tổng số thanh niên toàn tỉnh.
Những năm qua, các cấp ủy Đảng và chính quyền trong tỉnh luôn quan tâm chăm lo, giáo dục, bồi dưỡng thanh niên. Sau khi Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) có Nghị quyết số 25-NQ/TW, ngày 27/7/2008 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thanh niên thời kỳ công nghiệp, hiện đại hóa, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã chỉ đạo tổ chức quán triệt sâu sắc những vấn đề cốt lõi của Nghị quyết, làm cho các cấp ủy, chính quyền, mặt trận, đoàn thể, cán bộ, đảng viên nhận thức đầy đủ hơn vai trò, vị trí, tầm quan trọng của công tác thanh niên và sự cần thiết phải tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thanh niên thời kỳ công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước. Ngày 22/9/2008, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Bình Thuận đã ban hành Chương trình hành động số 18-NQ/TU thực hiện nghị quyết của Trung ương Đảng; tiếp đó, UBND tỉnh đã có kế hoạch số 4170/KH-UBND thực hiện chương Chương trình hành động của Tỉnh ủy và Chiến lược phát triển thanh niên của tỉnh phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương. Quá trình triển khai thực hiện, Ban Thường vụ Tỉnh Đoàn đã tích cực phối hợp với các Ban của Tỉnh ủy tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo tổ chức kiểm tra, sơ kết đánh giá tình hình và kết quả triển khai thực hiện Nghị quyết ở các cấp, các ngành trong tỉnh.
Có thể nói, qua 3 năm thực hiện Nghị quyết, công tác thanh niên ở Bình Thuận đã đạt được những kết quả quan trọng:
- Hầu hết các cấp ủy đảng, chính quyền, các ngành từ tỉnh đến cơ sở đã nghiêm túc tổ chức quán triệt và có kế hoạch, chương trình cụ thể hóa để thực hiện Nghị quyết; có trên 98% cán bộ, đảng viên, 90% cán bộ, đoàn viên và 60% thanh niên được nghiên cứu, học tập nghị quyết. Qua đó, nhận thức và trách nhiệm của các cấp, các ngành, các tổ chức trong hệ thống chính trị về công tác thanh niên và phong trào Đoàn có nhiều chuyển biến tiến bộ.
- Các cấp ủy đảng đã tăng cường chỉ đạo chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể phối hợp với Đoàn thanh niên tổ chức nhiều hình thức tuyên truyền, giáo dục ý thức tự lực, tự cường cho thanh niên, tạo điều kiện cho thanh niên phát huy tính năng động, sáng tạo, ý thức lập nghiệp và gương mẫu chấp hành pháp luật; chú trọng định hướng chính trị, bồi dưỡng lý tưởng cách mạng cho đoàn viên, thanh niên. Niềm tin của thanh niên vào sự lãnh đạo của Đảng ngày càng được củng cố và tăng cường; phần lớn thanh niên có ý thức vượt khó, phấn đấu vươn lên, tiếp cận nhanh cái mới, mong muốn đóng góp sức trẻ xây dựng tỉnh nhà ngày càng giàu mạnh.
- Các nhu cầu chính đáng của thanh niên, nhất là vấn đề học tập, việc làm ngày càng được quan tâm chăm lo, đáp ứng tốt hơn. Hệ thống trường học, trường dạy nghề của tỉnh và 10 các huyện, thị, xã được đầu tư nâng cấp, mở rộng; từ năm 2008 đến cuối năm 2011 đã đào tạo nghề cho 29.210 người; trong đó, thanh niên chiếm 72%; tỷ lệ thanh niên có việc làm sau đào tạo đạt 70%; đầu tư trên 80 tỷ đồng để xây dựng Nhà thiếu nhi, Trung tâm sinh hoạt động thanh thiếu niên tỉnh và ở các huyện, xây dựng 694 điểm tập luyện thể dục, thể thao, vui chơi giải trí lành mạnh cho thanh thiếu niên ở cơ sở. Các Ngân hàng tăng cường hỗ trợ nguồn vốn ưu đãi cho Đoàn thanh niên quản lý trên 123 tỷ đồng, tạo điều kiện cho 15.000 đoàn viên, thanh niên vay phát triển kinh tế, cải thiện đời sống, làm giàu chính đáng; hỗ trợ chính sách tín dụng ưu đãi 734,5 tỷ đồng giúp cho 62.389 lượt hộ gia đình hộ nghèo, cận nghèo có con em là học sinh, sinh viên được tiếp tục học tập. Đáng chú ý là ngày càng có nhiều thanh niên ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng nông thôn, vùng cao... khắc phục khó khăn vươn lên trong học tập để nâng cao trình độ và đã xuất hiện các gương điển hình thanh niên tiêu biểu xuất sắc trong các lĩnh vực đời sống xã hội.
- Đội ngũ cán bộ Đoàn các cấp được quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, có nhiều thuận lợi hơn để phát triển. Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Thuận đã có Đề án “Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ khối vận đến năm 2015”, Đề án 100 để đào tạo cán bộ trẻ sau đại học ở nước ngoài và Quy định số 312 về tiêu chuẩn chức danh cán bộ lãnh đạo, quản lý của các cơ quan thuộc khối Dân vận các cấp (tỉnh, huyện, xã); trong đó, có những quy định đặc thù, ưu tiên riêng cho cán bộ Đoàn, cán bộ trẻ. Kinh phí hoạt động của Đoàn thanh niên, phụ cấp đối với cán bộ không chuyên trách (trong đó có cán bộ Đoàn) từng bước được điều chỉnh, bổ sung phù hợp với điều kiện của tỉnh và chính sách của Nhà nước. Đến nay, đa số cán bộ đoàn, cán bộ trẻ trong hệ thống chính trị của tỉnh cơ bản đã đạt chuẩn theo quy định, đội ngũ trí thức trẻ phát triển nhanh, số thanh niên có trình độ sau đại học ngày càng nhiều. Cán bộ trẻ tham gia cấp ủy, HĐND, UBND các cấp tăng hơn nhiệm kỳ trước (cấp ủy viên trẻ bình quân trong toàn tỉnh chiếm tỷ lệ 5,84%; số đại biểu trẻ trong HĐND cấp tỉnh chiếm tỷ lệ 3,84% (tăng 1,92%), cấp huyện chiếm tỷ lệ 10,5% (tăng 4,02%), cấp xã chiếm tỷ lệ 28,37% (tăng 9,2%)). Số cán bộ Đoàn chuyên trách các cấp dần được trẻ hóa, có 58,43% trong độ tuổi thanh niên.
- Chất lượng, hiệu quả hoạt động của Đoàn thanh niên các cấp ngày càng chuyển biến tích cực. Công tác Đoàn và phong trào thanh niên được định hình rõ nét hơn và đang tiếp tục phát triển phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ trong thời kỳ mới. Các cấp bộ Đoàn đã triển khai thực hiện tốt Đề án về đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Đoàn, hướng mạnh các hoạt động về cơ sở, gần gũi với thanh niên và nhân dân, gắn với thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương. Trong 03 năm ( 2008 - 2011) các cấp bộ Đoàn trong tỉnh thực hiện được 491 công trình thanh niên phục vụ việc phát triển dân sinh, kinh tế- xã hội với tổng trị giá 2,516 tỷ đồng; giới thiệu 7.000 đoàn viên ưu tú cho tổ chức Đảng xem xét và đã kết nạp được 2.719 đảng viên mới từ đoàn viên ưu tú, chiếm tỷ lệ 65,28% so với tổng số đảng viên mới được kết nạp toàn đảng bộ. Công tác đoàn kết, tập hợp thanh niên vào tổ chức Đoàn, Hội đạt được kết quả đáng ghi nhận; đã tập trung củng cố, kiện toàn các tổ chức yếu kém, xóa trắng tổ chức Đoàn ở địa bàn dân cư, phát triển thêm nhiều tổ chức đoàn, hội trong các loại hình doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước, toàn tỉnh hiện có 183 Đoàn cơ sở; 387 chi đoàn cơ sở và 2.452 chi đoàn trực thuộc. Tỷ lệ tổ chức cơ sở Đoàn vững mạnh bình quân trong 03 năm đạt trên 74%.
Song, quá trình triển khai thực hiện nghị quyết còn bộc lộ một số tồn tại, hạn chế, khó khăn. Mà nguyên nhân chủ yếu là do nhận thức về công tác thanh niên của một số cấp ủy, chính quyền, cán bộ, đảng viên chưa đầy đủ nên chưa tập trung chỉ đạo đúng mức; ngân sách của địa phương còn nhiều khó khăn nên một số mục tiêu, chỉ tiêu Nghị quyết đề ra chưa đạt được; một bộ phận cán bộ Đoàn chưa thật chủ động, còn tư tưởng ỷ lại; thiếu nhiệt tình đối với công tác.
Từ những kết quả đạt được, cũng như những tồn tại hạn chế qua 3 năm thực hiện Nghị quyết, có thể rút ra những kinh nghiệm bổ ích cho thời gian tới như: (1) phải tăng cường quán triệt làm cho các cấp, các ngành nắm vững quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ của công tác thanh niên trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và đó là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội; (2) từng cấp, từng ngành cần có kế hoạch, chương trình thực hiện nghị quyết phù hợp với thực tiển tình hình và nhu cầu của thanh niên ở đơn vị, địa phương mình; (3) chú trọng công tác kiểm tra, giám sát, làm rõ trách nhiệm của các cấp ủy, chính quyền và phát huy vai trò tiền phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên; (4) duy trì chế độ làm việc thường xuyên của Thường trực cấp ủy với Ban Thường vụ Đoàn Thanh niên để lắng nghe, định hướng hoạt động và tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động Đoàn; (5) chăm lo xây dựng tổ chức Đoàn thanh niên thật sự vững mạnh; (6) đẩy mạnh xã hội hóa công tác thanh niên.
Thiết nghĩ, thời gian tới các cấp, các ngành cần quan tâm đặc biệt hơn nữa đến thanh niên và công tác thanh niên; cần nhận thức thống nhất, đầy đủ và sâu sắc rằng xây dựng Đoàn thanh niên vững mạnh là nội dung quan trọng trong công tác xây dựng Đảng, là xây dựng Đảng trước một bước; có như vậy công tác Đoàn và phong trào thanh niên tỉnh nhà mới thực sự phát triển vững mạnh.
Trần Xuân Đông