Thấm nhuần tư tưởng của Bác Hồ về công tác dân vận, dân vận khéo “...Lực lượng của dân rất to. Việc dân vận rất quan trọng. Dân vận kém thì việc gì cũng kém. Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”. Năm 2013, Ban Dân vận Tỉnh ủy đã tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy tổ chức Hội nghị biểu dương các điển hình tiên tiến trong công tác dân vận; tại Hội nghị, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đã có thư khen 60 tập thể và cá nhân tiêu biểu trong công tác dân vận. Tiếp nối mạch phong trào thi đua “Dân vận khéo” những năm tiếp theo, thực hiện sự chỉ đạo của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy; Ban Dân vận Tỉnh ủy đã tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Chỉ thị số 44-CT/TU, ngày 23/12/2013 về lãnh đạo đẩy mạnh phong trào thi đua “Dân vận khéo”.
Để Chỉ thị số 44-CT/TU, ngày 23/12/2013 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy đi vào thực tiễn, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị, các cấp ủy cần quan tâm triển khai, quán triệt Chỉ thị tới lãnh đạo các ban, ngành, đoàn thể, lực lượng vũ trang và các tổ chức đảng trực thuộc; cùng với việc quán triệt, các cấp ủy đảng xây dựng kế hoạch chỉ đạo triển khai thực hiện; chỉ đạo triển khai nhân rộng điển hình “Dân vận khéo” trong các khu dân cư; nếu xét thấy cần thiết thì có thể thành lập Ban chỉ đạo thực hiện “Dân vận khéo” cấp huyện, cấp xã. Các sở, ban, ngành, Mặt trận, các đoàn thể căn cứ vào chức năng nhiệm vụ cụ thể hóa nội dung chỉ thị; xây dựng kế hoạch truyên truyền, vận động, tổ chức phát động các phong trào thi đua yêu nước gắn với thực hiện phong trào “Dân vận khéo”, thu hút đông đảo cán bộ, công chức, viên chức, chiến sỹ lực lượng vũ trang tích cực hưởng ứng, tham gia. Nội dung phong trào thi đua “Dân vận khéo” triển khai ở tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội; song tập trung nhất, nổi rõ nhất là các lĩnh vực sau đây:
- Trên lĩnh vực kinh tế: Tập trung tuyên truyền, vận động nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa; mạnh dạn ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, phát triển nông nghiệp bền vững, gắn với xây dựng nông thôn mới, thực hiện tốt chủ trương bê tông hóa đường giao thông nông thôn, phát triển kinh tế hạ tầng, nuôi trồng thủy hải sản, làng nghề ở nông thôn, xây dựng mô hình chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật; vận động thu hồi đất, giải phóng mặt bằng phục vụ dự án cải tạo, mở rộng Quốc lội 1A, hiến đất làm đường giao thông, kênh mương thủy lợi.
- Trên lĩnh vực văn hóa, xã hội: Không ngừng đổi mới nội dung, phương thức vận động với phương châm vừa bảo đảm tính đa dạng, phong phú, vừa linh hoạt, kiên trì; nâng cao nhận thức, kiến thức cho người dân về chăm sóc sức khỏe, sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình, phòng chống dịch bệnh, xóa bỏ các tập tục, thói quen lạc hậu ảnh hưởng đến sức khỏe, môi trường sống. Xây dựng, nhân rộng việc đăng ký và thực hiện các mô hình thôn - khu phố “Không có tệ nạn xã hội”, “Không có ma túy”, “Không sinh con thứ ba”, xây dựng cơ quan, đơn vị, dòng tộc, gia đình văn hóa; xã hội hóa giáo dục và khuyến học, khuyến tài, nâng cao dân trí.
- Trên lĩnh vực quốc phòng an ninh: Tập trung vào phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; tăng cường phòng, chống tội phạm; đảm bảo trật tự an toàn giao thông.
- Trên lĩnh vực xây dựng hệ thống chính trị: Các cấp ủy, tổ chức đảng nghiêm túc quán triệt, chỉ đạo và triển khai thực hiện Nghị quyết số 25 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về tăng cường và đổi mới công tác dân vận của Đảng trong tình hình mới; củng cố, kiện toàn bộ máy, tăng cường vai trò, trách nhiệm cán bộ làm công tác dân vận theo Quyết định số 290-QĐ/TW, ngày 25/02/2010 của Bộ Chính trị và Quyết định số 2898-QĐ/TU, ngày 16/7/2010 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về Quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị.
Chính quyền các cấp tăng cường công tác dân vận, phối hợp với Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội thực hiện chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước, mở rộng các kênh đối thoại với nhân dân trong việc góp ý dự thảo các văn bản luật, văn bản quy phạm pháp luật, các quy định của chính quyền trên các lĩnh vực có ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất và đời sống của nhân dân. Triển khai thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, tạo điều kiện cho nhân dân, cán bộ, công chức tham gia góp ý xây dựng chính quyền; quan tâm chỉ đạo giải quyết những vấn đề chính đáng của nhân dân; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tiếp tục thực hiện mô hình “Một cửa”, “Một cửa liên thông”, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho nhân dân khi làm các hồ sơ, thủ tục, đồng thời phòng chống tiêu cực, nhũng nhiễu.
Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội vận động, chỉ đạo xây dựng các mô hình gắn với hoạt động và các phong trào thi đua của mỗi đoàn thể ở từng địa phương, đơn vị. Đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, tăng cường hướng về cơ sở, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng chính đáng và bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đoàn viên, hội viên; kiến nghị giải quyết những vấn đề bức xúc nảy sinh từ cơ sở; giúp đỡ, tạo điều kiện cho đoàn viên, hội viên tham gia vào các chương trình phát triển kinh tế, xã hội, giúp nhau xóa đói giảm nghèo, làm giàu chính đáng. Xây dựng các mô hình gắn với phong trào thi đua “Chung sức, chung lòng xây dựng nông thôn mới”.
Việc đẩy mạnh thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo” phải bám sát nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị; xuất phát từ lợi ích, nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của nhân dân, kết hợp hài hòa lợi ích nhà nước và nhân dân, trong đó suy cho cùng lợi ích của nhà nước cũng chính là lợi ích của nhân dân và nhân dân cũng phải lấy lợi ích của đất nước, của cộng đồng làm trọng. Để triển khai thực hiện có hiệu quả phong trào cần xác định rõ mục tiêu, yêu cầu, nội dung, phương pháp triển khai và xem đây là việc làm thường xuyên của hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của cấp ủy đảng và được cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và nhân dân đồng tình hưởng ứng.