Trước hết, đã có sự chuyển biến tích cực trong nhận thức, hành động đối với công tác dân vận theo phong cách “trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với dân”, “nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin” trong đội ngũ cán bộ, công chức. Các cấp, các ngành đã tập trung đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất, đời sống của nhân dân; thực hiện khá tốt các chính sách an sinh xã hội, chăm lo đời sống cho nhân dân, đặc biệt là gia đình chính sách, người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số (hỗ trợ cải thiện nhà ở, hỗ trợ sản xuất, giáo dục - đào tạo, khám chữa bệnh....). Nhờ đó, đời sống của nhân dân tiếp tục được cải thiện, quyền làm chủ của nhân dân được phát huy; quốc phòng - an ninh, trật tự an toàn xã hội căn bản được giữ vững. Nhiều cơ quan, đơn vị đã xây dựng và thực hiện quy định về quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức trong giải quyết công việc; trong quá trình thực thi công vụ, cán bộ, công chức các cơ quan, đơn vị, địa phương cũng đã chú trọng hơn đến công tác tuyên truyền, vận động, thuyết phục nhân dân thực hiện.
Công tác cải cách thủ tục hành chính tiếp tục được đẩy mạnh gắn với củng cố, xây dựng bộ máy chính quyền trong sạch, vững mạnh, đã tạo được sự chuyển biến nhất định trong giải quyết công việc cho tổ chức và công dân. Đến nay, toàn tỉnh có 19 sở, ngành và 100% các huyện, thị, thành phố, xã, phường, thị trấn thực hiện cơ chế "một cửa" và "một cửa liên thông". UBND tỉnh đã có quyết định công bố 1.328 thủ tục hành chính đang được thực hiện ở các ngành, các cấp trên địa bàn tỉnh; đồng thời, đã triển khai áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001- 2000 vào hoạt động của cơ quan, đơn vị, địa phương; có 13 đơn vị đã được Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng cấp Giấy chứng nhận.
Đối với công tác tiếp dân, tiếp nhận, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo và việc tổ chức đối thoại trực tiếp với nhân dân được lãnh đạo các cấp, các ngành, địa phương quan tâm chỉ đạo thực hiện. Trong năm 2009, các ngành, các cấp đã tiếp 3.165 lượt công dân; tiếp nhận 2.337 đơn khiếu tố và 1.523 đơn kiến nghị, phản ánh; tỷ lệ đơn giải quyết đạt 87,3%. Công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện phòng, chống tham nhũng, lãng phí được tăng cường, đã phát hiện và xử lý 17vụ/35người vi phạm các tội về tham nhũng, khởi tố 16 vụ/34 đối tượng. Công tác hòa giải ở cơ sở được chú trọng, nhiều vụ việc đã được hòa giải thành ngay từ cơ sở, qua đó đã góp phần hạn chế tình trạng khiếu kiện đông người, kéo dài, vượt cấp, góp phần ổn định tình hình an ninh, trật tự địa phương, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện vẫn còn những vấn đề cần lưu ý, đó là: Một số cấp uỷ, chính quyền địa phương, đơn vị chưa quan tâm đúng mức đến công tác lãnh đạo, chỉ đạo việc triển khai chủ trương "Năm dân vận chính quyền" nên hiệu quả chưa cao, chưa tạo được chuyển biến mạnh trong nhận thức, hành động của các cấp chính quyền và đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Một số vấn đề bức xúc trong nhân dân còn chậm được giải quyết, nhất là trong đền bù giải tỏa, giải phóng mặt bằng, tái định cư, vệ sinh môi trường... Phong cách của một bộ phận cán bộ, công chức trong giải quyết công việc cho nhân dân còn nặng về nguyên tắc hành chính; chưa chú trọng giải thích, vận động, thuyết phục; vẫn còn tình trạng gây phiền nhiễu trong giải quyết công việc cho tổ chức và công dân. Việc phân công, bố trí, bồi dưỡng, tập huấn cán bộ phụ trách, theo dõi công tác dân vận ở các cấp chính quyền, các cơ quan nhà nước chưa được quan tâm đúng mức.
Để tiếp tục phát huy những kết quả đạt được, đồng thời khắc phục những tồn tại, hạn chế của công tác dân vận chính quyền; vừa qua, tại Hội nghị sơ kết "Năm dân vận chính quyền", Ban Thường vụ Tỉnh uỷ đã chỉ đạo các cấp uỷ đảng, chính quyền, các sở, ban, ngành, Mặt trận và các đoàn thể tỉnh tiếp tục triển khai thực hiện tốt các công việc sau:
- Các cấp uỷ Đảng, chính quyền tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác dân vận chính quyền. Trong đó, phải tăng cường tuyên truyền, phổ biến, quán triệt các quan điểm, chủ trương của Đảng, Nhà nước; Tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về công tác dân vận trong các cấp, các ngành và đội ngũ đảng viên, cán bộ, công chức. Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” gắn với các phong trào thi đua yêu nước; xây dựng và nhân rộng các gương điển hình “Dân vận khéo”, các điển hình làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh trong từng cơ quan công sở, đơn vị hành chính. Tiếp tục chăm lo tốt cho đời sống nhân dân.
- Củng cố, kiện toàn, phân công cán bộ theo dõi công tác dân vận trong các cơ quan nhà nước, chính quyền các cấp. Tổ chức bồi dưỡng, tập huấn công tác dân vận cho cán bộ, công chức cơ quan nhà nước. Xây dựng nếp sống văn minh công sở, phong cách cán bộ "trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân, có trách nhiệm với dân", "nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin" trong các cơ quan, chính quyền. Triển khai thực hiện tốt Quy chế công tác Dân vận của hệ thống chính trị.
- Xây dựng, bổ sung chương trình, kế hoạch cụ thể thực hiện công tác dân vận. Tăng cường tổ chức đối thoại trực tiếp với nhân dân về những vấn đề nhân dân quan tâm, nắm và giải quyết kịp thời những nguyện vọng chính đáng và vấn đề bức xúc trong nhân dân. Đẩy mạnh việc thực hiện dân chủ cơ sở trong các cơ quan hành chính nhà nước; phát huy hơn nữa quyền làm chủ của nhân dân, tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân tích cực tham gia ý kiến vào các chủ trương, quyết định có liên quan đến quyền và lợi ích của nhân dân, giám sát và đóng góp ý kiến xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh.
- Thực hiện công tác dân vận gắn với đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành của chính quyền để phục vụ nhân dân ngày càng tốt hơn. Thực hiện tốt công tác tiếp dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của tổ chức và công dân.
- Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra công tác dân vận của hệ thống chính quyền, các cơ quan hành chính nhà nước.
Phòng Dân vận - chính quyền (BDVTU)