Thực hiện chủ trương của Đảng về phát triển nông nghiệp, nông thôn; những năm qua, kinh tế - xã hội vùng nông thôn ở Bình Thuận có nhiều khởi sắc, đời sống vật chất và tinh thần của nông dân được cải thiện rõ rệt, an ninh chính trị, trật tự xã hội được giữ vững. Tuy nhiên, quá trình đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn cũng xuất hiện nhiều vấn đề, nếu không được giải quyết tốt sẽ ảnh hưởng đến an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, trong đó có việc khiếu nại, tố cáo của nông dân.
Để bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của hội viên, nông dân; đồng thời hạn chế tình trạng khiếu kiện sai, khiếu kiện vượt cấp; qua 15 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 26/2001/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Chỉ thị số 22/2002/CT-UBBT của UBND tỉnh Bình Thuận, được sự tạo điều kiện của chính quyền các cấp, Hội Nông dân các cấp trong tỉnh đã phát huy khá tốt vai trò trong tham gia tuyên truyền pháp luật, hòa giải, giải quyết khiếu nại, tố cáo của nông dân. Các cấp hội nông dân trong tỉnh đã xây dựng và duy trì hoạt động của 36 Câu lạc bộ “Nông dân với pháp luật”, tổ chức 14.073 đợt tập huấn nghiệp vụ, trợ giúp pháp lý cho gần 190 ngàn lượt cán bộ hội, thành viên các tổ hoà giải, cộng tác viên Câu lạc bộ “Nông dân với pháp luật” của các cơ sở hội và hơn 6,48 triệu lượt hội viên, nông dân. Thông qua đó tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, trợ giúp pháp lý đến hội viên, nông dân những vấn đề có liên quan trực tiếp đến đời sống của nông dân như Luật khiếu nại, Luật tố cáo, Luật đất đai, Hôn nhân gia đình, các chính sách pháp luật về giải quyết đền bù, giải tỏa... Các cấp Hội Nông dân đã trực tiếp và tham gia hòa giải thành trên 13.000 vụ việc ở cơ sở; tham gia cùng các cấp chính quyền, các ngành liên quan tiếp gần 32.000 lượt công dân; tham gia giải quyết hơn 13.700 vụ việc khiếu nại, tố cáo... Điển hình như tham gia giải quyết tranh chấp đất đai giữa một số hộ dân xã Sông Bình với Công ty Đại Thành (Bắc Bình), vụ kiến nghị của 29 hộ dân bị thiệt hại hoa màu do kênh Bắc Tà Pao (Tánh Linh) làm ngập úng; phối hợp giải quyết mâu thuẫn giữa thanh niên thôn Phú Điền và thôn Lạc Trị của xã Phú Lạc (Tuy Phong); tuyên truyền, vận động nhân dân bàn giao mặt bằng để thực hiện dự án mở rộng, nâng cấp quốc lộ 1A, dự án Khu công nghiệp Sơn Mỹ 1, Hồ chứa nước Sông Dinh 3, đường 706B, Quốc lộ 55 nối dài....
Những kết quả nói trên đã thể hiện vai trò, vị trí của các cấp hội nông dân trong thực hiện chức năng đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của hội viên, nông dân; giải quyết kịp thời những khó khăn, bức xúc ngay tại cơ sở, góp phần giữ gìn an ninh, chính trị, trật tự xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Tuy nhiên, hoạt động của các cấp hội nông dân trong tỉnh còn thụ động trong tham mưu, đề xuất chính kiến bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của hội viên, nông dân; chưa thực sự làm tốt vai trò đại diện cũng như tạo điều kiện cho hội viên, nông dân tham gia giám sát quá trình công khai, minh bạch việc triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách liên quan đến nông dân, nông nghiệp, nông thôn, nhất là các công trình xây dựng nông thôn mới; công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, trợ giúp pháp lý, hoà giải mâu thuẫn trong nông dân chưa thường xuyên. Một số cán bộ, hội viên chưa nắm vững chủ trương, pháp luật, kỹ năng tuyên truyền, vận động còn hạn chế nên khó khăn, lúng túng khi tham gia phối hợp giải quyết khiếu nại, tố cáo của nông dân. Một bộ phận hội viên, nông dân nhận thức chưa đầy đủ quy định của pháp luật nên bị kích động, lôi kéo khiếu nại, tố cáo dây dưa, kéo dài; một số trường hợp đã được xem xét, giải quyết thấu đáo nhưng cố tình khiếu nại, tố cáo dây dưa, kéo dài, tụ tập đông người.
Để phát huy hơn nữa vai trò của tổ chức Hội nông dân; nâng cao hiệu quả trong tham gia giải quyết khiếu nại, tố cáo của nông dân, thời gian tới các cấp hội nông dân trong tỉnh cần nghiên cứu đề ra các giải pháp thiết thực, phù hợp để thực hiện; trong đó cần lưu ý các giải pháp sau:
Một là, phát huy đúng mức vai trò chủ động và phối hợp chặt chẽ với chính quyền các cấp, các ban, ngành liên quan trong việc tổ chức tiếp nông dân, phát huy dân chủ, đối thoại với nông dân; thường xuyên trao đổi thông tin trong công tác tiếp dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo của nông dân, nhất là những vụ việc liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nông dân.
Hai là, đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến những chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước có liên quan trực tiếp đến đời sống của hội viên, nông dân, nhất là những nội dung liên quan đến chủ trương xây dựng nông thôn mới; tăng cường hoạt động tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý giúp cán bộ, hội viên, nông dân nâng cao nhận thức, ứng xử phù hợp với pháp luật và tự giải quyết những mâu thuẫn tại cơ sở. Vận động hội viên, nông dân tham gia giám sát, phản ánh việc triển khai, thực hiện các chương trình dự án phát triển kinh tế, xã hội có liên quan đến quyền lợi hợp pháp, chính đáng của nông dân.
Ba là, xây dựng và duy trì hoạt động các Câu lạc bộ “Nông dân với pháp luật”, mạng lưới cộng tác viên, tuyên truyền viên pháp luật làm nòng cốt tại các thôn, khu phố để chuyển tải thông tin pháp luật đến nông dân; thường xuyên phối hợp bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng vận động, thuyết phục cho đội ngũ cán bộ hội các cấp, đặc biệt là cấp cơ sở và đội ngũ cộng tác viên, tuyên truyền viên. Tăng cường nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, bức xúc của hội viên, nông dân kiến nghị các cấp chính quyền giải quyết và là cơ sở để tham gia hoà giải mâu thuẫn trong nội bộ nông dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo của nông dân đúng pháp luật.