Trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế; bên cạnh những thành tựu và những thuận lợi thì cũng đã phát sinh nhiều vấn đề như khiếu kiện đông người kéo dài, đình công, biểu tình, bạo loạn, ..; nhiều vụ việc đã trở thành điểm nóng chính trị - xã hội, có lúc, có nơi trở nên nghiêm trọng, ảnh hưởng đến an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Để giải quyết điểm nóng và các vụ việc phức tạp nhằm ổn định tình hình; công tác dân vận của hệ thống chính trị có vai trò rất quan trọng.
Sau Hội nghị "trao đổi kinh nghiệm công tác dân vận trong giải quyết điểm nóng, vụ việc phức tạp" do Ban Dân vận Trung ương phối hợp với Ban Thường vụ thành ủy thành phố Hồ Chí Minh tổ chức vào tháng 9/2016; từ ý kiến trao đổi, tham luận của các đại biểu; Ban Dân vận Trung ương đã rút ra được nhiều bài học kinh nghiệm quan trọng. Sau đây xin chia sẻ một số kinh nghiệm để các đồng chí nghiên cứu, vận dụng:
Một là, vai trò lãnh đạo của cấp ủy Đảng là vô cùng quan trọng, từ việc thành lập Ban chỉ đạo, tham gia chủ trì của Thường trực cấp ủy, đến tổ chức thực hiện nhiệm vụ xuống dân, xuống địa bàn để giải quyết vấn đề. Tập trung cho công tác xây dựng lực lượng nòng cốt, cốt cán gắn với xây dựng đội ngũ cán bộ Đảng, cán bộ chính quyền, cán bộ dân vận gắn với dân, có trình độ, năng lực, đạo đức, tác phong tốt để đảm đương nhiệm vụ. Yêu cầu cao trách nhiệm của người đứng đầu, cần có chế tài, khung pháp lý cụ thể. Cần phải có cơ chế phối hợp kịp thời, linh hoạt, chắc chắn, hiệu quả nhằm giải quyết khi có vấn đề xảy ra.
Hai là, xác định đúng nguyên nhân chủ quan, nguyên nhân khách quan của vụ việc, đặc biệt là nguyên nhân chủ quan; đồng thời nắm chắc nội dung vụ việc để tham mưu biện pháp, giải pháp đúng, trúng, xử lý kịp thời, phù hợp.
Ba là, lựa chọn nội dung, vấn đề trọng tâm để xử lý, ưu tiên các vấn đề mang tính hợp pháp, chính đáng, nhạy cảm, vì cuộc sống của Nhân dân.
Bốn là, trong quá trình xử lý vụ việc, điểm nóng cần tập trung:
- Tuân thủ tuyệt đối sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng.
- Chú trọng và tập trung đầu tiên là công tác tuyên truyền pháp luật, vận động người dân theo chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
- Phải công khai, minh bạch, nếu sai phải mạnh dạn nhận lỗi với dân (đối thoại là phương thức quan trọng).
- Phải có phương pháp nắm địa bàn, cơ sở, nắm chắc đối tượng nhằm phân hóa đối tượng tốt - xấu.
- Công tác phối hợp phải thực chất, hiệu quả.
- Quan tâm đến các phương tiện truyền thông đại chúng (kể cả mạng xã hội) nhằm phục vụ công tác tuyên truyền, xử lý vụ việc cho hiệu quả.
Năm là, xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở vững mạnh; quan tâm đến vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng có đông đồng bào có đạo.
Về lâu dài, để giải quyết tốt điểm nóng, vụ việc phức tạp ở cơ sở các cấp, các ngành cần tiếp tục quan tâm thực hiện tốt 9 vấn đề lớn, đó là:
- Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng.
- Đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an sinh xã hội.
- Nâng cao năng lực, đạo đức, tác phong của đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức.
- Tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức, biện pháp, giải pháp xử lý điểm nóng, vụ việc phức tạp.
- Công tác phối hợp hành động hiệu quả (giữa các cấp, các ngành và địa phương, cơ sở) phải đồng bộ.
- Quan tâm đến thông tin, tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước; nâng cao trách nhiệm của bộ máy công quyền.
- Thường xuyên chia sẻ kinh nghiệm.
- Thường xuyên nghiên cứu, cập nhật thông tin để kịp thời sửa đổi, bổ sung các chính sách, pháp luật cho phù hợp với thực tiễn.
- Thận trọng, chắc chắn, đúng pháp luật, thấu tình, đạt lý trong việc xử lý các đối tượng ở vùng nhạy cảm./.