Trong những năm qua, tình hình kinh tế - xã hội tỉnh nhà đã có những bước phát triển khá toàn diện, đời sống của nhân dân nói chung và hội viên, phụ nữ nói riêng ở các vùng, miền trong tỉnh được cải thiện đáng kể, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội cơ bản được giữ vững. Nhận thức và sự hiểu biết pháp luật và chấp hành pháp luật của người dân, hội viên, phụ nữ đã có sự chuyển biến tích cực, nhất là phụ nữ ở nông thôn và một số xã của vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Song, bên cạnh đó, trong thời gian gần đây, tình trạng một số phụ nữ tụ tập khiếu kiện đông người, vượt cấp, vi phạm pháp luật.....đang là vấn đề đáng quan tâm. Trước tình hình đó, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh đã chỉ đạo các cấp Hội chủ động phối hợp với các ngành liên quan triển khai đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật đến hội viên, phụ nữ vùng nông thôn và vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nổi rõ là: đã tổ chức hơn 85 buổi tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý lưu động miễn phí cho 12.750 hội viên, phụ nữ; xây dựng được 1.245 báo cáo viên các cấp (cấp tỉnh: 33, cấp huyện: 155; cấp xã: 1.057); tổ chức hơn 20 lớp tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho hơn 1.300 báo cáo viên, tuyên truyền viên cấp tỉnh, huyện, xã và hoà giải viên cơ sở; phát hành trên 20.000 tờ rơi Thông tin phụ nữ có chuyên mục hỏi - đáp pháp luật về Bình đẳng giới, Luật hôn nhân gia đình, phòng chống bạo lực gia đình, phòng chống buôn bán trẻ em....; tổ chức 03 buổi Tọa đàm trao đổi kỹ năng, kinh nghiệm công tác tuyên truyền cho hội viên, phụ nữ. Qua đó đã giúp cho chị em nắm bắt và chuyển tải nội dung tuyên truyền đến người dân một cách hiệu quả.....
Ngoài ra, các cấp Hội đã thành lập được các tổ, câu lạc bộ tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho phụ nữ nông thôn và phụ nữ dân tộc thiểu số, như: Tổ “phòng, chống buôn bán phụ nữ, trẻ em”, Tổ “phụ nữ phòng, chống bạo lực gia đình”, Tổ “phụ nữ phòng, chống tệ nạn xã hội”, Câu lạc bộ “phụ nữ với pháp luật”, Câu lạc bộ “phụ nữ tự phòng, tự quản”.... Các mô hình này đã phát huy được hiệu quả trong thực tế và đã góp phần nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật, đẩy lùi và ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật trong phụ nữ nói riêng; đồng thời giáo dục con cháu, người thân trong gia đình không vi phạm pháp luật.
Để việc tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật đến hội viên, phụ nữ vùng nông thôn và vùng đồng bào dân tộc thiểu số đạt hiệu quả cao hơn, trong thời gian tới các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị cần quan tâm chung tay, chung sức thực hiện, nhất là các cơ quan thông tin đại chúng, hệ thống Mặt trận, các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp tăng cường phối hợp tuyên truyền, phổ biến thường xuyên và sâu rộng các văn bản pháp luật đến nhân dân như: Luật đất đai, Luật bình đẳng giới, Luật phòng chống bạo lực gia đình, Luật khiếu nại, tố cáo, Quy chế thực hiện dân chủ ở cơ sở..... Trong đó, cần chú trọng đổi mới, sáng tạo các hình thức tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật phù hợp với từng đối tượng./.
TUẤN CƯỜNG