Tỉnh Bình Thuận có 10 đơn vị hành chính cấp huyện (gồm thành phố Phan Thiết, thị xã La Gi và 8 huyện, trong đó có huyện đảo Phú Quý) với 124 xã, phường, thị trấn; 691 thôn, khu phố; trong đó, có 10 thôn đặc biệt khó khăn, 03 xã khu vực III, 03 xã khu vực II và 25 xã, thị trấn khu vực I thuộc vùng đồng bào DTTS và miền núi. Tổng dân số toàn tỉnh có hơn 1,3 triệu người với 35 dân tộc anh em sinh sống, trong đó có 34 đồng bào DTTS với 104.066 khẩu/25.665 hộ, chiếm tỷ lệ 8% dân số của tỉnh. Đồng bào DTTS cư trú rộng khắp trên địa bàn toàn tỉnh, với hình thức cư trú phổ biến là sống xen kẽ. Mỗi dân tộc có bản sắc văn hóa, phong tục, tập quán, lễ hội riêng, tạo nên sự phong phú, đa dạng trong nền văn hóa các dân tộc trên địa bàn tỉnh. Tình hình kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS nhìn chung ngày càng phát triển, tuy nhiên so với vùng đồng bằng thì vẫn còn những khoảng cách nhất định.
Để góp phần thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa IX về công tác dân tộc trong tình hình mới; trong đó chú trọng phát triển bền vững vùng đồng bào DTTS và miền núi, nâng cao đời sống nhân dân; giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, xây dựng Đảng, hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; giữ vững quốc phòng - an ninh; đồng thời, từng bước thực hiện chủ trương “Miền núi tiến kịp miền xuôi”; năm 2013, Ban Thường vụ Tỉnh ủy cho chủ trương thực hiện công tác kết nghĩa giữa các xã thuần, thôn xen ghép vùng đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh. Qua 10 năm thực hiện, với những kết quả đạt được đã khẳng định đây là một trong những chủ trương đúng đắn, mang tính nhân văn sâu sắc. Hiện nay toàn tỉnh có 17 cơ quan, đơn vị cấp tỉnh kết nghĩa với 17 xã thuần đồng bào DTTS và 86 cơ quan, đơn vị cấp huyện kết nghĩa với 42 thôn xen ghép đồng bào DTTS, đã hỗ trợ giúp đỡ các xã thuần, thôn xen ghép vùng đồng bào DTTS phát triển toàn diện trên các mặt như:
Tuyên truyền, phổ biến các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ và Nhân dân vùng đồng bào DTTS: Trong 10 năm qua, các cơ quan, đơn vị kết nghĩa đã phối hợp với địa phương tổ chức 2.964 buổi tuyên truyền, vận động cho 163.734 lượt người dân vùng đồng bào DTTS chấp hành và tích cực hưởng ứng, thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước gắn với tham gia thực hiện các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước; tổ chức 98 lớp tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ công tác tuyên truyền, vận động cho 1.377 lượt cán bộ, công chức; 143 buổi hội thảo cho 5.373 lượt cán bộ, đoàn viên, hội viên; tuyên truyền, vận động người dân vùng đồng bào DTTS nâng cao tinh thần cảnh giác trước mọi âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch, thông qua việc thực hiện một số mô hình như: phân công 169 đảng viên phụ trách 676 hộ gia đình ở khu vực biên giới của Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh; mô hình “Dân vận khéo” tại xã Phan Thanh, huyện Bắc Bình của Công an tỉnh đã thăm, gặp 970 lượt chức sắc, người có uy tín vùng đồng bào; thành lập 153 tổ công tác dân vận - tuyên truyền đặc biệt trong vùng đồng bào DTTS của Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh...
Phối hợp xây dựng hệ thống chính trị; đào tạo, bồi dưỡng cán bộ; phát triển đảng viên, đoàn viên, hội viên người DTTS: Toàn tỉnh có 2.690 đảng viên là người dân tộc thiểu số (chiếm khoảng 6,3% so với tổng số đảng viên toàn tỉnh); 360 đại biểu HĐND các cấp là người DTTS; 100 cán bộ, công chức người DTTS thuộc các cơ quan khối Đảng, Mặt trận Tổ quốc và tổ chức chính trị - xã hội các cấp và 137 cán bộ, công chức người DTTS thuộc khối cơ quan hành chính nhà nước; tổ chức cho 2.247 lượt cán bộ, công chức, viên chức tham gia đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ và lý luận chính trị; phát triển 15.970 đoàn viên, hội viên là người DTTS, nâng tổng số thành viên Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đoàn viên, hội viên của các tổ chức chính trị - xã hội là người DTTS toàn tỉnh lên 47.268, chiếm tỷ lệ 8,84%; xây dựng 87 cốt cán, người có uy tín vùng đồng bào DTTS; tổ chức 97 cuộc giám sát, 10 cuộc đối thoại giữa cấp ủy, chính quyền với người dân tại xã thuần đồng bào DTTS với các nội dung có liên quan đến chủ trương, chính sách đối với người dân vùng đồng bào. Hàng năm, cấp ủy các xã thuần và thôn xen ghép đồng bào DTTS đều được đánh giá, xếp loại hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Phối hợp với chính quyền cơ sở nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và thực hiện các chương trình, dự án, chính sách dân tộc ở địa phương: Trong 10 năm qua, HĐND tỉnh, UBND tỉnh đã ban hành nhiều Nghị quyết, văn bản chỉ đạo về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS; đồng thời, lãnh đạo, chỉ đạo các sở, ngành cấp tỉnh tiếp tục thực hiện các hoạt động hỗ trợ, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước. Một số kết quả nổi bật: Thực hiện Nghị quyết số 36/NQ-HĐND về đầu tư kết cấu hạ tầng vùng đồng bào DTTS: tỉnh đã xây dựng 11 công trình trên địa bàn 5 huyện, với tổng mức đầu tư 38.323 triệu đồng, tạo điều kiện thuận lợi cho đồng bào phát triển sản xuất. Thực hiện chính sách giao khoán quản lý, bảo vệ rừng: Hàng năm thực hiện giao khoán 49.577 ha/18.393 triệu đồng cho các hộ đồng bào DTTS, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập, cải thiện đời sống cho các hộ đồng bào. Chính sách đầu tư hỗ trợ phát triển sản xuất: Hàng năm, có khoảng 1.170 hộ đồng bào DTTS ký hợp đồng nhận hỗ trợ đầu tư ứng trước với 2.211,6 ha đất đất sản xuất nông nghiệp, kinh phí thực hiện trên 15 tỷ đồng, giúp cho đồng bào có đủ giống, vật tư nông nghiệp để phục vụ sản xuất và thực hiện thu mua sản phẩm của đồng bào sau thu hoạch góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất hàng hóa tại vùng đồng bào DTTS; Chính sách trợ cấp đối với học sinh, sinh viên là người DTTS ở các thôn, xã miền núi, vùng cao: đã trợ cấp cho 30.477 lượt học sinh, sinh viên DTTS với kinh phí 37.752 triệu đồng.
Thực hiện nhiều hoạt động hỗ trợ góp phần phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống nhân dân, xây dựng nông thôn mới: Các cơ quan, đơn vị đã phối hợp tổ chức 500 lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, hội thảo, tọa đàm liên quan đến ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật cho 16.521 lượt người; thực hiện 503 công trình dân sinh, kinh tế với tổng số tiền hơn 13 tỷ đồng; các ngành phối hợp xây dựng và nhân rộng 60 mô hình phát triển kinh tế, xã hội; 44 mô hình giữ gìn an ninh trật tự trong vùng đồng bào DTTS.... Thông qua các hoạt động chuyển giao khoa học kỹ thuật đã từng bước lan tỏa, giúp cho đồng bào DTTS thay đổi cách nghĩ, cách làm, nỗ lực vươn lên trong sản xuất và nâng cao mức hưởng thụ đời sống và góp phần giúp 7/17 xã thuần đạt chuẩn nông thôn mới; tỷ lệ hộ nghèo giảm qua từng năm, đến ngày 31/12/2023, hộ nghèo DTTS còn 2.037 hộ, chiếm 7,73% so với tổng số hộ DTTS và chiếm 30,77% so với tổng số hộ nghèo toàn tỉnh; số hộ cận nghèo DTTS là 2.827 hộ, chiếm 10,73% so với tổng số hộ DTTS và chiếm 23,17% so với tổng số hộ cận nghèo toàn tỉnh.
Tổ chức nhiều hoạt động giao lưu văn hóa văn nghệ, thể thao gắn với xây dựng đời sống văn hóa, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa, truyền thống tốt đẹp của dân tộc, bài trừ các hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan: Vào các dịp Tết Nguyên đán, lễ, tết truyền thống của đồng bào DTTS, các cơ quan, đơn vị kết nghĩa đã phối hợp tổ chức 578 hoạt động giao lưu văn hóa văn nghệ, 217 hoạt động giao lưu thể thao thu hút 52.524 lượt người; 179 hoạt động giao lưu giữa các cộng đồng dân cư thu hút 30.150 lượt người; tổ chức thăm hỏi, tặng quà cho tập thể, chức sắc, già làng, cốt cán, người có uy tín vùng đồng bào với 147.495 phần quà, trị giá hơn 70 tỷ đồng; vận động hỗ trợ xây dựng, sửa chữa mới 339 căn nhà với tổng trị giá 15,5 tỷ đồng; tổ chức 179 đợt khám bệnh, cấp thuốc miễn phí cho 26.372 lượt người với tổng trị giá 3,5 tỷ đồng; duy trì đỡ đầu 430 gia đình chính sách khó khăn với số tiền hơn 2,1 tỷ đồng; triển khai thực hiện Đề án “Bảo tồn và phát triển nghề gốm truyền thống của người Chăm thôn Bình Đức, xã Phan Hiệp, huyện Bắc Bình” và xây dựng mô hình “Điểm văn hóa du lịch làng nghề truyền thống nghề gốm Chăm thôn Bình Đức”, góp phần phát huy, bảo tồn nghề gốm truyền thống tại địa phương. Riêng trong đợt đại dịch Covid-19; các đơn vị đã tổ chức 1.232 buổi tuyên truyền, vận động 42.669 lượt người dân vùng đồng bào DTTS thực hiện tốt các quy định trong công tác phòng, chống Covid-19; hỗ trợ hàng nghìn suất ăn miễn phí, 150 tấn hàng nhu yếu phẩm giúp đồng bào vượt qua khó khăn. Thông qua các hoạt động giao trên, các cơ quan, đơn vị thực hiện kết nghĩa đã phối hợp với địa phương xây dựng đời sống văn hóa gắn với giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa, truyền thống tốt đẹp của dân tộc, bài trừ các hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan như thời gian lưu giữ người chết của đồng bào Chăm theo đạo Bàni không quá 3 ngày, nạn tảo hôn, hôn nhân cận huyết, trị bệnh bằng trừ tà,…
Thời gian đến, để tiếp tục triển khai thực hiện chủ trương công tác kết nghĩa đạt hiệu quả hơn; Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Kết luận số 988-KL/TU, ngày 12/3/2024 xác định phương thức, nội dung kết nghĩa theo hướng đổi mới, phù hợp, bảo đảm tính thiết thực và phù hợp với từng địa bàn, trong đó tăng cường nắm chắc đặc điểm, tình hình, nhu cầu của các xã thuần, thôn xen ghép vùng đồng bào DTTS; đồng thời xác định mục tiêu của công tác kết nghĩa trong thời gian đến là hỗ trợ, giúp đỡ và vận động cán bộ, công chức, viên chức, nhân dân ở các xã thuần, thôn xen ghép vùng đồng bào DTTS phát huy nội lực để vươn lên làm giàu cho bản thân, gia đình và xây dựng quê hương ngày càng phát triển./.