Nói về bệnh xa dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh trong quá trình cùng Đảng lãnh đạo cách mạng, đã chỉ rõ biểu hiện của nó là xem khinh việc dân vận “gặp dân chúng thì không điều tra, không hỏi han, không tuyên truyền, không giải thích. Xem như dân chúng không có quan hệ gì với mình. Thấy những việc có hại đến dân chúng cũng mặc kệ, không khuyên răn, không ngăn cản, không giải thích”. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định “quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân” và Người thường xuyên huấn thị, nhắc nhở cán bộ “Kinh nghiệm làm cách mạng là phải gần gũi quần chúng. Nếu xa quần chúng thì không làm được việc gì”. Cả cuộc đời cách mạng, Người một lòng, một dạ vì dân, vì nước, làm nhiệm vụ nào Người cũng chỉ biết có dân, dành thời gian đi cơ sở gần gũi với dân, chăm lo, mong cho toàn dân ấm, toàn dân no, mọi người được học hành; Người là tấm gương mẫu mực cho toàn Đảng, toàn dân noi theo.
Đảng ta luôn khẳng định “cách mạng là nghiệp của dân, do dân, vì dân”; Đảng với dân như cá với nước, như máu với thịt, luôn gắn chặt nhau, không thể tách rời được. Để tăng cường chăm lo, giáo dục xây dựng đội ngũ cán bộ có phong cách làm việc “sâu sát cơ sở, thường xuyên liên hệ mật thiết với nhân dân, Đảng đã ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị, quy định, quy chế để lãnh đạo; Nhà nước đã thể chế hóa nhiều văn bản quy phạm pháp luật quản lý đội ngũ cán bộ ngày càng chặt chẽ hơn. Đội ngũ cán bộ, đảng viên được giác ngộ cách mạng, phát huy tinh thần yêu nước, thương dân, không ngừng rèn luyện và cống hiến, làm hết trách nhiệm của mình với Đảng, với dân. Trong đấu tranh bảo vệ Tổ quốc cũng như trong thời kỳ đổi mới, Đảng ta luôn biết dựa vào dân, thường xuyên học hỏi kinh nghiệm của dân, bám đất, bám làng, đi sâu, đi sát vào quần chúng, tắm mình trong phong trào quần chúng để nắm bắt kịp thời những tâm tư, nguyện vọng của quần chúng và đề đạt, hoạch định những chủ trương mới, những quyết định sát đúng, thiết thực, kịp thời đáp ứng những nhu cầu phát triển theo quy luật khách quan của cuộc sống, của xã hội; thường xuyên tuyên truyền, giải thích, bàn bạc, hướng dẫn, giúp nhân dân hiểu và thi hành tốt các chủ trương, đường lối lãnh đạo đúng đắn của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Đất nước được như ngày hôm nay, Đảng và nhân dân luôn ghi nhận công lao to lớn của những cán bộ, đảng viên đã một lòng vì Đảng, vì dân, tất cả vì nhân dân quên mình, vì nhân dân phục vụ.
Vậy mà hôm nay, trong cán bộ, đảng viên chúng ta, có đồng chí còn để bị mắc chứng bệnh “xa dân”. Nghị quyết hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương (khóa XI) về tăng cường và đối mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới đã thẳng thắn chỉ rõ “… tệ quan liêu, tham nhũng, xa dân, xâm phạm quyền làm chủ của nhân dân, làm giảm lòng tin của nhân dân đối với Đảng, là thách thức đối với mối quan hệ giữa dân với Đảng”. Nói về bệnh xa dân, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Huỳnh Văn Tí trong các lần chủ trì các hội nghị đã thường xuyên nhắc nhở, chỉ đạo cấp ủy, lãnh đạo các cơ quan, đơn vị trong tỉnh quan tâm chăm lo, giáo dục đội ngũ cán bộ, không để cán bộ “xa dân” làm ảnh hưởng đến tổ chức, đến Đảng, suy giảm lòng tin của nhân dân đối với cán bộ.
Ai cũng thấy rằng cán bộ, đảng viên đều là con của dân và là người của Đảng. Đó là những người ưu tú, đã được sàng lọc, chọn lựa đưa vào công tác trong các cơ quan Đảng, chính quyền, đoàn thể, ăn lương của dân để phục vụ tổ chức, phục vụ nhân dân. Nghĩa là, tất cả cán bộ, công chức đều là công bộc, là đầy tớ trung thành của dân.
Vậy nguyên nhân nào dẫn đến bệnh xa dân ? Phải chăng, trong điều kiện ngày nay với những phương tiện hiện đại phục vụ cho công việc, có người còn có tư tưởng ỷ lại, bằng lòng với bộ máy, tranh thủ yên vị ở bàn làm việc, ở văn phòng, lười biếng không cần đi cơ sở, gần gũi, tiếp xúc với nhân dân; phải chăng có đồng chí chưa học và làm theo tấm gương đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh, chưa nghiên cứu kỹ và thực hiện đúng các chủ trương, Nghị quyết của Đảng về công tác dân vận, chưa thật sự tu dưỡng rèn luyện đạo đức, tác phong làm việc, lao động để giữ mình trong sạch, sa vào chủ nghĩa cá nhân, cơ hội, thực dụng, chạy theo danh lợi, tiền tài, kèn cựa địa vị, cục bộ, tham nhũng, lãng phí, tùy tiện, vô nguyên tắc… Bệnh xa dân chỉ nảy sinh trong một số ít cán bộ nhưng có ảnh hưởng rất nghiêm trọng, làm rạn nứt mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân mà lớp thế hệ cách mạng trước dày công vun đắp.
Từ xưa đến nay, quần chúng nhân dân không bao giờ tin cậy và yêu mến cán bộ có tư cách quan liêu, xa dân. Cho nên, mỗi người cần phải luôn luôn ghi nhớ và thường xuyên tự hỏi mình, tự kiểm điểm mình, xây dựng phong cách làm việc mới, khoa học và có hiệu quả, phải thật sự “trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với dân”; đó là yêu cầu không những của lịch sử, của cuộc sống hôm nay mà là yêu cầu của tương lai hay nói cách khác đó là yêu cầu tất yếu, quyết định sự thành công của cách mạng Việt Nam.
Trần Xuân Đông