Tỉnh Bình Thuận có 34 đồng bào dân tộc thiểu số, chiếm 7,92% dân số toàn tỉnh (22.201 hộ/96.846 khẩu), sống tập trung ở 17 xã thuần và 33 thôn xen ghép của 7 huyện (Tuy Phong, Bắc Bình, Hàm Thuận Bắc, Hàm Thuận Nam, Hàm Tân, Tánh Linh và Đức Linh). Những năm qua, Đảng bộ, chính quyền tỉnh Bình Thuận đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, đầu tư nguồn lực để thúc đẩy phát triển toàn diện dân sinh kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số triển khai thực hiện. Đáng chú ý là từ khi Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành chủ trương về thực hiện giao lưu, kết nghĩa giữa các cơ quan, đơn vị với các xã thuần, thôn xem ghép đồng bào dân tộc thiểu số; tiếp đó là Kế hoạch số 04-KH/TU, ngày 05/02/2016 triển khai thực hiện Chỉ thị số 49-CT/TW, ngày 20/10/2015 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường và đổi mới công tác dân vận của Đảng ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số thì tình hình các mặt trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh tiếp tục có nhiều chuyển biến tích cực. Nỗi rõ là:
(1) Hệ thống chính trị của 17 xã thuần vùng đồng bào dân tộc thiểu số tiếp tục được quan tâm củng cố, kiện toàn, phát huy hiệu quả; vai trò lãnh đạo của cấp ủy địa phương được tăng cường và có sự đổi mới, chất lượng tổ chức đảng, chất lượng sinh hoạt chi bộ được quan tâm; đội ngũ cán bộ ngày càng được trẻ hóa, được đào tạo căn bản, nhất là nguồn cán bộ tại chỗ.
(2) Các chương trình, dự án, chính sách an sinh xã hội gắn với Chương trình mục tiêu quốc gia xóa đói giảm nghèo, việc làm, nước sạch, vệ sinh môi trường, hạ tầng nông thôn,... được các cấp, các ngành tập trung triển khai thực hiện. Trong đó, các chính sách trợ giá, trợ cước, các chương trình đầu tư, hỗ trợ thôn, xã đặc biệt khó khăn, chính sách hỗ trợ cho đồng bào dân tộc thiểu số hàng năm đều UBND tỉnh quan tâm chỉ đạo triển khai kịp thời; theo đó, các địa phương, các ngành chủ động triển khai đến đối tượng thụ hưởng chính sách đầy đủ, công khai, minh bạch. Kết cấu hạ tầng và công trình phúc lợi trong vùng tiếp tục được quan tâm đầu tư khang trang, nhất là đường giao thông, trường học, cơ sở y tế, thiết chế văn hóa, ... đã đáp ứng cơ bản về điều kiện để phát triển kinh tế, phục vụ đời sống của đồng bào, góp phần làm thay đổi đáng kể bộ mặt vùng dân tộc đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh nhà.
(3) Chính sách vay vốn đối với đồng bào ngày càng thuận lợi hơn, kết hợp với công tác tuyên truyền, tư vấn của các ngân hàng, các đoàn thể chính trị - xã hội đã giúp đồng bào tiếp cận được nhiều nguồn vốn vay phát triển kinh tế gia đình, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, tăng thu nhập, cải thiện đời sống. Theo thống kê của ngành chức năng, cuối năm 2017, tỷ lệ hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số giảm còn 13,93% (giảm 742 hộ, 3,74% so với cùng kỳ năm 2016).
(4) Các cấp, các ngành luôn quan tâm đến việc bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của từng đồng bào dân tộc thiểu số trong tỉnh; các ngày Lễ, Tết của đồng bào được tổ chức hàng năm trong không khí vui tươi, đoàn kết, văn minh như Tết Katê của đồng Chăm theo đạo Bàlamôn, Tết Ramưwan của đồng bào Chăm teho đạo Bàni, Lễ hội Nghinh Ông của người Hoa, Tết đầu lúa của đồng bào K'ho,... đã góp phần xây dựng đời sống văn hóa mới, bài trừ mê tín dị đoan và những hũ tục lạc hậu trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, xây dựng tình đoàn kết gắn bó trong cộng đồng từng dân tộc và giữa các dân tộc với nhau trong cộng đồng dân tộc Việt Nam.