Tại Hội thảo, các đại biểu đã đánh giá phân tích những kết quả đạt được trong việc triển khai, nhân rộng các mô hình “Gia đình hiếu học”, “Dòng tộc hiếu học”, “Cộng đồng học tập” và “Đơn vị học tập” tại địa phương; đến nay, toàn tỉnh đã có 10/10 huyện, thị xã, thành phố triển khai, nhân rộng 04 mô hình trên đến cấp xã, dòng họ, cộng đồng, cơ quan và trường học với 145.092 hộ gia đình đăng ký xây dựng “Gia đình hiếu học” (chiếm 49% tổng số hộ toàn tỉnh), 77 dòng họ đăng ký “Dòng họ hiếu học” (chiếm 80%), 562 thôn, khu phố đăng ký “Cộng đồng học tập” (chiếm 79%) và 514 cơ quan, trường học đăng ký thực hiện mô hình “Đơn vị học tập” (chiếm 53%). Đồng thời đã nêu lên một số hạn chế trong quá trình thực hiện như: ở một số địa phương sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy và chính quyền chưa thường xuyên; công tác tuyên truyền về xây dựng xã hội học tập còn hạn chế, chưa sâu rộng; đội ngũ cán bộ phụ trách công tác này chưa được tập huấn thường xuyên, sâu kỹ.
Để tiếp tục thực hiện Đề án “Đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng đến năm 2020”, Ủy ban Nhân dân tỉnh đã có Kế hoạch số 493/KH-UBND, ngày 23/02/2016 về nhân rộng các mô hình “Gia đình hiếu học”, “Dòng tộc hiếu học”, “Cộng đồng học tập” và “Đơn vị học tập” giai đoạn 2016 - 2020; trong đó, đề nghị UBND các cấp xây dựng kế hoạch nhân rộng mô hình theo Bộ Tiêu chí mới cho phù hợp; tăng cường kiểm tra, giám sát, kịp thời biểu dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân điển hình; đẩy mạnh công tác tuyên truyền và phát động rộng rãi phong trào thi đua thực hiện các mô hình học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, đơn vị, công đồng và đến năm 2020, sẽ tổ chức hội nghị biểu dương điển hình “Gia đình hiếu học tiêu biểu”, “Dòng họ hiếu học tiêu biểu”, “Cộng đồng học tập tiêu biểu” và “Đơn vị học tập tiêu biểu” ở các cấp.