Người Raglai và K’ho ở Bình Thuận có dân số khá đông, đứng sau người dân tộc Kinh, Chăm, Hoa; tập trung đông nhất ở 4 xã Phan Tiến, Phan Điền, Phan Lâm, Phan Sơn của huyện Bắc Bình, thuộc tỉnh Bình Thuận. Dân tộc Raglai, K’ho có tín ngưỡng đa thần với quan niệm vạn vật hữu linh, các lực lượng tự nhiên đều được thần thánh hóa và thờ cúng với niềm tin tuyệt đối; trong đó, Tết Đầu lúa là một phong tục tập quán và lễ hội mang sắc thái riêng biệt, độc đáo của người Raglai, K’ho ở 4 xã vùng cao huyện Bắc Bình. Đây là nghi lễ dân gian truyền thống chính yếu gắn chặt với đời sống tâm linh, tín ngưỡng và niềm tin của người Raglai, K’ho từ hàng trăm năm nay, được lưu truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác, đến nay vẫn bảo tồn được những lễ nghi truyền thống chính yếu.
Tết Đầu lúa của đồng bào diễn ra với nhiều nghi lễ tổ chức theo chu trình khép kín gắn với cây lúa từ khi trỉa hạt, đâm chồi nẩy lộc, sinh trưởng, làm đòng, trổ bông, đơm hạt đến khi lúa chín và thu hoạch mang về nhà và đỉnh điểm của Tết là vào ngày 14, 15 tháng Chạp âm lịch hàng năm. Với hàng loạt các nghi thức Lễ nối tiếp, liên tục với tập tục trồng cây Lúa Mẹ. Theo tập tục, mỗi gia đình người Raglai, K’ho đều chọn một khoảnh đất nhỏ cao ráo trên rẫy để trồng Lúa Mẹ, khoảnh đất này được gọi là đất thiêng và hàng năm có thể thay đổi, di dời chỗ khác tùy theo sự lựa chọn của gia đình và từ cây Lúa Mẹ người ta có thể trỉa lúa con; cái đặc biệt là Lúa Mẹ chỉ trồng trên rẫy chứ không được trồng dưới ruộng nước; hiện nay người Raglai, K’ho đã áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp, nhưng đối cây Lúa Mẹ thì họ vẫn phải tuân thủ theo lối canh tác truyền thống được lưu truyền từ đời này sang đời khác. Điều này lý giải cho ta thấy vai trò, giá trị và ý nghĩa về mặt tinh thần, tín ngưỡng, tâm linh của cây Lúa Mẹ đối với đời sống của người Raglai, K’ho quan trọng đến mức nào. Có người lại kể rằng: “Tết đầu lúa là dịp để người Raglai, K’ho thể hiện sự tôn vinh niềm tin đối với cây Lúa Mẹ, cầu cho cây lúa không bị sâu bệnh, đơm bông trổ hạt, đem lại no ấm cho dân làng”. Trước đây, Tết Đầu lúa được tổ chức ở từng hộ gia đình và kéo dài gần 2 tháng, gây tốn kém nhiều thời gian, tiền của. Trong quá trình đổi mới, Đảng, Nhà nước quan tâm đầu tư mở rộng các hệ thống thủy lợi, đem nước về tận nơi sản xuất; bà con đã chuyển sang sản xuất lúa nước vừa ngắn ngày, vừa mang lại năng suất cao nên một số nghi thức được bà con tiếp thu và đổi mới; Tết chỉ diễn ra trong 2 ngày 14, 15 tháng chạp như nói trên và trở thành ngày Hội văn hóa thể thao chung của người Raglai, K’ho 04 xã vùng cao huyện Bắc Bình. Trong những ngày diễn ra lễ hội, các đoàn tham dự đã dựng cây nêu, cắm trại và tổ chức các hoạt động văn hóa văn nghệ đậm nét truyền thống; phần hội diễn ra với nhiều môn thi và trò chơi khá hấp dẫn, lôi cuốn như: Thi đi cà kheo, bắn nỏ, gùi nước về làng, nấu cơm ống tre, thi dựng cây nêu và biểu diễn trang phục dân tộc… Hàng năm, 4 xã Phan Tiến, Phan Điền, Phan Lâm, Phan Sơn luân phiên nhau đăng cai tổ chức Tết Đầu lúa với nhiều hoạt động, lễ hội phù hợp với điều kiện và truyền thống dân tộc. Có thể thấy rằng Tết Đầu lúa giờ đây không chỉ là cái Tết đón chào hạt lúa mới, gói gọn trong từng gia đình, mà đã trở thành một ngày hội đoàn kết của bà con 04 xã vùng cao huyện Bắc Bình và thu hút sự tham gia của đông đảo người dân, du khách đến tìm hiểu, nghiên cứu nét văn hóa đặc trưng của đồng bào nơi đây.