Là tỉnh nằm trong vùng khô hạn nhất nước, kết cấu hạ tầng chưa đồng bộ, thu nhập bình quân thấp (đạt 54,3 triệu đồng); đời sống vật chất, tinh thần của người dân còn nhiều khó khăn; công tác quản lý Nhà nước về đất đai, khoáng sản, phòng chống ô nhiễm môi trường ở một số nơi hiệu quả chưa cao; tình hình dân tộc, tôn giáo còn tiềm ẩn những yếu tố gây mất ổn định ANTT… Trước tình hình đó, Đảng bộ tỉnh nhà luôn nhận thức được vai trò, vị trí và tầm quan trọng của công tác dân vận trong quá trình thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương; đã ban hành Nghị quyết số 12-NQ/TU, ngày 11/11/2022 về một số chủ trương, giải pháp nâng cao đời sống Nhân dân tỉnh Bình Thuận đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; chỉ đạo chính quyền các cấp kịp thời triển khai, thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chỉ thị, nghị quyết của Trung ương Đảng, Chính phủ về công tác dân vận; chỉ đạo MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội các cấp tập trung củng cố, xây dựng tổ chức, đa dạng hóa các hình thức tập hợp Nhân dân, tổ chức các phong trào thi đua tập trung hướng về cơ sở, phối hợp nắm tình hình tư tưởng, tâm trạng, đời sống và những vấn đề bức xúc nổi lên trong Nhân dân.
Công tác dân vận trong tham gia xây dựng và thực hiện dân chủ ở cơ sở, tổ chức cho Nhân dân tham gia giám sát, phản biện xã hội, góp ý xây dựng đảng, xây dựng chính quyền theo phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” được cụ thể trong quá trình triển khai thực hiện các công trình, dự án trọng điểm của tỉnh ngay từ khâu thông báo chủ trương đến khâu giải phóng mặt bằng, đền bù, hỗ trợ, thu hồi đất và tái định cư cho các hộ dân; nhờ thực hiện tốt quy trình công tác dân vận nên nhìn chung các dự án triển khai đều nhận được sự đồng tình của đa số Nhân dân trong vùng. Đáng chú ý là dự án: Đường bộ cao tốc Bắc - Nam (đoạn đi qua địa bàn tỉnh), Đường trục ven biển ĐT.719B (đoạn Phan Thiết - Kê Gà, đường Hàm Kiệm - Tiến Thành)... Cấp ủy đảng, chính quyền tổ chức hiệu quả việc đối thoại với Nhân dân; lãnh đạo UBND tỉnh duy trì gặp mặt doanh nghiệp định kỳ hàng tháng để chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp; chỉ đạo đẩy mạnh ứng dụng CNTT, cải cách thủ tục hành chính nhằm phục vụ và giải quyết tốt thủ tục hành chính cho Nhân dân, doanh nghiệp...
Cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội các cấp quan tâm triển khai thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo” và được Nhân dân tích cực hưởng ứng với nhiều cách làm hay, sáng tạo trên tất cả các lĩnh vực đời sống xã hội; đáng chú ý là việc thực hiện nội dung “4 không” (Không gây phiền hà cho Nhân dân và doanh nghiệp; Không xả rác nhựa và rác thải sinh hoạt bừa bãi; Không vi phạm Luật Giao thông đường bộ; Không tụ tập gây rối, ảnh hưởng an ninh chính trị, trật tự) và chủ đề năm 2023 của tỉnh “Chỉnh trang đô thị, giữ gìn, bảo vệ môi trường, cảnh quan xanh, sạch, đẹp” đạt được nhiều kết quả tích cực, tạo sự đồng thuận trong Nhân dân. Hiện toàn tỉnh có 746 mô hình được đăng kí ở cấp huyện; nhiều mô hình có hiệu quả tiếp tục được lan tỏa như: Mô hình “Chính quyền điển tử”, “Công chức xin lỗi dân khi trễ hẹn”, vận động Nhân dân hiến đất làm đường, bê tông hóa đường giao thông, camera an ninh, Tổ tự quản về an ninh trật tự, Tổ tự quản về phòng cháy chữa cháy…
Công tác kết nghĩa giữa các cơ quan, đơn vị cấp tỉnh, huyện với các xã thuần, thôn xen ghép đồng bào DTTS (có 17 cơ quan cấp tỉnh và 42 cơ quan cấp huyện kết nghĩa với 17 xã thuần đồng bào DTTS; 86 cơ quan cấp huyện kết nghĩa với 37 thôn, khu phố xen ghép DTTS) tiếp tục thực hiện hiệu quả. Qua đó, kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS của tỉnh tiếp tục phát triển; hệ thống kết cấu hạ tầng từng bước được nâng cấp; việc hỗ trợ vốn, kỹ thuật, nhân rộng các mô hình sản xuất được quan tâm; đời sống, thu nhập của đồng bào được cải thiện; bản sắc văn hóa truyền thống của các dân tộc tiếp tục được giữ gìn và phát huy; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội vùng đồng bào DTTS được giữ vững.
Công tác dân vận trong đồng bào có đạo được quan tâm đổi mới cả nội dung và phương pháp như: thường xuyên thăm hỏi, động viên, chúc mừng các tổ chức, chức sắc tôn giáo nhân dịp Lễ trọng; định kỳ hằng năm tổ chức hội nghị họp mặt, giao lưu chức sắc các tôn giáo; quan tâm sắp xếp thời gian tham dự các hội nghị, sự kiện của các tôn giáo. Công tác quản lý nhà nước đối với tôn giáo ngày càng được tăng cường, hiệu quả hơn, bảo đảm quyền sinh hoạt tôn giáo và các nhu cầu chính đáng của tổ chức, tín đồ tôn giáo theo quy định của pháp luật. Nhiều vấn đề, vụ việc tôn giáo phát sinh được giải quyết hài hòa, đúng chủ trương của Đảng và pháp luật của Nhà nước, tạo đồng thuận trong Nhân dân. Mối quan hệ giữa các tổ chức tôn giáo với các cấp ủy, chính quyền ngày càng gắn bó, góp phần củng cố khối đoàn kết toàn dân trong tỉnh và có những đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương.
Công tác dân vận trên lĩnh vực QPAN được kết hợp chặt chẽ với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội; tập trung thực hiện “Phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ và phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội” gắn với phong trào “Dân vận khéo”; hàng năm, có trên 65% thôn, khu phố và trên 85% hộ gia đình ký cam kết đạt tiêu chuẩn “An toàn về an ninh trật tự”; đã xây dựng được 27 mô hình “Tự phòng, tự quản” và được nhân rộng ra 819 địa bàn khu dân cư, xã, phường, thị trấn, cơ quan, doanh nghiệp cấp huyện, tỉnh.
Có thể thấy công tác dân vận đã phát huy được tinh thần đoàn kết, sức mạnh của Nhân dân tham gia vào công cuộc đổi mới, phát triển tỉnh nhà; tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh có sự phát triển nhanh (Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm nội tỉnh: năm 2022 đạt 7,75%; năm 2023 đạt 8,1%), tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 1,15%; công nghiệp chuyển dịch theo hướng tích cực, thu hút nhiều dự án năng lượng có quy mô lớn (có 47 nhà máy ở các loại hình: thủy điện, nhiệt điện, điện mặt trời, điện gió); du lịch từng bước trở thành ngành kinh tế mũi nhọn (từ năm 2020 đến tháng 12/2023 đã đón hơn 15,25 triệu lượt khách, doanh thu đạt 38.587 tỷ đồng); kinh tế biển phát triển khá toàn diện cả về khai thác, nuôi trồng, chế biến hải sản, dịch vụ hậu cần; công trình thủy lợi, hệ thống kênh tiếp nước đảm bảo chủ động điều tiết nước phục vụ sinh hoạt, sản xuất (đã xây dựng 209 hồ chứa, đập dâng, trạm bơm... với tổng chiều dài của toàn hệ thống kênh là 1.800km). Đời sống Nhân dân ngày càng được nâng cao; an sinh xã hội được đảm bảo; tỷ lệ người lao động trong độ tuổi tham gia BHXH, BHTN được nâng lên. Các hoạt động VHVN hướng mạnh về cơ sở; công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, lễ hội truyền thống được quan tâm thực hiện (hiện có 28 di tích cấp quốc gia, 02 di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, 42 di tích cấp tỉnh).
Tiếp tục phát huy kết quả đạt được và đưa Bình Thuận phát triển bền vững, các cấp, các ngành trong tỉnh cần tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ sau:
Một là, phát huy vai trò lãnh đạo toàn diện của cấp ủy; tiếp tục nâng cao nhận thức của cả hệ thống chính trị và Nhân dân về tầm quan trọng của việc phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc gắn với việc phát triển kinh tế - xã hội toàn diện, đảm bảo an ninh, quốc phòng. Kịp thời phổ biến, quán triệt, cụ thể hóa chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước đi vào thực tiễn cuộc sống, tạo sự đồng thuận cao, củng cố niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước.
Hai là, tăng cường nắm tình hình, diễn biến tư tưởng, tâm trạng, dư luận xã hội quan tâm; tăng cường công tác đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp với Nhân dân; giải quyết “thấu tình, đạt lý” những khó khăn, đề xuất, kiến nghị, các vấn đề, vụ việc nảy sinh trong Nhân dân.
Ba là, phát huy vai trò của Nhân dân tham gia xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh; phát huy dân chủ trong thực hiện các công trình, dự án trọng điểm của tỉnh. Tăng cường CCHC, nâng cao hiệu quả quản lý hành chính công, chỉ số năng lực cạnh tranh, lấy mức độ hài lòng của tổ chức và công dân để đánh giá hiệu quả công việc của CBCCVC.
Bốn là, đẩy mạnh phong trào thi đua “Dân vận khéo” trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, gắn với các phong trào thi đua yêu nước và việc học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; chú trọng công tác dân vận đối với đồng bào dân tộc thiểu số và trong tôn giáo; bảo đảm các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng, giúp nhau cùng phát triển.
Năm là, MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội, hội quần chúng phát huy tính chủ động, sáng tạo trong tham mưu, đề xuất cấp ủy, phối hợp với chính quyền để tổ chức tốt các phong trào thi đua yêu nước. Tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động; thực hiện có hiệu quả công tác giám sát, phản biện xã hội và tham gia góp ý xây dựng Đảng, chính quyền./.