Từ khi thành lập đến nay, xuyên suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn xác định tập trung dân chủ là nguyên tắc cơ bản trong xây dựng tổ chức, sinh hoạt và hoạt động của Đảng và được nêu rõ trong các Cương lĩnh, Điều lệ Đảng, các Nghị quyết Đại hội của Đảng. Đây là nguyên tắc quan trọng nhất bảo đảm cho sự thống nhất ý chí và hành động, phát huy sức mạnh của tập thể, sức mạnh của khối đoàn kết, tạo nên sức mạnh của một Đảng cách mạng. Đây cũng là nguyên tắc để phân biệt chính Đảng cầm quyền của giai cấp công nhân với các đảng phái khác; nhưng cũng là điểm mà các thế lực thù địch triệt để lợi dụng nhằm công kích, phủ nhận, triệt tiêu vai trò lãnh đạo của các Đảng cộng sản.
Nguyên tắc tập trung dân chủ là sự kết hợp hài hòa giữa 02 mặt “tập trung” và “dân chủ”, tạo thành chỉnh thể thống nhất của một nguyên tắc. Dân chủ là điều kiện, là tiền đề của tập trung, cũng như tập trung là cơ sở, là cái bảo đảm cho dân chủ được thực hiện.
Chủ tịch Hồ Chí Minh là tấm gương mẫu mực về thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ. Trong công tác lãnh đạo Đảng và Nhà nước, Người luôn có ý thức sử dụng sức mạnh tổng hợp của nhiều cơ quan, nhiều tổ chức, tập thể và đặc biệt là sức mạnh của quần chúng, nhân dân. Người thường đi xuống dân để lắng nghe ý kiến của quần chúng, chứ không phải để huấn thị. Khi quyết định một công việc gì, từ việc lớn đến việc nhỏ, Người đều đưa ra thảo luận trong tập thể, tham khảo ý kiến của những người xung quanh, tuân thủ chặt chẽ quy trình ra quyết định, yêu cầu phải thật sự mở rộng dân chủ để tất cả đảng viên bày tỏ hết ý kiến của mình, sao cho mọi chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước được cân nhắc kỹ, lựa chọn cẩn thận để sau khi ban hành ít phải thay đổi, bổ sung. Người giải thích: Tập thể lãnh đạo là dân chủ. Cá nhân phụ trách, tức là tập trung. Tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách, tức là dân chủ tập trung. Người chỉ rõ: trong lãnh đạo, các cấp bộ đảng phải thực hiện nguyên tắc tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách, mọi việc đều bàn bạc một cách dân chủ và tập thể. Khi đã quyết định rồi thì phân phối công tác phải rạch ròi, giao cho một hoặc mấy đồng chí phụ trách làm đến nơi, đến chốn. Người khẳng định: Nước ta là nước dân chủ, quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân. Cho nên, bất cứ việc gì đều phải bàn bạc với dân, hỏi ý kiến và kinh nghiệm của dân, cùng với dân đặt kế hoạch cho thiết thực với hoàn cảnh địa phương, rồi động viên và tổ chức toàn dân ra thi hành. Người khuyên rằng “Có dân chủ mới làm cho cán bộ và quần chúng đề ra sáng kiến” và “Thực hành dân chủ là cái chìa khóa vạn năng có thể giải quyết mọi khó khăn”. Trước khi đi gặp cụ Các Mác, Lê-nin và các bậc tiền bối, Người không quên viết mấy lời trong bản Di chúc mong muốn “Trong Đảng thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên và chấn chỉnh tự phê bình và phê bình là cách tốt nhất để củng cố và phát triển sự đoàn kết và thống nhất của Đảng. Phải có tình đồng chí thương yêu nhau”.
Việc thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ hiện nay có nhiều chuyển biến tiến bộ. Đảng, Quốc hội, Chính phủ ban hành nhiều chủ trương, chính sách, văn bản pháp luật để thực hiện dân chủ trong nội bộ Đảng, cơ quan hành chính, sự nghiệp, lực lượng vũ trang, cơ sở xã, phường, thị trấn và các loại hình doanh nghiệp; Cương lĩnh, Điều lệ, Nghị quyết của Đảng được tổ chức lấy ý kiến của đảng viên và tổ chức đảng từ cơ sở lên. Hiến Pháp được tổ chức lấy ý kiến rộng rãi trong toàn dân; sinh hoạt của các cấp ủy và tổ chức đảng, chính quyền, đoàn thề được tiến hành dân chủ, cởi mở hơn, nhiều nơi tăng cường các hoạt động giao ban, tọa đàm, tiếp xúc, đối thoại trực tiếp giữa cán bộ chủ chốt với đảng viên, đoàn viên, hội viên và nhân dân; thực hiện công khai, dân chủ công tác bầu cử, quy hoạch, đánh giá, bố trí, sử dụng và xử lý các tổ chức, cá nhân cán bộ, đảng viên vi phạm kỷ luật; tình trạng tùy tiện, thiếu ý thức tổ chức kỷ luật, mất đoàn kết nội bộ được chấn chỉnh kịp thời; tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí trên một số lĩnh vực, một số nơi từng bước được kiềm chế. Quyền dân chủ của nhân dân được tiếp tục phát huy…
Thực tế đã minh chứng, nơi nào, khi nào thực hiện đúng đắn các nguyên tắc tập trung dân chủ thì ở nơi đó, khi đó lòng tin trong cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên, nhân dân được tăng cường, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, tình trạng quan liêu, tham nhũng, lãng phí sẽ được hạn chế. Lịch sử cho thấy, trải qua hơn 80 năm phấn đấu, xây dựng và trưởng thành, Đảng ta đã lãnh đạo thực hiện nhất quán nguyên tắc tập trung dân chủ, đề ra các chủ trương, đường lối chính sách đúng đắn, hợp lòng dân đã thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân đi theo Đảng làm được nhiều thắng lợi vĩ đại trong sự nghiệp cách mạng và những thành tựu trong giai đoạn đổi mới đất nước. Trong khi đó, các đảng cộng sản ở Đông Âu và Liên Xô đã sai lầm, vi phạm nghiêm trọng nguyên tắc tập trung dân chủ là một trong những nguyên nhân làm sa sút sức chiến đấu của Đảng, làm tan rã Đảng về mặt tổ chức.
Song, quá trình thực hiện, không thể không tránh khỏi những thiếu sót, khuyết điểm. Trong văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Đảng ta đã thẳng thắn chỉ rõ “Quyền làm chủ của nhân dân ở một số nơi, trên một vài lĩnh vực còn bị vi phạm. Việc thực hành dân chủ còn mang tính hình thức; có tình trạng lợi dụng dân chủ gây chia rẻ, làm mất đoàn kết nội bộ, gây rối, ảnh hưởng đến trật tự, an toàn xã hội”. Nghị quyết 12 Hội nghị Trung ương 4 của Ban Chấp hành Trung ương (Khóa XI) về một số vấn đề cấp cách về xây dựng Đảng hiện nay, tiếp tục xác định “Các nguyên tắc tập trung dân chủ, tự phê bình và phê bình nhiều nơi vừa bị buông lỏng trong thực hiện, vừa chưa được quy định cụ thể để làm cơ sở cho công tác kiểm tra, giám sát” là một trong những nguyên nhân chủ quan chủ yếu làm cho công tác xây dựng Đảng hạn chế, yếu kém, làm giảm sút lòng tin của nhân dân với Đảng, nếu không được sửa chữa sẽ là thách thức đối với vai trò lãnh đạo của Đảng và sự tồn vong của chế độ. Phải chăng, từ vấn đề thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ chưa tốt mà các thế lực thù địch đã lợi dụng để thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” nhằm chống phá, chia rẻ nội bộ Đảng, phá hoại mối quan hệ gắn bó giữa Đảng với nhân dân, làm cho đất nước ta rơi vào trạng thái mất ổn định.
Trong bức tranh chung của thế giới và sự phát triển của đất nước ta hiện nay, chúng ta cần phải đặt trọn niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng ta; mỗi người cần tự hỏi lại mình đã làm được gì cho dân, cho Đảng, và trước hết cần gương mẫu thực hiện tốt nguyên tắc tập trung dân chủ trong cơ quan, tổ chức, địa phương nơi mình công tác và nơi cư trú, góp phần làm cho Đảng vững mạnh hơn để lãnh đạo xây dựng cuộc sống nhân dân ngày càng tốt đẹp hơn.
Trần Xuân Đông