Từ đầu năm 2024 đến nay, cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp tiếp tục quán triệt, phổ biến trong đội ngũ đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức và Nhân dân về các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trong thực hiện dân chủ ở cơ sở; trọng tâm là Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở và các văn bản chỉ đạo của Trung ương, của Tỉnh về thực hiện dân chủ ở cơ sở. Tổ chức đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với Nhân dân (01 cuộc cấp tỉnh, 07 cuộc cấp huyện) và ban hành các văn bản chỉ đạo tăng cường thực hiện dân chủ ở cơ sở; lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thành công việc bầu cử Trưởng thôn, khu phố, lựa chọn Phó Trưởng thôn, khu phố và bầu Ban Thanh tra nhân dân xã, phường, thị trấn nhiệm kỳ 2024 - 2029. Ban chỉ đạo thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở các cấp tăng cường kiểm tra việc thực hiện dân chủ ở các loại hình theo quy định.
Thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn
Cấp ủy đảng, chính quyền cấp xã chỉ đạo triển khai thực hiện dân chủ gắn với nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Tiếp tục thực hiện tốt phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” trong các hoạt động, phong trào ở địa phương gắn với công khai, minh bạch, phát huy dân chủ trong Nhân dân; rà soát, sửa đổi, bổ sung và lấy ý kiến Nhân dân trước khi ban hành các quy chế, quy định, hương ước, quy ước. Công tác cải cách hành chính được quan tâm chỉ đạo thực hiện; việc giải quyết hồ sơ trên phần mềm một cửa tiếp tục được quan tâm thực hiện (Đến ngày 23/9/2024, cấp xã đã giải quyết 302.338 hồ sơ; đúng hạn là 288.843 hồ sơ, tỷ lệ 95,54%; trễ hạn là 13.495 hồ sơ, tỷ lệ 4,46%). Các phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, “Dân vận khéo” tiếp tục triển khai, thực hiện. Hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng được tăng cường, trọng tâm là việc thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, thực hiện dân chủ ở cơ sở, thanh tra, giám sát các công trình, dự án có sự đóng góp của Nhân dân và liên quan trực tiếp đến quyền lợi của Nhân dân.
Thực hiện dân chủ ở cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp, lực lượng vũ trang
Cấp ủy, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị quan tâm chỉ đạo thực hiện dân chủ trong cơ quan, đơn vị gắn với triển khai thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao. Thực hiện công khai, minh bạch tài chính, các chế độ, chính sách liên quan đến quyền lợi và trách nhiệm của CBCC, viên chức, chiến sĩ; quán triệt, chấn chỉnh tinh thần trách nhiệm, đạo đức công vụ; ban hành các kế hoạch, văn bản chỉ đạo và triển khai thực hiện công tác cải cách hành chính; tiếp tục thực hiện niêm yết công khai đầy đủ, minh bạch các thủ tục hành chính trên trang Thông tin điện tử, tại Trung tâm hành chính công tỉnh; tổ chức kiểm tra việc thực hiện dân chủ ở cơ sở, kiểm tra nội bộ; tăng cường triển khai thực hiện các giải pháp cải thiện, nâng cao các chỉ số PCI, PAR Index, SIPAS, PAPI. Các đơn vị lực lượng vũ trang triển khai, thực hiện nghiêm túc các quy định của ngành về dân chủ trong thực thi nhiệm vụ, chấp hành kỷ luật, kỷ cương, tổ chức đối thoại với cán bộ, chiến sĩ, quân nhân theo định kỳ và đột xuất.
Thực hiện dân chủ ở tổ chức có sử dụng lao động
Các doanh nghiệp tiếp tục quan tâm đến việc thực hiện dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc, thực hiện các quy định của pháp luật lao động đối với người lao động. Thực hiện đảm bảo các chế độ, chính sách theo quy định, thanh toán tiền lương, tiền thưởng và các nguồn quỹ khác kịp thời cho người lao động; không phát sinh vụ việc về đình công, lãn công. Một số doanh nghiệp đã thực hiện tốt việc tổ chức hội nghị người lao động, đối thoại với người lao động tại nơi làm việc, người lao động đã nắm bắt tình hình thực hiện nhiệm vụ, sản xuất, kinh doanh, kế hoạch đầu tư của doanh nghiệp, được tham gia ý kiến vào nội quy lao động, hệ thống thang lương, bảng lương, định mức lao động, quy chế trả lương, trả thưởng; đề xuất nội dung thương lượng tập thể, biện pháp tiết kiệm chi phí, nâng cao năng suất lao động, bảo vệ môi trường, phòng chống cháy nổ... Đến cuối tháng 9, toàn tỉnh đã có 240 doanh nghiệp tổ chức đối thoại (204 cuộc định kỳ, 36 cuộc đột xuất); có 220/262 doanh nghiệp tổ chức hội nghị người lao động, đạt 83,97%; có 234 bản thỏa ước lao động tập thể được ký kết, trong đó có 14 bản ký kết lần đầu có nhiều điều khoản có lợi hơn cho người lao động so với quy định hiện hành (Như tăng chất lượng bữa ăn, thời gian nghỉ giữa ca, tiền lương, tiền thuởng, phụ cấp…). Tổ chức Công đoàn trong các doanh nghiệp kịp thời nắm bắt dư luận, tâm tư, nguyện vọng của đoàn viên, công nhân lao động; chủ động đề xuất, kiến nghị chủ doanh nghiệp giải quyết kịp thời những kiến nghị của người lao động theo phương châm đảm bảo sự hài hòa quyền, lợi ích giữa hai bên; tiếp tục vận động người sử dụng lao động điều chỉnh tăng giá trị bữa ăn ca của người lao động. Phối hợp chặt chẽ cùng chủ doanh nghiệp xây dựng và triển khai thực hiện tốt QCDC; hướng dẫn, giúp đỡ công nhân lao động thực hiện giao kết hợp đồng lao động.
Thực hiện cải cách thủ tục hành chính; tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân
Các sở, ban, ngành và địa phương tiếp tục duy trì thực hiện tiếp nhận, giải quyết và trả kết quả thủ tục hành chính (TTHC) cho tổ chức, cá nhân thông qua Trung tâm Hành chính công tỉnh và bộ phận “một cửa” cấp huyện, cấp xã; đã cập nhật công khai trên cơ sở dữ liệu quốc gia và liên kết trang thông tin điện tử các cơ quan, địa phương với 1.933/1.933 TTHC, đạt 100%; 100% các sở, ngành, UBND cấp huyện có chuyên mục và thực hiện công khai, niêm yết TTHC để tổ chức, cá nhân tra cứu, thực hiện; công khai kết quả giải quyết TTHC trên Cổng Dịch vụ công của tỉnh. Đến ngày 23/9/2024, tổng số hồ sơ TTHC trên địa bàn tỉnh đã giải quyết là 462.053 hồ sơ, trong đó giải quyết đúng hạn là 425.244 hồ sơ, tỷ lệ 92,03%, giải quyết trễ hạn là 36.809 hồ sơ, tỷ lệ 7,97%. Các cấp, các ngành, người đứng đầu các địa phương duy trì tiếp công dân theo quy định. Toàn tỉnh đã tiếp 3.391 lượt/3.762 người/3.591 vụ việc; tiếp nhận 4.316 đơn các loại, số đơn đủ điều kiện xử lý 4.104 đơn, số đơn thuộc thẩm quyền 3.150 đơn; đối với những đơn không thuộc thẩm quyền, UBND cấp huyện, các sở, ngành đã có hướng dẫn, chuyển đơn.
Nhiêm vụ trọng tâm cần tập trung thực hiện trong những tháng cuối năm 2024
Một là, các cấp ủy, chính quyền, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, địa phương rà soát Chương trình, Kế hoạch thực hiện dân chủ năm 2024 để tập trung thực hiện hoàn thành. Tiếp tục tuyên truyền, vận động CBCC, viên chức, người lao động và Nhân dân thực hiện tốt Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở và các văn bản chỉ đạo của Trung ương, của Tỉnh liên quan đến thực hiện Luật.
Hai là, tăng cường kiểm tra, giám sát, chấn chỉnh việc thực hiện dân chủ ở cơ sở gắn với hoàn thành nhiệm vụ chính trị năm 2024, chú ý quan tâm trong các doanh nghiệp. Tăng cường nắm tình hình thực hiện dân chủ trong các tổ chức sử dụng lao động, doanh nghiệp. Thực hiện tốt công tác tiếp công dân; đẩy mạnh chuyển đổi số trên các lĩnh vực. Nâng cao trách nhiệm, hiệu quả giải quyết hồ sơ, thủ tục hành chính, đơn, thư của tổ chức, công dân gắn với tăng cường công tác kiểm tra, giám sát trong thực thi công vụ.
Ba là, MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội các cấp tiếp tục theo dõi, nắm tình hình, nhất là những vấn đề phát sinh, bức xúc, ảnh hưởng đến đời sống, quyền lợi của đoàn viên, hội viên và Nhân dân để phản ánh, kiến nghị cấp thẩm quyền xem xét, giải quyết. Thực hiện hoàn thành các nội dung giám sát, phản biện xã hội theo kế hoạch đề ra; chú ý theo dõi, đôn đốc việc giải quyết các kiến nghị sau giám sát.
Bốn là, Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư cộng đồng tiếp tục nâng cao chất lượng và phát huy vai trò giám sát; nâng cao trách nhiệm, kỹ năng của các thành viên trong hoạt động Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư cộng đồng.
Năm là, các cơ quan, đơn vị và BCĐ các cấp tổ chức đánh giá tình hình, kết quả thực hiện dân chủ ở cơ sở năm 2024 gắn với chấm điểm, xếp loại, đảm bảo tiến độ, đúng chất lượng, báo cáo theo quy định. Các sở, ngành có đơn vị trực thuộc tổ chức chấm điểm, xếp loại thực hiện dân chủ đối với các đơn vị trực thuộc; lấy kết quả xếp loại thực hiện dân chủ là một tiêu chí để đánh giá, xếp loại mức độ hoàn thành nhiệm vụ của người đứng đầu, tổ chức đảng ở đơn vị trực thuộc./.