Tham dự Lễ đặt bằng ghi danh của UNESCO đưa “Nghệ thuật làm gốm của người Chăm” vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp có đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành cấp tỉnh và lãnh đạo huyện Bắc Bình cùng các chức sắc tôn giáo, trí thức, nghệ nhân, bà con người Chăm tại địa phương.
“Nghệ thuật làm gốm của người Chăm” chính thức được UNESCO ghi danh vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp vào ngày 29/11/2022 và là di sản văn hóa phi vật thể thứ 15 của Việt Nam được ghi danh vào danh sách UNESCO. Với những nguyên liệu đơn giản, sẵn có tại chỗ; sản phẩm từ nghề gốm của người Chăm chủ yếu là đồ gia dụng, đồ dùng cúng lễ và đồ mỹ nghệ gồm chum (jek), nồi (gok), mâm (cambak), bình (bilaok).... Nghề làm gốm của người Chăm được xem làm biểu hiện sự sáng tạo của cá nhân người phụ nữ Chăm làm ra trên nền tảng tri thức được lưu truyền trong cộng đồng; thay vì sử dụng bàn xoay, người phụ nữ Chăm di chuyển giật lùi quanh khối nguyên liệu để tạo hình sản phẩm; gốm không tráng men và phơi khô, nung ở ngoài trời bằng củi và rơm từ 7 đến 8 giờ ở nhiệt độ khoảng 8000C... Việc làm nghề gốm đã tạo cơ hội cho người phụ nữ Chăm giao lưu, tương tác với nhau trong lao động sản xuất, nâng cao hơn nữa vai trò của họ trong xã hội; đồng thời giúp tăng thu nhập gia đình và bảo lưu thuần phong mỹ tục, bản sắc văn hóa của người Chăm ở Việt Nam.
Một số hình ảnh về sản phẩm từ "Nghệ thuật làm gốm của người Chăm" (nguồn ảnh từ: https://baobinhthuan.com.vn)
Sau buổi Lễ, bằng ghi danh của UNESCO đưa “Nghệ thuật làm gốm của người Chăm” vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp được đặt ở nơi trang trọng trong Nhà văn hóa thôn Bình Đức, xã Phan Hiệp, huyện Bắc Bình nhằm giúp thế hệ con, cháu mai sau nhớ đến nghề truyền thống của dân tộc mình để tiếp tục giữ gìn, bảo tồn và phát triển trong cộng đồng./.