Những năm qua, công tác dân vận trên địa bàn tỉnh Bình Thuận đã được Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh quan tâm lãnh đạo, quán triệt và triển khai thực hiện. Nhờ đó, nhận thức, trách nhiệm của các tổ chức trong hệ thống chính trị, nhất là chính quyền, cơ quan nhà nước các cấp về công tác dân vận được nâng lên; vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị, địa phương và tinh thần phục vụ nhân dân của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức ngày càng tốt hơn; các vấn đề bức xúc, những nguyện vọng chính đáng, hợp pháp của nhân dân được quan tâm giải quyết, tạo được sự đồng thuận trong xã hội, góp phần phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, thực hiện đạt kết quả các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân và củng cố niềm tin của nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng, điều hành của chính quyền các cấp.
Kết quả đạt được nói trên của công tác dân vận có nhiều nguyên nhân và kinh nghiệm; sau đây xin chia sẻ một số kinh nghiệm để bạn đọc cùng nghiên cứu, vận dụng.
Một là, phải tổ chức học tập, quán triệt cho các cấp, cơ quan, đơn vị và đội ngũ đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức nhận thức đầy đủ, sâu sắc, nắm chắc các chủ trương, quan điểm của Đảng, tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về phương châm, phương pháp công tác dân vận gắn với công tác xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền trong sạch, vững mạnh; trước hết là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền phải có sự chuyển biến mạnh trong nhận thức và quyết tâm trong chỉ đạo thực hiện.
Hai là, các cấp, các ngành và cả hệ thống chính trị phải xác định rõ quan điểm công tác dân vận là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị và vận hành theo cơ chế "Đảng lãnh đạo - Chính quyền thực hiện - Mặt trận, đoàn thể tham mưu và nòng cốt" gắn với thực hiện nghiêm túc quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị.
Ba là, phải thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, phát huy quyền làm chủ của cán bộ, công chức, viên chức và các tầng lớp nhân dân gắn với giữ nghiêm kỷ luật, kỷ cương; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, công khai minh bạch các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước liên quan trực tiếp đến quyền lợi, nghĩa vụ của công dân; gần dân, sát cơ sở, đối thoại, giải quyết kịp thời, hiệu quả các kiến nghị, phản ánh và những vấn đề bức xúc của nhân dân.
Bốn là, phải thực hiện tốt phương châm “Công tác dân vận phải đi trước một bước” trong xây dựng, ban hành chủ trương, chính sách và trong triển khai thực hiện các công trình, dự án có tác động đến đời sống nhân dân gắn với thực hiện tốt việc phân công, phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa các tổ chức trong hệ thống chính trị; trong đó cơ quan nhà nước phải đóng vai trò trung tâm; Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội làm nòng cốt trong công tác tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân và thực hiện tốt việc giám sát, phản biện xã hội, góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền theo quy định.
Năm là, phải chú trọng công tác kiểm tra, giám sát, tổng kết việc thực hiện các Nghị quyết của Đảng về công tác dân vận; đồng thời thường xuyên phát động và đẩy mạnh phong trào thi đua "Dân vận khéo" trên tất cả các linh vực và trong các tầng lớp nhân dân.
Sáu là, chú trọng công tác dân vận của chính quyền, trước hết là xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức tận tụy, công tâm, thạo việc, có tinh thần trách nhiệm cao, trong sáng về đạo đức, lối sống và biết trăn trở, lo lắng cho công việc chung, được nhân dân tin tưởng, yêu mến.
Bảy là, phải thấm nhuần tư tưởng, quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh "Lực lượng của dân rất to. Việc dân vận rất quan trọng. Dân vận kém thì việc gì cũng kém. Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công". Đây là kinh nghiệm và nguyên nhân cốt lõi để công tác dân vận thành công./.