Sau hội nghị hợp nhất thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam tại Hương Cảng (Trung Quốc); Hội nghị thống nhất đề ra chương trình tóm tắt của Đảng bao gồm 05 nội dung, trong đó nhấn mạnh việc "tập hợp đa dạng quần chúng nông dân chuẩn bị cách mạng thổ địa" và phổ biến khẩu hiệu "Việt Nam tự do" để tập hợp nhân dân đi theo ngọn cờ đấu tranh của Đảng. Đến tháng 10/1930, Hội nghị lần thứ nhất của Đảng đã thông qua Luận cương chính trị, điều lệ Đảng; xác định đường lối chính trị của Đảng, của cách mạng Việt Nam, trong đó có công tác vận động và giác ngộ quần chúng nhân dân đứng lên làm cách mạng, giải phóng dân tộc. Với nhiệm vụ to lớn đó, hệ thống Ban chuyên môn về các giới của Đảng được xác lập bao gồm: Ban Công vận, Ban Nông vận, Ban Thanh vận, Ban Phụ vận, Ban Quân đội vận và Mặt trận phản đế; đây là những tổ chức tiền thân đặt nền tảng cho công tác dân vận của Đảng và hệ thống chính trị sau này. Các tổ chức này ra đời đã đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cách mạng, tập hợp lực lượng, vận động quần chúng và coi đây là một trong những nhân tố góp phần quyết định thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám 1945.
Để huy động sức mạnh của toàn dân tộc, tại Hội nghị Trung ương tám (5/1941), dưới sự chủ trì của lãnh tụ Hồ Chí Minh, Đảng ta đã chủ động chuyển hướng chỉ đạo chiến lược phù hợp với tình hình, đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng của nhân dân; trong đó, Đảng thống nhất thành lập Mặt trận Việt Nam, chuyển các tổ chức từ hình thức hoạt động bí mật, không hợp pháp sang hình thức công khai, hợp pháp và nửa công khai nhằm tập hợp, giáo dục, phát triển lực lượng cách mạng, hướng dẫn đông đảo quần chúng nhân dân tham gia đấu tranh giải phóng; theo đó, các hội đoàn quần chúng (thanh niên, Công hội, Nông hội, Phụ nữ, Cứu tế) đều thay đổi hình thức tổ chức để phù hợp với chủ trương của Đảng; tầng lớp các văn nghệ sỹ và đội ngũ trí thức cũng được Đảng chú ý tập hợp thành lập Đảng dân chủ Việt Nam nhằm tập hợp tất cả các trí thức, sinh viên yêu nước và tư sản dân tộc và Đảng dân chủ Việt Nam đã gia nhập vào Mặt trận Việt Minh,… Những hình thức hoạt động công khai, nửa công khai được phát triển mạnh mẽ tập hợp đông đảo quần chúng như: Hội ái hữu, Hội tương tế, Hội hiếu, Hợp tác xã,... để hướng quần chúng vào cuộc đấu tranh cách mạng, đòi tự do dân chủ.
Trên cơ sở chỉ thị của Đảng; gắn với thời cơ cách mạng đã đến và được sự ủng hộ đồng tình của nhân dân; Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kêu gọi đồng bào cả nước đứng dậy "đem sức ta mà giải phóng cho ta". Ngày 19-8, cuộc Tổng khởi nghĩa đã giành được thắng lợi rực rỡ ở thủ đô Hà Nội; từ ngày 19-8 đến ngày 25-8, cuộc khởi nghĩa đã giành được thắng lợi ở khắp các địa phương khác. Ngày 02-9-1945, tại Quảng trường Ba Đình, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ lâm thời đọc Tuyên ngôn độc lập, tuyên bố nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời.
Từ thân phận nô lệ, Tổ quốc Việt Nam đã độc lập, tự do, có quyền tự quyết, nhân dân Việt Nam trở thành người chủ và làm chủ trong một chế độ dân chủ cộng hòa. Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám đã làm rung chuyển và chấn động hệ thống thuộc địa, mở ra một kỷ nguyên mới cho dân tộc Việt Nam - kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội; đồng thời cũng là cột mốc đánh dấu sự sụp đỗ của hệ thống thuộc địa kiểu cũ trên phạm vi quốc tế. Thành quả to lớn đó trước hết thuộc về sự nghiệp cách mạng của toàn thể nhân dân Việt Nam, trong đó vai trò của Hồ Chí Minh là tiền đề và hết sức quan trọng. Để có được thắng lợi đó, Hồ Chí Minh đã phải bôn ba khắp năm châu, đúc kết kinh nghiệm của cách mạng Việt Nam và cách mạng thế giới; lựa chọn con đường cách mạng vô sản duy nhất đúng cho dân tộc Việt Nam; nắm chắc thời cơ và kịp thời "chớp lấy" thời cơ để cùng toàn Đảng, toàn dân tộc đưa cách mạng Việt Nam đến thắng lợi vĩ đại; "Cách mạng Tháng Tám 1945 thắng lợi, một phần nửa sức mạnh ở chỗ toàn dân đoàn kết, quần chúng nổi dậy. Tuy nhiên có sức mạnh to lớn đó là sự lãnh đạo của Đảng" (Cố tổng Bí thư Trường Chinh đánh giá).
Thành công của Cách mạng Tháng Tám 1945 đã đúc kết bài học kinh nghiệm quý về quy tụ nhân tâm, quy tụ lòng người; bài học về phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, kết hợp hài hòa "Ý Đảng lòng dân" như một quy luật lịch sử tất yếu khách quan. Tin dân, dựa vào dân, hiểu thấu nhân dân là truyền thống quý báu trong lịch sử dựng nước và giữ nước hàng nghìn năm của dân tộc ta, trở thành một giá trị tiêu biểu của nền văn hóa, chính trị Việt Nam hiện đại. Thực tiễn lịch sử đã chứng minh, chỉ khi nào lòng dân quy về một mối, khối đại đoàn kết dân tộc được củng cố vững chắc thì nội lực dân tộc mới được phát huy cao nhất, đất nước mới trở nên thái bình, thịnh trị, dân chúng yên vui, hạnh phúc. Và cũng chính sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam với đường lối chiến lược và sách lược đúng đắn là một bước ngoặt quan trọng của cách mạng Việt Nam, tạo ra nhân tố hạt nhân quy tụ sức mạnh đoàn kết dân tộc, kết hợp chặt chẽ sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại. Bên cạnh đó, Hội nghị lần thứ tám của Đảng và sự ra đời của Mặt trận Việt Minh đã đánh dấu bước ngoặt trong đường lối lãnh đạo cách mạng hướng tới việc mở rộng và củng cố khối đại đoàn kết dân tộc, quy tụ và phát huy cao độ nội lực dân tộc cho cuộc hồi sinh vĩ đại; và chủ trương đoàn kết dân tộc của Đảng được đặt trên cơ sở của chính chủ nghĩa yêu nước Việt Nam. Với sự ra đời của Mặt trận Việt Minh, lần đầu tiên Mặt trận Dân tộc thống nhất đã trở thành hiện thực và phát huy vai trò mạnh mẽ; dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, đặc biệt là sự lãnh đạo và trực tiếp của Hồ Chí Minh, Mặt trận Việt Minh không chỉ làm cho khối đại đoàn kết dân tộc được mở rộng, củng cố, không ngừng "đồng tình, đồng sức, đồng lòng", mà còn nâng lực lượng của khối đại đoàn kết đó lên một trình độ mới, một chất lượng mới, có hệ tư tưởng, có tổ chức, có lãnh đạo. Chính bài học kinh nghiệm này, đã được Đảng ta kế thừa, vận dụng thành công một cách xuất sắc trong công cuộc đấu tranh, bảo vệ Tổ quốc và trong công cuộc đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và là mục đích quan trọng nhất của công tác dân vận của Đảng hiện nay. Nghị quyết số 25-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) khẳng định "... phát huy sức mạnh to lớn của nhân dân, tạo phong trào cách mạng rộng lớn xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, thực hiện thành công sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước".
Kỷ niệm 73 năm Cách mạng Tháng Tám thắng lợi, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, toàn dân tộc Việt Nam càng tiếp tục nỗ lực học tập, nghiên cứu, thấm nhuần và thực hiện đường lối đại đoàn kết toàn dân tộc và bài học nắm vững lòng dân của Chủ tịch Hồ Chí Minh nhằm khơi dậy tinh thần tự hào dân tộc, xác định chủ nghĩa yêu nước chân chính là động lực trong tiến trình thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới hiện nay.
* Bài viết có tham khảo một số tài liệu của báo Quân đội nhân dân