Sau Hội nghị tổng kết phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi lần thứ VII (2010 – 2012), các cấp Hội Nông dân trong tỉnh tiếp tục phát huy vai nòng cốt, tham mưu tích cực cho Ban Chỉ đạo “Nông dân thi đua sản xuất- kinh doanh giỏi” triển khai công tác tuyên truyền, phát động phong trào sâu rộng trong toàn xã hội, tạo khí thế thi đua sôi nổi; khơi dậy tính năng động, sáng tạo, tinh thần của cả cộng đồng trong giúp đỡ những nông dân có hoàn cảnh khó khăn; xuất hiện ngày càng nhiều mô hình nông dân làm ăn giỏi, sản xuất, kinh doanh đạt hiệu quả, quy mô sản xuất, kinh doanh liên tục mở rộng, góp phần hình thành những vùng sản xuất tập trung, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, tác động rất lớn đến phong trào xây dựng nông thôn mới.
Từ năm 2012 đến nay, song song với công tác tuyên truyền, triển khai thực hiện các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trên các lĩnh vực phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn; các cấp Hội Nông dân trong tỉnh đã tích cực phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành và các đơn vị trong và ngoài tỉnh tổ chức 2.673 lớp tập huấn chuyển giao khoa học – kỹ thuật cho 200.938 lượt hội viên, nông dân. Xây dựng mô hình tại các vùng và nhân rộng các mô hình đạt hiệu quả như: sản xuất giống lúa xác nhận, sản xuất thanh long VietGAP, sản xuất rau sạch, trồng cây trôm, nuôi cá nước ngọt giống mới, nuôi rắn mối, nuôi heo trên đệm lót vi sinh, cải tạo giống bò thịt, nuôi gà an toàn sinh học, nuôi heo siêu nạc, heo rừng lai, nhím, dông, bồ câu Pháp… Đồng thời, các cấp Hội cũng đã phối hợp các ngành, địa phương tổ chức hàng trăm buổi tham quan, học tập các mô hình điểm, mô hình kinh doanh mới trong và ngoài địa phương, tổ chức các cuộc thi “Nhà nông đua tài”, “cán bộ Hội cơ sở giỏi”.... để nông dân có điều kiện học hỏi kinh nghiệm, trao đổi thông tin.
Kết quả sơ kết ở các địa phương giai đoạn 2012- 2014 cho thấy, toàn tỉnh có 43.360 hộ nông dân đạt danh hiệu sản xuất kinh doanh giỏi các cấp (tăng 12% so với hội nghị tổng kết phong trào lần thứ VII); trong đó có 235 hộ đạt danh hiệu sản xuất kinh doanh giỏi cấp Trung ương, 2.040 hộ đạt cấp tỉnh, 7.202 hộ đạt cấp huyện và 33.883 hộ đạt cấp cơ sở. Chất lượng và hiệu quả phong trào ngày càng nâng cao, xuất hiện nhiều hộ có quy mô sản xuất lớn, có vốn kinh doanh hàng tỷ đồng, thu hút hàng trăm lao động, thu nhập bình quân hàng trăm triệu đồng/năm trở lên (trong giai đoạn 2012- 2014 có 182 hộ thu nhập trên 1 tỷ đồng/năm, 620 hộ thu nhập từ 300 - 500 triệu đồng/năm); điển hình như: Trên lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi tiêu biểu có hộ ông Nguyễn Ngọc Tăng, xã Tiến Thành, thành phố Phan Thiết, mạnh dạn đầu tư 2 ha thanh long trên cát và đầu tư chăn nuôi 50 con bò, thu nhập hộ gia đình (trừ chi phí) hàng năm trên 500 triệu đồng, tích cực đóng góp và vận động 30 hộ dân tự góp vốn hơn 2,2 tỷ đồng để xây lắp đường dây điện trên 4 km và đường giao thông nông thôn dài 1,2 km... Trên lĩnh vực ngư nghiệp, hộ ông Bùi Văn Hoa - khu phố 6, phường Phước Lộc, thị xã La Gi, đánh bắt thủy sản nghề lưới rê, thu nhập của chủ thuyền 82 triệu đồng/tháng, thu nhập của lao động từ 10 đến 11 triệu đồng/ tháng/lao động, giải quyết việc làm thường xuyên cho 11 - 12 lao động; ông Châu Lân - thôn Quý Thạnh, xã Ngũ Phụng, huyện Phú Quý với khai thác nghề vây rút chì, hàng năm gia đình ông thu nhập trên 900 triệu đồng, giải quyết công việc thường xuyên cho 15 lao động với thu nhập trên 5 triệu đồng/tháng/lao động... Trên lĩnh vực lâm nghiệp, hộ ông Phan Quốc Nghĩa ở khu phố 7, phường Tân An, thị xã La Gi có 05 ha cao su (có 02 ha đã cho thu hoạch), 10 ha đất trồng xen canh cây mì và bắp, thu nhập hàng năm trên 360 triệu đồng (đã trừ chi phí); hộ ông Trần Bảy – Thị trấn Đức Tài, huyện Đức Linh với mô hình kinh tế trang trại 98,5 ha cao su, 04 ha cây hồ tiêu, kết hợp chăn nuôi gà, lợn, tổng thu nhập hàng năm của gia đình trên 3,3 tỷ đồng, đã giải quyết việc làm thường xuyên cho 35 lao động ở địa phương với thu nhập bình quân 5 – 5,5 triệu đồng/tháng/lao động....
Với những kết quả đạt được như trên, phong trào “Nông dân thi đua sản xuất- kinh doanh giỏi” đã phát huy được vai trò kinh tế hộ gia đình, tổ, nhóm liên kết sản xuất, kinh tế hợp tác trong sản xuất trên các lĩnh vực nông, lâm, ngư, diêm nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ tiêu thụ, chế biến sản phẩm; thúc đẩy chuyển dịch một bước quan trọng cơ cấu kinh tế - xã hội nông thôn; từng bước thực hiện theo quy hoạch vùng sản xuất tập trung chuyên canh cây trồng, vật nuôi, ngành nghề, dịch vụ... Qua đó, đã góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn nông thôn, tham gia xây dựng nông thôn mới; đồng thời vai trò và uy tín của tổ chức Hội Nông dân trong hệ thống chính trị được nâng lên.
Thông qua việc tổ chức sơ kết phong trào “Nông dân thi đua sản xuất - kinh doanh giỏi”, Hội nông dân các cấp sẽ đánh giá những kết quả đã đạt được qua hơn 02 năm tiếp tục triển khai phong trào, đồng thời rút ra được những mặt còn hạn chế và nguyên nhân; trên cơ sở đó đề ra phương hướng, chỉ tiêu và các giải pháp hiệu quả, thiết thực nhằm đẩy mạnh hơn nữa phong trào trong thời gian đến.