Bình Thuận là tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ nằm giáp khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam có diện tích tự nhiên 7.820 km2, dân số gần 1,3 triệu người, có đường bờ biển dài 192 km, từ Mũi Đá Chẹp giáp Cà Ná, tỉnh Ninh Thuận đến bãi bồi Bình Châu, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu; diện tích vùng lãnh hải trên 52.000km2, có tuyến hàng hải nội địa và quốc tế đi qua, là một trong ba ngư trường trọng điểm của cả nước với nhiều đảo nhỏ ven bờ như: Cù Lao Câu, Hòn Rơm, Hòn Bà và huyện đảo Phú Quý cách thành phố Phan Thiết 57 hải lý về hướng Đông Nam, có vị trí chiến lược quan trọng về quốc phòng, an ninh; có nhiều cảng biển, cửa sông, vũng, vịnh, bãi tắm đẹp thuận lợi cho tàu, thuyền neo đậu, vận tải hàng hải, du lịch, phát triển kinh tế biển. Khu vực biên giới biển của tỉnh có 7/10 huyện, thị xã, thành phố, với 35/124 xã, phường, thị trấn. Bình Thuận là tỉnh có nghề cá truyền thống, thuộc nhóm tỉnh đi đầu trong cả nước về năng lực sản xuất và sản lượng khai thác thủy sản. Toàn tỉnh có 7.861 tàu cá với hơn 44.500 lao động trực tiếp đánh bắt hải sản; 5.997/7.861 tàu cá đăng ký, cập nhật Sổ đăng ký tàu cá quốc gia; 5.321 tàu cá được cấp giấy phép khai thác thủy sản, đạt 88,73%; 1.948 tàu cá chiều dài từ 15 mét trở lên đang hoạt động đã được lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, đạt 100%.
Trong những năm qua, tỉnh đã quan tâm tổ chức triển khai các chính sách hỗ trợ phát triển thủy sản của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ góp phần gia tăng hoạt động trên vùng biển xa, kết hợp bảo vệ chủ quyền biển, đảo. Tuy nhiên, hoạt động nghề cá trong tỉnh còn nhiều hạn chế, tình trạng tàu cá và ngư dân xâm phạm vùng biển nước ngoài để khai thác, thu mua hải sản trái phép bị nước ngoài bắt giữ, xử lý tuy đã giảm sâu qua từng năm nhưng vẫn còn xảy ra, gây thiệt hại cho chính ngư dân, ảnh hưởng đời sống, sinh kế của nhiều gia đình lao động biển, ảnh hưởng đến hình ảnh của quốc gia trên ngư trường quốc tế, tác động xấu đến xuất khẩu thủy sản của cả nước và của tỉnh.
Để hạn chế, chấn chỉnh, khắc phục tình trạng trên, đồng thời thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chỉnh phủ tại Chỉ thị số 45/CT-TTg, ngày 13/12/2017; Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Chỉ thị số 30-CT/TU, ngày 16/01/2018 về các nhiệm vụ và giải pháp cấp bách tăng cường quản lý, ngăn chặn, chấm dứt tình trạng tàu cá, ngư dân trong tỉnh khai thác hải sản bất hợp pháp tại vùng biển nước ngoài; theo đó xác định 7 nhiệm vụ và giải pháp; trong đó đề nghị hệ thống chính trị các cấp đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền giáo dục ngư dân, giúp cho ngư dân hiểu và cam kết không vi phạm khai thác bất hợp pháp vùng biển nước ngoài, trước tiên vì sự an toàn trong sản xuất, đời sống và sinh kế của chính ngư dân, đồng thời cùng cả nước thực hiện các khuyến nghị của Ủy ban Châu Âu nhằm sớm gỡ bỏ cảnh báo (thẻ vàng) đối với xuất khẩu thủy sản của Việt Nam.
Qua hơn 6 năm thực hiện Chỉ thị 30-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở, nhất là các địa phương có biển đã tổ chức hơn 2.811 buổi tuyên truyền, tập huấn phổ biến pháp luật, vận động ngư dân tự giác không khai thác hải sản trái phép vùng biển nước ngoài, vận động chủ tàu cá khai thác xa bờ, thuyền trưởng thực hiện nghiêm túc việc ghi nhật ký khai thác hải sản, báo cáo khai thác, lắp đặt, vận hành thiết bị giám sát đảm bảo quy định cho hơn 247.647 lượt chủ tàu, thuyền trưởng; cấp phát 91.800 tờ rơi tuyên truyền, hướng dẫn các quy định pháp luật về thủy sản, chống khai thác IUU, bảo vệ, tái tạo nguồn lợi thủy sản; tổ chức 03 cuộc thi tìm hiểu Luật thủy sản cho 320 lượt ngư dân; Biên soạn bộ tài liệu hỏi - đáp về công tác chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định; xây dựng và phát sóng 2.200 phóng sự, bản tin và đăng tải 320 bài báo phản ánh hành vi vi phạm khai thác IUU và hình thức xử lý, xử phạt của các lực lượng chức năng... Bên cạnh đó, năm 2019, thực hiện chương trình phối hợp công tác dân vận “Cảnh sát biển đồng hành với ngư dân” được ký kết giữa Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Thuận và Bộ Tư lệnh Cảnh sát Biển Việt Nam, Bình Thuận đã phối hợp tổ chức 07 đợt tuyên truyền tập trung cho 2.000 lượt ngư dân; 05 chương trình “Em yêu biển, đảo quê hương” thu hút 16.031 lượt học sinh; 11 hoạt động xã hội từ thiện và xây dựng 01 căn nhà Đại đoàn kết cho ngư dân nghèo... với tổng trị giá gần 4 tỷ đồng. Từ những hoạt động tuyên truyền trên và việc thực hiện có hiệu quả chương trình công tác dân vận “Cảnh sát biển đồng hành với ngư dân” đã góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, Nhân dân và đặc biệt là ngư dân về công tác phòng, chống khai thác IUU; tích cực tham gia công tác phòng, chống, phát hiện, ngăn chặn, tố giác hành vi vi phạm của các tổ chức, cá nhân về khai thác IUU, bảo đảm các hoạt động khai thác hải sản tuân thủ theo quy định của pháp luật Việt Nam và các quy định Quốc tế góp phần cùng cả nước quyết tâm gở cảnh báo “thẻ vàng”, bảo vệ nguồn lợi thủy sản và phát triển nghề cá trong thời gian đến; đồng thời từ hoạt động tuyên truyền cũng đã góp phần đáng kể làm giảm tình trạng tàu cá và ngư dân xâm phạm vùng biển nước ngoài qua từng năm, cụ thể: năm 2018, xảy ra 06 vụ/09 tàu cá/63 lao động; năm 2019, xảy ra 05 vụ/06 tàu cá/40 lao động; năm 2021, xảy ra 04 vụ/04 tàu cá/38 lao động; năm 2022, xảy ra 03 vụ/04 tàu cá/24 lao động; năm 2023 xảy ra 01 vụ/01 tàu cá/07 lao động; từ tháng 01/2024 đến tháng 8/2024, chưa xảy ra trường hợp nào vi phạm và so với giai đoạn 2011 - 2017 giảm 32 vụ, 46 tàu, 527 lao động.
Để thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 32-CT/TW, ngày 10/4/2024 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định và phát triển bền vững ngành thủy sản, Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị, địa phương triển khai thực hiện tốt một số nội dung: (1) Tổ chức quán triệt, tuyên truyền sâu rộng Chỉ thị số 32-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng, Chỉ thị số 30-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy (khóa XIII) đến cán bộ, đảng viên, doanh nghiệp và Nhân dân; (2) Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình hành động số 60-CTr/TU, ngày 18/01/2019 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) về chiến lược phát triển kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045; (3) Tăng cường quản lý nhà nước trong công tác chống khai thác IUU, trong đó chú trọng việc thường xuyên rà soát, thống kê số lượng tàu cá và cập nhật cơ sở dữ liệu tàu cá quốc gia; tăng cường quản lý tàu cá, tàu công vụ thủy sản, cảng cá, đội tàu, xử lý dứt điểm tình trạng tàu cá không giấy phép, không đăng ký, không đăng kiểm; thực hiện nghiêm việc xác nhận, chứng nhận và truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác; đầu tư công cụ, phương tiện cho các lực lượng chức năng thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm; tăng cường tập huấn, đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn, năng lực, ý thức trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ; chú trọng bảo tồn, bảo vệ, phát triển nguồn lợi thuỷ sản; phát triển ngành thủy sản phải gắn với bảo đảm an sinh xã hội, sinh kế bền vững, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của ngư dân. Ngoài ra, Ban Dân vận Tỉnh ủy tiếp tục phối hợp tham mưu thực hiện có hiệu quả chương trình công tác dân vận “Cảnh sát biển đồng hành với ngư dân” trên địa bàn tỉnh tạo điều kiện để ngư dân tiếp tục “vươn khơi, bám biển” góp phần xây dựng thế trận quốc phòng, an ninh trên biển, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.