Vừa qua, ngày 30/6/2015, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã ký ban hành Quyết định số 964/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo giai đoạn 2015 - 2020. Đây là chương có ý nghĩa rất cần thiết và là đòn bẩy quan trọng nhằm đẩy nhanh quá trình phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập; nâng cao thu nhập của người dân, thu hẹp khoảng cách chênh lệch giữa các vùng miền, góp phần đảm bảo an ninh quốc phòng ở miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo. Mục tiêu đến năm 2020, sẽ phấn đấu đạt mức tăng trưởng hàng năm về giá trị của tổng mức bán lẻ hàng hóa, dịch trên địa bàn miền núi khoảng 10 - 12%, thu hút, phát triển số lượng thương nhân, doanh nghiệp tăng bình quân mỗi năm từ 8 - 10%, phát triển các sản phẩm hàng hóa lớn có thương hiệu đặc trưng phục vụ nhu cầu thị trường và xuất khẩu.
Chương trình này xác định tập trung thực hiện 08 nhóm nội dung trọng tâm là: Nghiên cứu, xây dựng và phát triển hệ thống chính sách, pháp luật đặc thù về phát triển thương mại khu vực biển và hải đảo; khuyến khích phát triển thương nhân, các loại hình doanh nghiệp hoạt động thương mại tại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo; khuyến khích phát triển mặt hàng là lợi thế phát triển của miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo; xây dựng và phát triển hệ thống dịch vụ thương mại; xây dựng và phát triển hoạt động đối với chợ miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo; tăng cường năng lực cho công chức, viên chức của tỉnh, huyện, xã về phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo; tuyên truyền, quảng bá đối với phát triển thương mại; thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại du lịch, thương mại điện tử, phát triển sản phẩm quốc gia trên địa bàn miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo.
Chương trình được triển khai trên địa bàn 287 huyện của cả nước, trong đó tỉnh Bình Thuận có 3 huyện: Tuy Phong, Hàm Tân, Phú Quý. Tổng mức kinh phí thực hiện Chương trình này khoảng 466 tỷ đồng, trong đó: Ngân sách Trung ương khoảng 149,120 tỷ đồng; Ngân sách địa phương khoảng 37,280 tỷ đồng; Các nguồn vốn hỗ trợ hợp pháp khác khoảng 279,600 tỷ đồng.
Thủ Tướng Chính phủ đã giao Bộ Công Thương là cơ quan chủ trì, quản lý, điều hành Chương trình; chỉ đạo UBND các tỉnh, thành phố có trách nhiệm tổ chức triển khai thực hiện trên địa bàn và huy động thêm các nguồn lực, bố trí kinh phí thực hiện các nội dung hoạt động của Chương trình thuộc trách nhiệm của địa phương.