Theo đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy xác định rõ quan điểm phải bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng đối với hội nông dân và phong trào nông dân; nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân, xây dựng tổ chức hội là trách nhiệm của hệ thống chính trị và xã hội dưới sự lãnh đạo của Đảng, trong đó chủ yếu, trực tiếp là cấp ủy, chính quyền và ban chấp hành hội nông dân các cấp. Tăng cường trách nhiệm của hội nông dân trong đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng và phát huy quyền làm chủ của nông dân; động viên, hỗ trợ nông dân thực hiện tốt vai trò chủ thể, trung tâm của quá trình phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn, xây dựng nông thôn mới bền vững và công nghiệp hóa, đô thị hóa nông thôn, hội nhập quốc tế nhằm đưa nông nghiệp trở thành 01 trong 03 trụ cột của nền kinh tế tỉnh nhà, góp phần xây dựng liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức, làm cầu nối vững chắc giữa Đảng với nông dân.
Chương trình hành động đã đề ra các mục tiêu tổng quát và cụ thể, nhất là phấn đấu hàng năm đào tạo, bồi dưỡng nghề cho 3.700 hội viên nông dân, lao động nông thôn; bồi dưỡng nâng cao trình độ, kỹ năng cho 1.000 nông dân xuất sắc, nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi cấp huyện trở lên và có trên 70% số hộ nông dân đăng ký phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, trong đó có trên 50% trong tổng số hộ đăng ký đạt danh hiệu hộ sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp. Đồng thời, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đề ra 07 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu nhằm đổi mới, nâng cao chất lượng phong trào nông dân, xây dựng hội nông dân các cấp trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới.
Xem chi tiết các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của Chương trình hành động số 79-CTr/TU, ngày 24/3/2024 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy tại đây./.