Bình Thuận là tỉnh thuộc vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ; diện tích tự nhiên 7.942,6 km2, bờ biển dài 192 km; có 10 đơn vị hành chính cấp huyện (01 thành phố, 01 thị xã, 08 huyện, trong đó có 01 huyện đảo); 121 đơn vị hành chính cấp xã; dân số gần 1,3 triệu người với 35 thành phần dân tộc; trong đó có 34 dân tộc thiểu số (105.821 người/26.335 hộ gia đình), chiếm trên 8,4% dân số của tỉnh; đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) cư trú rộng khắp trên địa bàn toàn tỉnh với hình thức cư trú phổ biến là sống xen kẽ; đông nhất là dân tộc Chăm chiếm tỷ lệ 41,3%; dân tộc Raglai chiếm tỷ lệ 25,1%; dân tộc Cơ Ho chiếm tỷ lệ 13%; dân tộc Hoa chiếm tỷ lệ 4,9%.... Mỗi dân tộc có bản sắc văn hóa, phong tục, tập quán, lễ hội riêng tạo nên sự phong phú, đa dạng trong nền văn hóa các dân tộc trên địa bàn tỉnh.
Thực hiện Kết luận số 65-KL/TW, ngày 30/10/2019 của Bộ Chính trị tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa IX) về công tác dân tộc trong tình hình mới; Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Thuận đã ban hành văn bản chỉ đạo cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội các cấp tập trung tuyên truyền, quán triệt Kết luận số 65-KL/TW và tiếp tục triển khai có hiệu quả các nội dung của Nghị quyết số 24-NQ/TW. Trên cơ sở đó, các cấp, các ngành đã có nhiều giải pháp lãnh đạo, chỉ đạo đổi mới công tác dân tộc, chú trọng triển khai thực hiện kịp thời, đồng bộ các chủ trương, chính sách liên quan đến đồng bào DTTS, nhất là trong phát triển kinh tế, giảm nghèo; quan tâm huy động mọi nguồn lực, khai thác tiềm năng, lợi thế để phát triển bền vững vùng đồng DTTS và miền núi; phát triển đồng bộ các lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hoá, xã hội vùng đồng bào; xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân gắn với thế trận lòng dân vững chắc; xây dựng hệ thống chính trị vùng DTTS và công tác quản lý nhà nước về dân tộc.
Trong giai đoạn 2019 - 2024, tiếp tục kế thừa, phát huy kết quả đạt được trong thực hiện các chính sách của Đảng và Nhà nước; nhiều chương trình, dự án phục vụ phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS tiếp tục được tập trung đầu tư từ nhiều nguồn vốn với tổng kinh phí trên 600 tỷ đồng; các chính sách an sinh xã hội, phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, hỗ trợ nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào tiếp tục được quan tâm thực hiện đã góp phần thúc đẩy phát triển nông nghiệp, nông thôn, phát huy tiềm năng, lợi thế của từng vùng, củng cố quốc phòng an ninh ở vùng đồng bào DTTS, cải thiện rõ rệt về đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào. Đến cuối năm 2023, có 07/17 xã thuần vùng đồng bào DTTS được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới; thu nhập bình quân đầu người vùng đồng bào DTTS và miền núi là 46,8 triệu đồng người/năm. Tỷ lệ hộ nghèo vùng đồng bào DTTS đầu năm 2019 là 10,04%; đến đầu năm 2024 giảm còn 7,73% (2.037 hộ) so với tổng số hộ DTTS và chiếm 30,77% so với tổng số hộ nghèo toàn tỉnh; 2.827 hộ cận nghèo, chiếm 10,73%, so với tổng số hộ DTTS và chiếm 23,17% so với tổng số hộ cận nghèo toàn tỉnh.
Công tác phát triển văn hóa, giáo dục và đào tạo, chăm sóc sức khỏe Nhân dân được quan tâm, chỉ đạo sâu sát. Hệ thống trường, lớp vùng đồng bào DTTS ngày càng khang trang, đảm bảo điều kiện để từng bước nâng cao chất lượng dạy và học; tỷ lệ học sinh bỏ học giảm, tỷ lệ học sinh trong độ tuổi đến trường tăng; 100% xã vùng đồng bào DTTS đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi và phổ cập giáo dục trung học cơ sở. Cơ sở vật chất từ huyện đến xã được đầu tư xây dựng, mua sắm; các Trạm y tế tại các xã vùng đồng bào DTTS và miền núi đều đạt chuẩn quốc gia; tỷ lệ trẻ em được tiêm phòng đủ 8 bệnh truyền nhiễm đạt trên 95%; tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng giảm đáng kể; tỷ lệ đồng bào DTTS thuộc vùng khó khăn, diện hộ nghèo được cấp thẻ BHYT đạt 100%.
Công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, lễ hội truyền thống của đồng bào DTTS tiếp tục được quan tâm giữ gìn, phát huy. Toàn tỉnh có 04 di tích quốc gia và 04 di tích cấp tỉnh của các DTTS; trong đó có 03 di tích quốc gia và 01 di tích cấp tỉnh của dân tộc Chăm được đầu tư kinh phí, chống xuống cấp, tôn tạo với tổng kinh phí đầu tư là gần 6 tỷ đồng; năm 2023, UBND tỉnh Bình Thuận đã ban hành quyết định phê duyệt Đề án Bảo tồn phát huy lễ hội Katê của người Chăm tỉnh Bình Thuận phục vụ phát triển du lịch; nghệ thuật làm gốm truyền thống của người Chăm thôn Bình Đức tỉnh Bình Thuận cùng với nghề gốm truyền thống làng Bàu Trúc tỉnh Ninh Thuận được UNESCO ghi danh vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp và UBND tỉnh Bình Thuận đã triển khai Chương trình hành động quốc gia bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể “Nghề gốm truyền thống của người Chăm” được UNESCO ghi danh.
Công tác đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch, bố trí... cán bộ, công chức, viên chức là người DTTS được quan tâm. Toàn tỉnh có 1.705 cán bộ, công chức, viên chức là người DTTS (chiếm 6,97% tổng số CBCCVC trên địa bàn tỉnh); có 363 đại biểu Quốc hội khóa XV và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 là người DTTS; có 2.771 đảng viên là người DTTS (chiếm khoảng 6,37% so với tổng số đảng viên toàn tỉnh); 62.924 thành viên, đoàn viên, hội viên DTTS, chiếm 9,5% trong tổng số thành viên Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, tổ chức chính trị - xã hội toàn tỉnh; tổ chức Đảng tại các xã thuần, thôn xen ghép hàng năm được đánh giá, xếp loại từ hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên. Nhìn chung chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức người DTTS từng bước được củng cố, nâng cao, có phẩm chất đạo đức tốt, có trình độ chuyên môn nghiệp vụ, có năng lực thực tiễn cơ bản đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Toàn tỉnh có 87 người có uy tín trong đồng bào DTTS, đây là lực lượng nòng cốt, là cầu nói quan trọng giữa cấp ủy, chính quyền với Nhân dân, vận động đồng bào các dân tộc chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động góp phần xây dựng và mở rộng khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Để tiếp tục thực hiện hiệu quả công tác dân tộc trong thời gian tới, các cấp, các ngành, các địa phương trong tỉnh cần tập trung một số nhiệm vụ, giải pháp sau: (1) Tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, sự điều hành của chính quyền các cấp trong việc cụ thể hóa, thực hiện công tác dân tộc; (2) Đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội gắn với giảm nghèo, tích cực chuyển dịch cơ cấu kinh tế, chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi, đẩy mạnh phát triển nông nghiệp nông thôn, tăng trưởng kinh tế gắn với môi trường sinh thái, phát triển văn hóa, du lịch, tạo công ăn việc làm và thu nhập ổn định cho đồng bào DTTS; (3) Phối hợp thực hiện tốt các chương trình, dự án, các cơ chế, chính sách dành cho đồng bào các DTTS trên địa bàn, nhất là các chương trình mục tiêu Quốc gia; (4) Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội làm tốt công tác tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên và Nhân dân tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, nhiệm vụ quốc phòng - an ninh tại địa phương; (5) Tiếp tục triển khai thực hiện tốt việc củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị ở cơ sở nơi có đông đồng bào dân tộc thiểu số; nâng cao chất lượng đội ngũ CBCCVC là người DTTS và người làm công tác dân tộc; phát huy vai trò của già làng, trưởng thôn, trưởng bản và lực lượng cốt cán, người có uy tín là đồng bào DTTS trong việc động viên đồng bào phát triển kinh tế, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, thực hiện có hiệu quả nếp sống văn hóa mới; (6) Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, định kỳ sơ kết, tổng kết gắn với biểu dương, khen thưởng và nhân rộng mô hình, điển hình; (7) Tăng cường nắm bắt tình hình tâm tư, nguyện vọng của đồng bào DTTS, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội vùng đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh, không để xảy ra các tình huống bất ngờ trong công tác dân tộc./.