Bình Thuận hiện có hơn 40 ngàn thanh niên làm việc trong các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, trong đó đa số là ở doanh nghiệp ngoài nhà nước. Trước yêu cầu và xu thế phát triển chung, phần lớn thanh niên có ý thức học tập để nâng cao trình độ, tiếp cận với khoa học công nghệ, năng động, sáng tạo trên các lĩnh vực; đồng thời thể hiện tinh thần tự hào dân tộc, có nhiều hành động thiết thực, cụ thể vì cộng đồng.
Trong thời gian qua, thực hiện Kết luận số 62-KL/TW của Bộ Chính trị (khóa X) và Đề án của Ban Thường vụ Tỉnh đoàn Bình Thuận về đổi mới nội dung, phương thức hoạt động công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi; các cấp bộ đoàn trong tỉnh đã tập trung nghiên cứu, đã tìm ra nhiều giải pháp, mô hình, cách làm để tự đổi mới, tự hoàn thiện, tạo sức hấp dẫn đối với đoàn viên, thanh niên; trong đó nổi lên một số mô hình hoạt động ý nghĩa, có sức lan tỏa, như “Sáng tạo trẻ”, “Lao động giỏi”, “Ôn lý thuyết, luyện tay nghề, thi thợ giỏi”; cùng với đó, các tổ chức đoàn, hội cũng đã quan tâm tổ chức các hoạt động văn hóa - văn nghệ, thể dục - thể thao, qua đó đã thu hút sự tham gia của thanh niên công nhân và trở thành phong trào của đoàn viên, thanh niên trong doanh nghiệp.
Tuy nhiên, hiện nay trong 3.306 doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước, chỉ mới xây dựng được 121 tổ chức đoàn, hội với 4.062 đoàn viên, hội viên. Số liệu này cho thấy việc phát triển tổ chức và tập hợp thanh niên trong các doanh nghiệp còn rất khó khăn, tỷ lệ còn quá thấp so với yêu cầu. Nguyên nhân chủ yếu là do cán bộ đoàn, hội còn ngại tiếp cận, vận động thanh niên và chủ doanh nghiệp để thành lập chi đoàn, chi hội; nội dung, phương thức hoạt động chưa hấp dẫn, chưa theo kịp thực tiễn và sát với nguyện vọng của đa số thanh niên. Trước thực tiễn đời sống, lao động, học tập và xu hướng, tình hình của thanh niên công nhân trong bối cảnh mới thì việc đổi mới nội dung, phương thức hoạt động là yêu cầu khách quan, tất yếu của tổ chức Đoàn thanh niên nhằm tập hợp đông đảo thanh niên công nhân trong doanh nghiệp tham gia vào tổ chức Đoàn, Hội; trong đó có thể nghiên cứu các giải pháp sau để vận dụng thực hiện:
Một là, đổi mới phương thức tiếp cận thanh niên. Tổ chức đoàn phải chủ động đến với thanh niên, phương pháp tiếp cận cần phải linh hoạt, phong phú hơn, thu hút các nguồn lực xã hội chăm lo đời sống vật chất, tinh thần và tăng cường công tác tuyên truyền cho thanh niên công nhân thông qua các hoạt động thiết thực như phối hợp tổ chức “Ngày đoàn viên”, hoạt động tặng quà, hỗ trợ thanh niên công nhân về quê ăn Tết cho thanh niên công nhân nghèo… qua đó thu hút thanh niên tự giác đến với tổ chức Đoàn.
Hai là, tích cực kiến nghị các cấp chính quyền; vận động các chủ doanh nghiệp quan tâm đầu tư, xây dựng các thiết chế văn hóa nhằm tạo sân chơi lành mạnh, nâng cao đời sống tinh thần cho công nhân, người lao động trong các doanh nghiệp.
Ba là, tiếp tục đổi mới các hình thức tập hợp hiện nay như các đội hình tình nguyện, các câu lạc bộ kỹ năng…, tiến đến nghiên cứu tận dụng được ưu điểm của các trang mạng xã hội làm phương tiện thuận lợi trong công tác đoàn kết và tập hợp thanh niên một cách nhanh chóng, đơn giản và hiệu quả.
Bốn là, phải tập trung khắc phục các biểu hiện hành chính hóa, hình thức trong hoạt động, các phong trào; nặng về thành tích, số lượng mà không coi trọng chất lượng, hiệu quả và tính bền vững của các hoạt động, chỉ đạo phong trào chủ yếu bằng văn bản, ít bám cơ sở, thiếu kiểm tra, hướng dẫn...