Cách đây tròn 65 năm, trong tình thế đất nước khó khăn, cấp bách, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết bài "Dân vận" đăng trên Báo Sự thật số 120, ngày 15-10-1949. Bài viết của Bác đã để lại cho Đảng và các thế hệ cán bộ, đảng viên hôm nay bài học vô giá về công tác dân vận. Từng câu, từng chữ, từng điều trong bài viết được Bác căn dặn rất cặn kẽ, sâu sắc, dễ nhớ, dễ hiểu và mỗi chúng ta không bao giờ quên được.
Mở đầu bài viết, Bác căn dặn: "Nước ta là nước dân chủ.... quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân". Kết thúc bài viết, Bác nêu lên một luận đề như một chân lý: "Dân vận kém thì việc gì cũng kém. Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công". Trong bài viết, Bác chỉ rõ "Dân vận là vận động tất cả lực lượng của mỗi một người dân không để sót một người dân nào, góp thành lực lượng toàn dân, để thực hành những công việc nên làm, những công việc Chính phủ và đoàn thể đã giao cho".
Từ cách chỉ dạy của Bác, ta thấy công tác dân là công việc rất khó, đòi hỏi phải khéo léo, phải khoa học, bởi đối tượng công tác dân vận là con người, là nhân dân, một lực lượng vô cùng to lớn, quan trọng và quý nhất. Mục tiêu chung của công tác dân vận là mục tiêu của cách mạng, của Đảng, của dân tộc, đó là sự nghiệp của nhân dân, do nhân nhân, vì nhân dân. Nội dung cơ bản của công tác dân vận là tổ chức tập hợp, đoàn kết tất cả các lực lượng nhân dân thành một khối đại đoàn kết toàn dân để thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, của Chính phủ đề ra. Vì vậy, muốn vận động được nhân dân thì điều cơ bản đầu tiên là phải hiểu được nhân dân, phải chăm lo cho nhân dân, phát huy dân chủ thật sự, thu hút được đông đảo người dân tham gia vào công việc chung.
Về phương thức công tác dân vận là phải tiến hành trước hết từ cơ sở, nắm chắc và vận động nhân dân từ cơ sở, theo Bác căn dặn là: "Dân vận không thể chỉ dùng báo chương, sách vở, mít tinh, khẩu hiệu, truyền đơn, chỉ thị mà đủ". Trước nhất là phải tìm mọi cách giải thích cho mỗi một người dân hiểu rõ ràng: Việc đó là lợi ích cho họ và nhiệm vụ của họ, họ phải hăng hái làm cho kỳ được. Điểm thứ hai là bất cứ việc gì đều phải bàn bạc với dân, hỏi ý kiến và kinh nghiệm của dân, cùng với dân đặt kế hoạch cho thiết thực với hoàn cảnh địa phương, rồi động viên và tổ chức toàn dân ra thi hành. Trong lúc thi hành phải theo dõi, giúp đỡ, đôn đốc, khuyến khích dân. Khi thi hành xong phải cùng với dân kiểm thảo lại công việc, rút kinh nghiệm, phê bình, khen thưởng".
Làm theo tư tưởng và lời dạy của Bác, trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng đấu tranh giải phóng dân tộc, Đảng ta đã đề ra nhiều chủ trương, nghị quyết đúng đắn, phù hợp, tổ chức học tập, quán triệt thống nhất trong đội ngũ cán bộ, đảng viên, rồi phân công cán bộ, cốt cán cùng ăn, cùng ở, cùng làm với dân để tuyên truyền, giải thích cho dân hiểu nhiệm vụ làm cách mạng của Đảng. Khi dân hiểu được lợi ích, tất cả đã đồng thuận nhất tề đứng dậy, từ gái, trai, già, trẻ, mỗi người là một chiến sỹ cách mạng cùng với Đảng kết thành khối đại đoàn kết toàn dân đánh đuổi hai Đế quốc hùng mạnh nhất thế kỷ 20, thống nhất toàn vẹn đất nước, đem lại nền độc lập, tự do, hạnh phúc thật sự cho Tổ quốc, cho nhân dân.
Kế thừa và phát huy bài học của Bác để lại, trong 30 năm thực hiện sự nghiệp đổi mới đưa đất nước đi lên vì mục tiêu "Dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh", Đảng ta đã có nhiều nghị quyết về công tác dân vận, đề ra phương châm "Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra'' đã phát huy ngày càng tốt hơn quyền làm chủ của các tầng lớp nhân dân trong tham gia xây dựng Đảng, chính quyền, kiến thiết đất nước, góp phần đưa nước ta đạt được nhiều thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, giữ vững ổn định chính trị - xã hội; đời sống các tầng lớp nhân dân được cải thiện đáng kể; sức mạnh tổng hợp của đất nước lớn hơn nhiều so với trước đây. Thực tế ở Bình Thuận kể từ khi tái lập tỉnh đến nay đã đạt nhiều thành tựu nổi bật trên các lĩnh vực: Kinh tế tăng trưởng với tốc độ khá; thu ngân sách tăng đáng kể; an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội căn bản được giữ vững; hệ thống chính trị thường xuyên được củng cố; những giá trị văn hóa truyền thống được phát huy; bộ mặt đô thị, nông thôn ngày càng khởi sắc; đời sống nhân dân được cải thiện đáng kể, nhất là đồng bào vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số. Điều đó, khẳng định Đảng, nhà nước và các cấp ủy đảng, các thế hệ cán bộ luôn luôn ghi nhớ và thực hiện nhuần nhuyễn bài học "Dân vận" của Bác Hồ.
Ngày nay, trình độ dân trí ngày càng nâng cao, đông đảo nhân dân mong muốn được đóng góp sức mình để xây dựng Đảng, chính quyền, phát triển kinh tế - xã hội. Song, có lúc có nơi, có cán bộ đã quên đi bài học dân vận hoặc có thể học chưa kỹ, hiểu chưa sâu nên xem khinh việc dân vận, không tuyên truyền, giải thích, không bàn bạc dân chủ, dùng mệnh lệnh hành chính để áp đặt, yêu cầu dân thực hiện, làm cho nhân dân bức xúc và làm ảnh hưởng đến uy tín của Đảng, của cán bộ.
Kỷ niệm 84 năm Ngày truyền thống công tác dân vận của Đảng (15/10/1930 - 15/10/2014) lại thêm một dịp để mỗi người chúng ta, mỗi cán bộ, đảng viên ôn lại, nhớ thật sâu, thật kỹ bài học "Dân vận" mà Bác kính yêu đã dạy; từ đó tự suy ngẫm để tiếp tục trao dồi đạo đức cách mạng, thực hành phong cách dân chủ và thái độ tôn kính nhân dân, giải quyết các công việc nhanh hơn, có hiệu quả, không gây phiền toái cho dân. Để làm được điều đó, đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức cần thể hiện giá trị dân vận qua từng lời nói, hành động, cử chỉ của mình, gương mẫu mọi lúc, mọi nơi; phải thật sự có tâm, có đức, có năng lực, phải thấm nhuần và thực hiện lời dạy của Bác "Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công", “ việc gì có lợi cho dân phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân phải hết sức tránh” để xứng đáng với Bác nhiều hơn nữa !.