Tánh Linh là một huyện miền núi của tỉnh Bình Thuận, gồm 13 xã và 01 thị trấn; tổng số dân là 104.092 khẩu/23.232 hộ, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số có 2.481hộ/11.696 khẩu, gồm 13 thành phần dân tộc (đông nhất là K'ho, Chăm, Chơ-ro) định canh định cư tại 12 thôn xen ghép của 6 xã, 01 thị trấn và 01 xã thuần đồng bào dân tộc thiểu số K'ho (xã La Ngâu). Trước khi có Nghị quyết 04 của Tỉnh ủy, đồng bào sống chủ yếu bằng nghề làm nông, phát nương làm rãy, trình độ sản xuất lạc hậu, đời sống còn rất nhiều khó khăn, thu nhập bình quân đầu người rất thấp (62.000đ/tháng/người); an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trong vùng từng lúc, từng nơi còn diễn biến phức tạp, nhiều hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan còn tồn tại, làm ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào, kiềm hãm sự phát triển chung của địa phương.
Thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/TU, ngày 27/5/2002 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa X) về xây dựng và phát triển toàn diện dân sinh, kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số; Huyện uỷ Tánh Linh đã ban hành Nghị quyết số 11-NQ/HU để triển khai thực hiện Nghị quyết 04 trong toàn huyện; đồng thời tổ chức Hội nghị quán triệt các Nghị quyết nói trên cho cấp uỷ cơ sở xã, thị trấn, đảng bộ trực thuộc, lãnh đạo các cơ quan, ban ngành, Mặt trận, các đoàn thể trong huyện. Theo đó, từng cơ quan, đơn vị đã chủ động xây dựng chương trình hành động, kế hoạch cụ thể để triển khai thực hiện, đưa chủ trương của Đảng, Nhà nước vào cuộc sống. Kết quả qua hơn 10 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 04 của Tỉnh ủy, tình hình đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số trong huyện ngày càng được nâng lên rõ rệt, nhiều hộ vươn lên làm giàu, mua sắm được các phương tiện phục vụ nhu cầu đời sống, nhà cửa kiên cố hóa, an ninh chính trị được giữ vững, góp phần làm thay đổi đáng kể bộ mặt nông thôn miền núi trong huyện. Nổi rõ nhất là:
- Về phát triển kinh tế: Đến nay toàn huyện đã cấp 2.845ha đất sản xuất cho 2.481 hộ đồng bào dân tộc thiểu số (đạt 100%), bình quân 1,15 ha/hộ; giao khoán được 14.726 ha rừng cho 376 hộ đồng bào dân tộc thiểu số quản lý, bảo vệ; đã giải ngân được 1.772 triệu đồng cho 220 hộ vay mua 354 con bò cái sinh sản, tạo điều kiện cho đồng bào dân tộc thiểu số từng bước phát triển sản xuất, có thu nhập, ổn định đời sống.
Công tác chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật được chú ý nên nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số đã biết áp dụng vào trồng trọt, chăn nuôi; sản xuất lúa nước từ 2 - 3 vụ/năm, phát triển trồng bắp lai, điều, cây thanh long, cây cao su... phù hợp với thổ nhưỡng của từng vùng, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Mặt khác, thực hiện chính sách của tỉnh về đầu tư ứng trước vật tư, giống, lương thực, các mặt hàng thiết yếu và bao tiêu sản phẩm cho đồng bào dân tộc; huyện đã đầu tư ứng trước, hỗ trợ giá, trợ cước với tổng trị giá trên 10 tỷ đồng giúp vốn, cây giống, tiêu thụ sản phẩm... cho trên 25.737 lượt hộ. Ngoài ra, huyện còn chỉ đạo thực hiện lồng ghép các chương trình dự án khác cùng Chương trình 135 để xây dựng kết cấu hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất, an sinh xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Nhờ triển khai tập trung và đồng bộ các chương trình, nên kinh tế vùng đồng bào dân tộc thiểu số trong huyện đã có sự chuyển biến tích cực. Tỷ lệ hộ nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu theo chuẩn mới giảm đáng kể (từ 58,554% năm 2005 xuống còn 22,08% năm 2012).
- Về văn hóa - xã hội: Phong trào văn hoá - văn nghệ, thể dục - thể thao được duy trì và phát triển; nhất là phong trào “Toàn dân xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, đến nay có 12/12 thôn, bản có đồng bào dân tộc thiểu số đăng ký thôn, bản văn hóa, 1.195/2.481 hộ đạt gia đình văn hóa; có 12/12 nhà văn hóa thôn, bản thuộc các xã có đồng bào dân tộc thiểu số có hệ thống loa truyền thanh; đã tổ chức phục vụ gần 3.000 buổi chiếu phim lưu động, biểu diễn gần 100 buổi văn nghệ, thu hút hàng ngàn lượt người xem, phục vụ tốt hơn đời sống văn hoá tinh thần cho đồng bào. Đặc biệt, huyện đã tạo điều kiện tổ chức các lễ, tết truyền thống của đồng bào như: Tết Ramưwan của người Chăm, tết Đầu lúa của người K'ho... góp phần gìn giữ, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số trong huyện nói riêng, tỉnh nói chung.
Hệ thống giáo dục vùng đồng bào dân tộc thiểu số trong huyện tiếp tục được củng cố và phát triển ở tất cả các cấp học. Chất lượng dạy và học được nâng lên, tỷ lệ huy động học sinh trong độ tuổi đến trường ngày càng tăng. Hiện có 2.976 em học sinh từ Mầm non đến Trung học cơ sở (tăng 1.221 em so với năm 2003), có 149 lớp từ Mầu non đến Trung học cơ sở, đạt chỉ tiêu đề ra, có 15 giáo viên là người dân tộc thiểu số trực tiếp dạy cho con em đồng bào trong huyện; đặc biệt La Ngâu là xã thuần đồng bào dân tộc K'ho đã đạt chuẩn quốc gia về phổ cập giáo dục tiểu học và chống mù chữ. Huyện uỷ Tánh Linh tiếp tục chọn cử 23 em là người dân tộc thiểu số trong huyện đi đào tạo các trường Đại học, cao đẳng.
Công tác chăm sóc sức khoẻ cho đồng bào dân tộc thiểu số được chú ý, cơ sở vật chất, trang thiết bị và đội ngũ cán bộ y tế được tăng cường, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu khám, chữa bệnh ban đầu của đồng bào. Đến nay, các trạm y tế ở 8 xã, thị trấn có đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống được đầu tư khá đầy đủ trang thiết bị khám, chữa bệnh ban đầu; 3/8 trạm y tế đã có bác sĩ, 8/8 trạm y tế có nữ hộ sinh hoặc y sĩ sản nhi và đã đạt chuẩn Quốc gia về y tế; 93% trẻ em được tiêm phòng 6 bệnh truyền nhiễm.
Thực hiện chủ trương xoá nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, 10 năm qua huyện đã hỗ trợ sửa chữa, xây mới 1.413 căn nhà cho hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số với kinh phí trên 12 tỷ đồng từ nguồn vốn Chương trình 134 của Chính phủ, ngân sách tỉnh, huyện, vượt kế hoạch đề ra 528 căn.
Phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số được cấp uỷ, chính quyền các cấp quan tâm chỉ đạo thường xuyên, nhất là xây dựng lực lượng dân quân tự vệ tại chỗ là người dân tộc thiểu số, xây dựng tổ tự quản, xây dựng cốt cán chính trị... đã góp phần giữ vững tình hình an ninh chính trị, trật tự và an toàn xã hội trên địa bàn huyện trong thời gian qua.
- Về công tác xây dựng hệ thống chính trị: Thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TU và Nghị quyết số 05-NQ/TU của Tỉnh uỷ (khoá X) về đổi mới và nâng cao chất lượng hệ thống chính trị ở cơ sở; về xây dựng đội ngũ cán bộ dân tộc thiểu số; Huyện uỷ đã chỉ đạo các ngành, các cấp uỷ xã, thị trấn tiến hành rà soát, nắm nhu cầu bổ sung cán bộ cho các xã, thị trấn trong huyện, trong đó chú ý các xã thuần và các xã có thôn xen ghép đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Qua sắp xếp, bố trí, đào tạo và bồi dưỡng, đến nay hệ thống chính trị ở 8 xã, thị trấn có đồng bào dân tộc thiểu số đã được củng cố, tăng cường. Đội ngũ cán bộ, công chức đã làm việc tương đối ổn định, hiệu quả công việc được nâng dần; đặc biệt số cán bộ trẻ được đào tạo căn bản đã dần phát huy năng lực qua công tác thực tiễn; đội ngũ cán bộ chủ chốt từng bước thể hiện được vai trò, năng lực trong lãnh đạo, điều hành công việc. Công tác xây dựng tổ chức Đảng, bồi dưỡng phát triển đảng viên mới trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số được quan tâm; đến nay, 8/8 xã, thị trấn đã có chi bộ, đảng bộ cơ sở;
Tuy nhiên, quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết cũng nhiều vấn đề cần tiếp tục quan tâm thực hiện, đó là: Kết quả xây dựng phát triển toàn diện dân sinh, kinh tế - xã hội chuyển biến chưa mạnh, đời sống của một bộ phận đồng bào còn nhiều khó khăn; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội ở nhiều nơi chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển sản xuất và đời sống chung của địa phương; tỷ lệ hộ nghèo còn cao (22,08%), nguy cơ tái nghèo còn lớn; mặt bằng văn hoá, giáo dục, y tế, thể dục thể thao còn thấp so với mức bình quân chung của huyện. Hệ thống chính trị ở cơ sở chưa mạnh, một số cán bộ năng lực, trình độ chưa đáp ứng yêu cầu công việc; an ninh trật tự, an toàn xã hội ở một số nơi còn tiền ẩn những yếu tố phức tạp, dễ gây mất ổn định. Một bộ phận đồng bào còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại sự hỗ trợ của Nhà nước, chưa nỗ lực cố gắng vươn lên để thoát nghèo.
Trường Sáng