Tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 30-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa VIII) và Kết luận số 120-KL/TW, ngày 08/01/2016 của Bộ Chính trị (khóa XII) về tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao chất lượng, hiệu quả việc xây dựng và thực hiện QCDC ở cơ sở. Trong những năm qua, Ban Thường vụ Tỉnh ủy và UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện phù hợp với tình hình cụ thể của địa phương; trọng tâm là tổ chức quán triệt, tuyên truyền, phổ biến rộng rãi các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước liên quan đến phát huy quyền làm chủ của nhân dân gắn với thực hiện phương châm "Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra" đến đảng viên, cán bộ, công chức và nhân dân. Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Chỉ thị số 14-CT/TU, ngày 27/7/2016 về tăng cường lãnh đạo việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở trên địa bàn tỉnh Bình Thuận; Công văn số 525-CV/TU, ngày 23/12/2016 về việc tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động gần dân, sát cơ sở; UBND tỉnh ban hành nhiều văn bản chỉ đạo thực hiện Nghị định số 04/2015/NQ-CP của Chính phủ và triển khai thực hiện Chỉ thị số 14-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Ngoài ra, UBND tỉnh thường xuyên chỉ đạo các sở, ban, ngành cấp tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác dân vận trong các cơ quan nhà nước các cấp; chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương, phong cách làm việc gần dân, sát cơ sở....Theo đó, các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận, đoàn thể các cấp đã xây dựng kế hoạch, chương trình hành động cụ thể để triển khai thực hiện.
Phải nói rằng, thực hiện quy chế dân chủ cơ sở đã trở thành nội dung thường xuyên trong hoạt động lãnh đạo, điều hành của các cấp, các ngành, trong nội bộ từng cơ quan, đơn vị và trong toàn thể nhân dân; nhất là trong thực hiện phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” trong xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, tham gia phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Một trong những kênh phát huy quyền làm chủ của người dân khá hiệu quả là thông qua hoạt động giám sát, phản biện xã hội, góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền của Mặt trận và các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội theo Quyết định số 217-QĐ/TW, số 218-QĐ/TW của Bộ Chính trị. Được biết, trong 2 năm 2015-2016 và 6 tháng đầu năm 2017, Mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội tỉnh đã thực hiện 33 cuộc giám sát tại UBND tỉnh và 15 sở, ngành; cấp huyện và xã, phường, thị trấn đã thực hiện 362 cuộc giám sát, tập trung vào công tác lãnh đạo, điều hành, quản lý nhà nước, thực hiện các chương trình mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, thực hiện chủ trương, chính sách an sinh xã hội...
Qua thực hiện quy chế dân chủ, phát huy quyền làm chủ của nhân dân; cấp ủy, chính quyền các cấp đã đổi mới đáng kể về phương pháp lãnh đạo, điều hành, nâng cao tinh thần trách nhiệm, kịp thời nắm bắt tình hình và quan tâm giải quyết những khó khăn, vướng mắc, bức xúc của nhân dân; lấy ý kiến góp ý, tham vấn ý kiến nhân dân đối với những chủ trương, chính sách, chương trình, dự án quan trọng trước khi ban hành, thực hiện; tạo được sự đồng thuận trong cán bộ, đảng viên, quần chúng nhân dân, tăng cường lòng tin của nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng, điều hành của chính quyền các cấp.
Từ kết quả thực hiện thời gian qua, có thể rút ra một số kinh nghiệm sau đây để phát huy tốt hơn quyền làm chủ của nhân dân tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền.
Một là, cấp ủy, chính quyền, nhất là người đứng đầu phải thật sự quan tâm và quyết tâm trong lãnh đạo, triển khai thực hiện. Phải xác định xây dựng Đảng là then chốt và phải dựa vào dân để xây dựng Đảng.
Hai là, trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai thực hiện nhiệm vụ chính trị cần phải bám sát các quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Ba là, tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của cấp ủy; chú ý sơ kết, tổng kết việc thực hiện quy chế dân chủ và công tác xây dựng Đảng để rút kinh nghiệm cho quá trình thực hiện. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội nâng cao chất lượng các hoạt động giám sát và phản biện xã hội.
Bốn là, chăm lo, củng cố xây dựng hệ thống chính trị các cấp trong sạch, vững mạnh; xây dựng đội ngũ cán bộ có phẩm chất đạo đức cách mạng, có trình độ, năng lực đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, được dân tin, dân yêu và là động lực để nhân dân tích cực tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền của dân, do dân và vì dân.
Năm là, phát huy quyền làm chủ của nhân dân đi đôi với giữ nghiêm kỷ luật, kỷ cương trong Đảng, trong xã hội./.