Nhận thức rõ vị trí, vai trò quan trọng của công tác dân vận chính quyền, thời gian qua, các cấp ủy đảng, chính quyền, cơ quan nhà nước các cấp trong tỉnh đã đề ra nhiều giải pháp để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo. Đặc biệt, tháng 11/2015, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Thuận đã ban hành Chỉ thị số 03-CT/TU về tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác dân vận của cơ quan nhà nước các cấp trong tình hình mới. Sau đó, UBND tỉnh ban hành Công văn số 4685/UBND-SNV, ngày 22/12/2015 và Công văn số 2223/UBND-SNV, ngày 23/6/2016 chỉ đạo thủ trưởng các sở, ban, ngành và chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 03-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chỉ thị số 16/CT-TTg, ngày 16/5/2016 của Thủ tướng Chính phủ; phải xác định công tác dân vận là nhiệm vụ thường xuyên và gắn kết chặt chẽ với quá trình thực hiện nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị, địa phương; lấy kết quả công tác dân vận là một trong những tiêu chí đánh giá, phân loại thi đua, khen thưởng đối với tập thể và cá nhân CBCC hàng năm.
Đáng chú ý là chính quyền và các cơ quan nhà nước đã gắn chặt công tác dân vận với thực hiện quy chế dân chủ, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, lấy sự hài lòng của người dân để đánh giá hiệu quả điều hành, hoạt động; hằng năm tổ chức thực hiện ký cam kết trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương về thực hiện công tác cải cách hành chính; rà soát các văn bản quy phạm luật, kịp thời loại bỏ những văn bản, những quy định không phù hợp nhằm đảm bảo chủ trương, nghị quyết của đảng đi vào cuộc sống, phù hợp với yêu cầu thực tiễn và xuất phát từ nguyện vọng, lợi ích chính đáng của nhân dân, chăm lo tốt cho đời sống nhân dân. Đến nay, 18/18 cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh đã hoàn thành công bố chuẩn hóa TTHC với 1.860 thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền quản lý của ngành; 19/19 sở, ban, ngành thuộc UBND tỉnh và 10/10 huyện, thị xã, thành phố, 127/127 xã (phường, thị trấn), 04 cơ quan thuộc ngành dọc Trung ương (Công an tỉnh, Kho bạc Nhà nước, Cục Thuế, Bảo hiểm xã hội) và 02 doanh nghiệp nhà nước (Công ty Điện lực Bình Thuận và Công ty Cổ phần cấp thoát nước Bình Thuận) thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trên địa bàn tỉnh. Mở rộng cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4 trong giải quyết hồ sơ hành chính, cung cấp 285/1.860 thủ tục hành chính; triển khai dịch vụ tiếp nhận và trả kết quả qua đường bưu điện để phục vụ tốt hơn nhu cầu của công dân, tổ chức; thực hiện việc xin lỗi tổ chức, cá nhân đối với trường hợp hồ sơ trễ hẹn do lỗi của cán bộ, công chức giải quyết chậm trễ; xây dựng hộp thư “Hỏi - đáp” và công khai số điện thoại, đường dây nóng trên trang thông tin điện tử, tại trụ sở làm việc của đơn vị.... Thành lập Trung tâm hành chính công tỉnh Bình Thuận, chính thức đi vào hoạt động từ ngày 02/01/2018. Các vấn đề bức xúc, những nguyện vọng chính đáng, hợp pháp của nhân dân đều được các cấp chính quyền quan tâm giải quyết, tạo được sự đồng thuận trong xã hội. Theo thống kê, trong 2 năm (2016-2017), các cấp đã giải quyết theo thẩm quyền 787/883 đơn khiếu tố (KN: 611/687, TC: 176/196) đạt 89,13%; 3.334/3.979 đơn phản ánh kiến nghị đạt 83,79%; 1.002/1.111 đơn tranh chấp đất đai đạt 90,19%. Qua kết quả giải quyết khiếu nại đã khôi phục đầy đủ quyền lợi hợp pháp cho công dân; kiến nghị thu hồi nộp ngân sách Nhà nước nhiều tỉ đồng và đã kiến nghị kiểm điểm trách nhiệm 18 tập thể, 28 cá nhân. Việc thực hiện công tác dân vận trong các cơ quan nhà nước gắn với thực hiện phong trào thi đua “Chung sức, chung lòng xây dựng nông thôn mới”, các phong trào thi đua yêu nước và việc “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh tiếp túc phát huy, tạo sự lan tỏa trong xã hội và phục vụ nhân dân ngày càng tốt hơn. Một số mô hình, điển hình “Dân vận khéo” do các sở, ngành xây dựng hoặc phối hợp Mặt trận, đoàn thể xây dựng ngày càng phát huy hiệu quả và được đánh giá nhân rộng trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội, quốc phòng an ninh, xây dựng Đảng, chính quyền, điển hình như: mô hình “Một cửa” và “Một cửa liên thông”; mô hình “Cán bộ, công chức xin lỗi dân khi trễ hẹn” do các sở, ban, ngành xây dựng; mô hình “Nhân dân chấm điểm công chức một cửa” và mô hình “Chính quyền điện tử” tại Thị xã La Gi; mô hình “Đảng bộ và nhân dân xã Đông Hà quyết tâm giữ vững và phát huy danh hiệu xã nông thôn mới”; mô hình “Gắn việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh với việc thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 23-CT/TU, ngày 21/4/2017 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua trên địa bàn thôn, khu phố” của thôn 5, xã Nam Chính; mô hình “Khu dân cư kiểu mẫu” của thôn 6, xã Đức Tín (Đức Linh); Tổ môi sinh, BQL công trình công cộng huyện Hàm Thuận Bắc với mô hình “Học tập phong cách tận tụy với công việc, bảo đảm thu gom rác thải trên địa bàn huyện, giữ vệ sinh môi trường sạch”...; đồng thời, xây dựng thêm nhiều mô hình mới nhằm tạo sự lan tỏa sâu rộng của phong trào trên các lĩnh vực của đời sống xã hội.
Nhìn chung, qua 2 năm triển khai thực hiện công tác dân vận chính quyền đã tạo được sự chuyển biến về nhận thức, trách nhiệm của các tổ chức trong hệ thống chính trị, nhất là chính quyền, cơ quan nhà nước các cấp về công tác dân vận được nâng lên; vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị, địa phương và tinh thần làm chủ, thái độ phục vụ nhân dân của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức ngày càng tốt hơn. Công tác phối hợp giữa chính quyền với Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội được tăng cường; tạo điều kiện để các tổ chức Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội thực hiện công tác giám sát và phản biện xã hội. Công tác phòng, chống tham nhũng, cải cách thủ tục hành chính được triển khai và thực hiện theo chiều hướng tích cực; các vấn đề bức xúc, những nguyện vọng chính đáng, hợp pháp của nhân dân được quan tâm giải quyết, tạo được sự đồng thuận trong xã hội, góp phần phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, thực hiện đạt kết quả các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân và củng cố niềm tin của nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng, điều hành của chính quyền các cấp.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác dân vận chính quyền vẫn còn một số hạn chế trong quá trình triển khai thực hiện, nhất là về công tác tổ chức học tập, quán triệt, tuyên truyền, phổ biến về vị trí, ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác dân vận chưa thật sự sâu kỹ; quá trình thực hiện công tác chuyên môn của đơn vị, địa phương chưa chú trọng đúng mức công tác tuyên truyền, vận động, giải thích; công tác dân vận gắn thực hiện quy chế dân chủ, cải cách thủ tục hành chính chưa đồng bộ và hiệu quả; giải quyết hồ sơ vẫn còn trễ hẹn, chưa đáp ứng yêu cầu nguyện vọng của người dân; chất lượng phục vụ nhân dân còn hạn chế; thực hiện phương châm “Dân biết, dân bàn” có việc chưa đảm bảo; tình trạng khiếu kiện đông người, vượt cấp còn xảy ra, chưa được giải quyết triệt để.
Để công tác dân vận chính quyền được triển khai đồng bộ, mang lại hiệu quả thiết thực, tạo sự chuyển biến rõ nét, thực chất trong mối quan hệ của cơ quan nhà nước các cấp với người dân, phát huy vai trò của nhân dân tham gia xây dựng chính quyền trong sạch, vững mạnh, góp phần triển khai thực hiện có kết quả “Năm Dân vận chính quyền 2018” theo chủ trương của Chính phủ. Các cấp, các ngành trong tỉnh, nhất là trong các cơ quan nhà nước cần tiếp tục quán triệt, cụ thể hóa các chủ trương của Đảng, Nhà nước về công tác dân vận; nêu cao trách nhiệm của người đứng đầu trong thực hiện nhiệm vụ gắn với công tác dân vận và phương châm hành động “Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, hiệu quả”; đẩy mạnh việc thực hiện quy chế dân chủ cơ sở; thực thi chính sách pháp luật; nâng cao chất lượng công tác cải cách thủ tục hành chính, công khai, minh bạch; cải thiện môi trường đầu tư; lập lại trật tự đô thị; tổ chức đối thoại với nhân dân và doanh nghiệp để kịp thời giải quyết những vướng mắc, nguyện vọng, bức xúc của người dân.