Tỉnh Bình Thuận có 34 dân tộc thiểu số với 95.914 người/21.271 hộ gia đình, chiếm 7,54% so với dân số toàn tỉnh; tập trung chủ yếu ở 17 xã thuần và 33 thôn xen ghép dân tộc thiểu số (DTTS). Trong những năm qua, Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, UBND tỉnh đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách nhằm xây dựng và phát triển toàn diện dân sinh, kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS trong tỉnh. Với sự nỗ lực, chung sức của các cấp, các ngành và nhân dân trong tỉnh, tình hình kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã có sự chuyển biến rõ rệt. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được tăng cường đầu tư, 100% xã có đường ô tô nhựa hoá đến trung tâm xã và có điện sinh hoạt, trạm y tế, trường học, nhà văn hoá, bưu điện văn hoá, trụ sở làm việc, hệ thống nước sinh hoạt tập trung. Công tác xóa đói giảm nghèo kết quả cao, đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào ngày càng cải thiện, tỷ lệ hộ nghèo từ 22,95% năm 2011 xuống còn 17,67% năm 2016 (theo chuẩn nghèo áp dụng giai đoan 2016 - 2020); chăm lo hỗ trợ giải quyết nhà ở cho hộ nghèo và cận nghèo. Hệ thống chính trị được quan tâm xây dựng và củng cố, từng bước nâng dần hiệu quả hoạt động, cơ bản đáp ứng yêu cầu lãnh đạo, quản lý, điều hành thực hiện các nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Tình hình an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội trong vùng được giữ vững, ý thức cảnh giác cách mạng của đồng bào được nâng lên; khối đại đoàn kết giữa các dân tộc tiếp tục được phát huy. Nhận thức của cán bộ cơ sở và đa số đồng bào đã có chuyển biến rất rõ trong cách nghĩ, cách làm, cố gắng tự lực vươn lên trong lao động sản xuất, khắc khục đáng kể tư tưởng trông chờ, ỷ lại.
Tuy nhiên, do xuất phát điểm về kinh tế - xã hội của vùng DTTS thấp, kinh tế phát triển chậm, tiểu thủ công nghiệp phát triển còn nhỏ lẻ, trình độ dân trí vẫn còn thấp, còn có sự chênh lệch trong phát triển giữa của các dân tộc; tỷ lệ hộ nghèo còn cao, kết quả giảm nghèo chưa vững chắc, đời sống của một bộ phận đồng bào DTTS còn khó khăn.
Để giải quyết tốt các vấn đề trên, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số trong tỉnh, cần: (1) tăng cường hơn nữa sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, tổ chức đảng; nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cả hệ thống chính trị đối với việc chăm lo phát triển vùng đồng bào DTTS. (2) tiếp tục tăng cường và đổi mới công tác dân vận, công tác dân tộc trong các cơ quan nhà nước; rà soát, ban hành và thực hiện tốt chính sách dân tộc, tạo điều kiện cơ hội để đồng bào các DTTS phát triển nhanh hơn, bền vững hơn. (3) đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội trong vùng đồng bào DTTS; phải học dân, nghe dân nói, hiểu được dân, nói dân hiểu, làm dân tin; hướng dẫn, giúp đỡ đồng bào học và tự làm, làm từ đơn giản đến phức tạp, từ việc nhỏ đến việc lớn, làm cho đến kết quả cuối cùng. (4) phối hợp chặt chẽ giữa công tác dân vận vùng đồng bào DTTS với công tác đối ngoại nhân dân trong bảo vệ an ninh quốc gia; đấu tranh chống âm mưu phá hoại của các thế lực thù địch. (5) chú trọng xây dựng, củng cố tổ chức bộ máy, đội ngũ cán bộ cơ sở. (6) thường xuyên kiểm tra, giám sát và định kỳ thực hiện việc sơ kết, tổng kết Chỉ thị số 49-CT/TW của Bộ Chính trị và Kế hoạch số 04-KH/TU, ngày 05/02/2016 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy.