Bình Thuận có 35 thành phần dân tộc, trong đó có 34 dân tộc thiểu số với trên 100.000 người, chiếm 8% dân số toàn tỉnh. Khu vực miền núi, vùng dân tộc thiểu số có địa bàn rộng lớn, chiếm 3/4 diện tích diện tích tự nhiên cả tỉnh. Đây là khu vực có nhiều tiềm năng, lợi thế phát triển kinh tế, có vị trí quan trọng về chính trị, an ninh, quốc phòng, môi trường sinh thái với rất nhiều nguồn tài nguyên rừng, nước, khoáng sản khá đa dạng, phong phú. Khu vực miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số không những là một thị trường quan trọng về cung cấp nguồn lực lao động, cung cấp nguyên vật liệu, hàng hóa phục vụ cho sản xuất công nghiệp, cung cấp nông sản phục vụ cho nhu cầu xã hội mà còn là một thị trường thương mại lớn về mua bán, tiêu thụ hàng hóa.
Trong nhiều năm qua, cấp ủy, chính quyền tỉnh Bình Thuận đã triển khai thực hiện tốt các chính sách của Trung ương, đồng thời ban hành những chủ trương, chính sách đặc thù đối với việc phát triển dân sinh, kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và niền núi, điển hình là Nghị quyết số 04 -NQ/TU, ngày 27/5/2002 của Tỉnh ủy Bình Thuận. Nhờ đó, đã đầu tư phát triển hạ tầng thương mại khá đồng bộ với hệ thống điện, nước, đường giao thông, hạ tầng thông tin, cửa hàng dịch vụ cơ bản đáp ứng được nhu cầu giao thương, giúp nhân dân trong khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số có điều kiện mua bán, sản xuất và lưu thông hàng hóa được thuận lợi hơn. Tuy nhiên, hoạt động thương mại ở miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Bình Thuận còn nhiều khó khăn, bất cập, chủ yếu mới dừng lại ở việc cung ứng hàng hóa, dịch vụ do các đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp nhà nước thực hiện nhằm đáp ứng nhu cầu thiết yếu phục vụ cho sản xuất, đời sống, sinh hoạt hàng ngày của người dân; chưa thu hút mạnh các loại hình doanh nghiệp tham gia, chưa trở thành thị trường hàng hóa như ý nghĩa “thương mại”. Nhiều sản phẩm lợi thế, tiềm năng chưa được đầu tư khai thác, quảng bá mạnh mẽ ra thị trường; chất lượng tăng trưởng, năng suất, hiệu quả, sức cạnh tranh của các sản phẩm hàng hóa còn thấp; chuỗi cung ứng sản phẩm, dịch vụ chưa được liên kết chặt chẽ nên chưa đáp ứng nhu cầu thị trường. Cơ chế, chính sách, chiến lược phát triển thương mại có mặt chưa phù hợp. Điều đáng lưu ý khoảng cách chênh lệch về thu nhập, mức sống của người dân ở miền núi, vùng dân tộc thiểu so với các vùng, miền khác trong tỉnh. Theo số liệu phân tích cho thấy, năm 2016 GRDP bình quân đầu người vùng miền núi, dân tộc thiểu số của Bình Thuận đạt khoảng 14 triệu đồng/năm, thấp hơn 02 lần so với GRDP bình quân đầu người của tỉnh (27,58 triệu đồng) và thấp hơn 03 lần so với GRDP bình quân đầu người của cả nước; tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo tuy có giảm nhưng còn ở mức cao với 4.250 hộ/17.501 khẩu diện nghèo, chiếm 18,98% và 1.913 hộ/8.232 khẩu diện cận nghèo, chiếm 8,99% so với tổng số hộ đồng bào dân tộc thiểu số.
Những khó khăn, hạn chế, bất cập nêu trên là bài toán đặt ra cho các ngành, các cấp và nhân dân cùng suy nghĩ, luận giải để có giải pháp căn cơ, phù hợp, hiệu quả thúc đẩy phát triển thương mại miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Người viết bài này thiết nghĩ rằng: Trước mắt, các cấp ủy, chính quyền địa phương cần quan tâm thường xuyên làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến giúp các tầng lớp nhân dân, đồng bào các dân tộc thiểu số và cả cán bộ, đảng viên hiểu biết đầy đủ hơn về ý nghĩa, tầm quan trọng của thương mại trong phát triển kinh tế - xã hội, nhất là ở các vùng, miền có tính chất đặc thù; tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả mục tiêu tổng quát Chương trình xây dựng và phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo theo Quyết định số 964/QĐ-TTg ngày 30/06/2015 của Chính phủ nhằm thu hẹp khoảng cách chênh lệch giữa các vùng miền; qua đó góp phần tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao thu nhập của người dân, đảm bảo an ninh quốc phòng ở miền núi, vùng sâu, vùng xa. Đồng thời, thực hiện tốt tinh thần Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Bình Thuận lần thứ XIII, nhiệm kỳ 2015 - 2020:“Quan tâm đúng mức vùng cao, miền núi, đồng bào dân tộc thiểu số; khai thác, phát huy có hiệu quả quỹ đất có được, bảo đảm đất sản xuất cho đồng bào; đẩy mạnh công tác giao khoán bảo vệ rừng và trồng rừng; chú ý phát triển ngành nghề, chăn nuôi gia súc, gia cầm; đào tạo nghề và tạo điều kiện giải quyết việc làm, tăng thu nhập, thoát nghèo bền vững; coi trọng xây dựng đời sống văn hóa, khuyến khích bảo tồn, gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp, đồng thời vận động xóa bỏ các hủ tục lạc hậu”. Về lâu dài, cần khuyến khích, đặt hàng cho các nhà khoa học, các sở, ngành chức năng tổ chức nghiên cứu một cách khoa học, xây dựng một hệ thống cơ sở dữ liệu về các yếu tố, các mối quan hệ tác động, ảnh hưởng đến sự phát triển thương mại miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở Bình Thuận để các nhà lãnh đạo, nhà quản lý, doanh nghiệp nghiên cứu, tham khảo trong hoạch định chính sách và đầu tư nhằm thúc đẩy phát triển thương mại miền núi, vùng dân tộc thiểu số tỉnh Bình Thuận.