1. Trước hết, phải hiểu tầm quan trọng của công tác dân vận
Như chúng ta đã biết, Dân vận là một trong những vấn đề lớn của cách mạng Việt Nam. Vì vậy, ngay từ khi mới thành lập, Đảng ta đã đặt lên hàng đầu nhiệm vụ tập hợp tất cả các lực lượng không để sót một người nào, góp thành lực lượng toàn dân để thực hiện những mục tiêu của cách mạng. Đúng như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Lực lượng của dân rất to, việc dân vận rất quan trọng. Dân vận kém thì việc gì cũng kém. Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”. Người còn dạy: “Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng, chứ không phải là của cá nhân anh hùng nào”. Thành công của Đảng bắt nguồn từ việc Đảng ta đã tổ chức và phát huy sức mạnh to lớn của nhân dân, đã lãnh đạo nhân dân phấn đấu dưới lá cờ tất thắng của chủ nghĩa Mác - Lê Nin”. Chính vì vậy, công tác dân vận trở thành một phận khăng khít trong hoạt động của Đảng; lịch sử công tác dân vận là một bộ phận của lịch sử Đảng; những bài học của công tác dân vận là bài học về sự lãnh đạo của Đảng, của công tác xây dựng Đảng. Với ý nghĩa đó, Đảng ta luôn luôn quan tâm gắn công tác xây dựng Đảng với công tác vận động quần chúng.
2. Phong trào quần chúng góp phần thành công của Cách mạng tháng Tám
Ngày 03/02/1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời; ngay sau khi thành lập, Đảng nhanh chóng tổ chức ra các đoàn thể cách mạng, hình thành bộ máy và cán bộ làm công tác dân vận. Xuất phát từ tình hình thực tế của nước ta lúc bấy giờ là nước thuộc địa nửa phong kiến, lại là nước nông nghiệp lạc hậu, để thực hiện mục tiêu cách mạng dân tộc dân chủ, Đảng đã tổ chức cho các đảng viên của mình đi vào các giai cấp, tầng lớp nhân dân, tuyên truyền vận động, tổ chức và tập hợp quần chúng nhân dân, huấn luyện họ đấu tranh chống áp bức, bất công, bóc lột, đòi dân sinh, dân chủ ở khắp mọi nơi. Những cán bộ, đảng viên lớp đầu tiên của Đảng đã không quản gian lao, thực hiện chủ trương "vô sản hóa", tiến hành "ba cùng" với dân, tuyên truyền, giác ngộ nhân dân lao động và thành lập các tổ chức quần chúng đoàn kết xung quanh Đảng, tạo sức mạnh và động lực cho cách mạng theo tư tưởng của Bác Hồ: "Đem sức ta mà giải phóng cho ta".
Để thực hiện thành công Cách mạng Tháng Tám, Đảng ta và Bác Hồ đã chủ chương mở rộng chính sách đại đoàn kết toàn dân; theo đó, tùy theo từng giai đoạn, từng tình thế mà lãnh đạo xây dựng, phát động nhiều phong trào quần chúng cách mạng phù hợp, đấu tranh công khai, hợp pháp hoặc nửa hợp pháp, như: Cao trào cách mạng (1930 – 1931), đến thời kỳ Mặt trận dân chủ Đông Dương (1936 – 1939), phong trào Phản Đế (1939-1941) và phong trào Mặt trận Việt Minh (1941-1945). Qua đó, đã tập hợp đông đảo các tầng lớp nhân dân, bao gồm nhân sĩ, trí thức, tư sản dân tộc và cả ngoại kiều… đây thực sự là bước phát triển mới trong việc xây dựng lực lượng chính trị quần chúng. Đứng trước tình hình thế giới và trong nước có những biến động lớn; Đảng ta đề ra chủ trương phát động cao trào quần chúng chống Nhật – Pháp, gấp rút tiến hành tổng khởi nghĩa giành chính quyền; với khí thế của cả dân tộc bằng bạo lực chính trị, kết hợp với lực lượng vũ trang toàn dân đã đứng lên làm Cách mạng Tháng Tám thành công, lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vào ngày 02/9/1945. Ta đã từ địa vị người nô lệ, nhân dân ta đã trở thành người làm chủ nước nhà.
Tại Bình Thuận, từ những năm 1930 – 1945, phong trào cách mạng tuy có lúc thăng trầm, nhưng đã trãi qua 15 năm thử thách, đấu tranh, cùng cả nước khởi nghĩa tháng 8 năm 1945 thành công. Trong thắng lợi đó, có phần đóng góp của công tác dân vận của tổ chức Đảng và đảng viên. Bằng các hình thức như truyền khẩu, báo chí, truyền đơn… đường lối cách mạng của Đảng đã đến với các tầng lớp nhân dân, có tác động kêu gọi mọi người dân đứng lên đấu tranh chống lại kẻ thù. Đó là tiền đề của công tác vận động quần chúng sơ khai, đang từng bước hình thành và phát triển trong những giai đoạn tiếp theo.
3. Ý nghĩa, bài học kinh nghiệm công tác dân vận thời kỳ Cách mạng tháng Tám
Thắng lợi của Cách mạng tháng Tám đã minh chứng đường lối đấu tranh giành độc lập dân tộc, chiến lược đoàn kết toàn dân tộc của Cương lĩnh đầu tiên của Đảng là hết sức đúng đắn. Đường lối đó đã được thể nghiệm qua hai cuộc tổng diễn tập và đi đến những chủ trương đúng đắn và khoa học của Đảng trong những năm 1939-1945, mà nổi bật là Tuyên nguyên, Chương trình, Điều lệ Việt Minh.
Đây không chỉ là thắng lợi của đường lối cách mạng, chiến lược đại đoàn kết toàn dân tộc, mà còn là thắng lợi của khoa học và nghệ thuật vận động nhân dân: tin vào dân, gắn bó với nhân dân, dựa vào sức mạnh của nhân dân; tuyên truyền giác ngộ nhân dân hiểu rõ con đường giành độc lập tự do, giành quyền sống; tổ chức tập hợp lực lượng chính trị quần chúng trong Mặt trận và các đoàn thể chính trị, cho đến các tổ chức rộng rãi khác một cách hết sức linh hoạt; phát động quần chúng đấu tranh từ các hình thức thấp, đến hình thức cao, từ đấu tranh đòi dân sinh, dân chủ bằng các hình thức bãi công, bãi khóa, bãi thị đến mít tinh, biểu tình và cao hơn là nổi dậy, khởi nghĩa từng phần, đến khởi nghĩa toàn dân.
4. Bài học vận dụng đối với công tác dân vận trong tình hình hiện nay
Những ý nghĩa, bài học kinh nghiệm công tác dân vận thời kỳ Cách mạng tháng Tám vẫn còn nguyên giá trị và mang tính thời sự sâu sắc đối với công tác dân vận trong tình hình hiện nay.
Trong bối cảnh, tình hình thế giới và trong nước đã và đang có những diễn biến phức tạp đòi hòi phải Đảng ta tiếp tục phát huy tốt truyền thống cách mạng của dân tộc; vận dụng nhuần nhuyễn các bài học kinh nghiệm về công tác dân vận của cách mạng Việt Nam qua các thời kỳ vào tình hình mới, trong đó cần lưu ý một số vần đề sau:
Một là, chủ trương, đường lối lãnh đạo đúng đắn của Đảng và các cấp ủy Đảng là vấn đề hết sức quan trọng. Khi chủ trương, đường lối không đúng, không phù hợp rất dễ bị các thế lực thù địch lợi dụng, xuyên tạc, kích động, tác động đến niềm tin của nhân dân. Vì vậy, các cấp ủy Đảng cần tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng về công tác dân vận trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế. Kịp thời thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng thành chính sách, pháp luật phù hợp với thực tiễn và đáp ứng lợi ích, nguyện vọng chính đáng của nhân dân. Tiếp tục thể chế hóa, cụ thể hóa mối quan hệ "Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ", nhất là nội dung nhân dân làm chủ và phương châm "Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra". Nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước, phát huy sức mạnh toàn dân tộc và dân chủ xã hội chủ nghĩa, đẩy mạnh toàn diện và đồng bộ công cuộc đổi mới, phát triển đất nước nhanh và bền vững, thực hiện thắng lợi mục tiêu cao cả "dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh".
Hai là, thường xuyên giáo dục, làm cho đội ngũ cán bộ, đảng viên phải thật sự tin dân, trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân, dựa vào dân, có trách nhiệm với dân. Giải quyết kịp thời, có hiệu quả những bức xúc, những kiến nghị chính đáng của nhân dân và khiếu nại, tố cáo của công dân.
Ba là, đa dạng hóa các hình thức tổ chức tập hợp lực lượng chính trị quần chúng trong Mặt trận và các đoàn thể chính trị, cho đến các tổ chức rộng rãi khác một cách hết sức linh hoạt với tinh thần “Không để sót một người dân nào đứng ngoài tổ chức”. Tăng cường nhiều hình thức tuyên truyền sinh động, qua đó giác ngộ nhân dân hiểu rõ con đường cách mạng của dân tộc. Phát động quần chúng thực hiện các phong trào thi đua yêu nước, nhằm thực hiện tốt các chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước; phát huy sức mạnh to lớn của nhân dân, tạo thành phong trào cách mạng rộng lớn xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.