Trong suốt chiều dài lịch sử người Chăm đã sáng tạo ra nhiều giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể, nổi bật nhất là hệ thống di tích kiến trúc đền tháp cổ kính, có tiếng nói và chữ viết riêng; đặc biệt cộng đồng người Chăm có một hệ thống các lễ nghi, lễ hội, tín ngưỡng, tôn giáo và nhiều loại hình nghệ thuật dân gian còn được lưu giữ, đã tạo nên bản sắc văn hóa riêng biệt, góp phần làm phong phú, đa dạng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc.
Đi đôi với đầu tư phát triển toàn diện về dân sinh, kinh tế, văn hóa - xã hội theo tinh thần Nghị quyết số 04 của Tỉnh ủy; công tác bảo tồn, khai thác và phát huy văn hoá truyền thống đồng bào các dân tộc thiểu số các cấp ủy Đảng, chính quyền tiếp tục quan tâm, nhất là từ khi có Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) về xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc, nay tiếp tục được khẳng định và phát huy lên một bước mới trong Nghị quyết số 33-NQ/TW, ngày 09/6/2014 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa IX) về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. Với sự quan tâm đó, văn hóa các dân tộc thiểu số nói chung, dân tộc Chăm nói riêng không những được bảo tồn mà còn được phát huy và phát triển tích cực. Công tác nghiên cứu sưu tầm tiếp tục được chú trọng, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh đã chỉ đạo ngành văn hóa tổ chức khai quật khảo cổ tại di chỉ “Gòn Lôn” (Phú Long - Hàm Thuận Bắc) có niên đại từ thế kỷ X-XI với 295 hiện vật được phát hiện; Hội đồng khoa học cơ sở đã nghiệm thu đề tài cấp quốc gia “Nghề làm gốm thủ công truyền thống của người Chăm ở thôn Bình Đức, xã Phan Hiệp huyện Bắc Bình”; hoàn thành đề tài khoa học “Bảo tồn các di tích lịch sử - văn hóa dân tộc Chăm phục vụ bảo tồn và phát triển du lịch Bình Thuận”.... Nhiều di tích Chăm đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cấp bằng công nhận di tích Quốc gia, với 18 di tích được công nhận di tích Quốc gia, trong đó có 4 di tích lịch sử, gồm Tháp Pô Dam (Tuy Phong), đền thờ Pô Nít (Bắc Bình), đền thờ Pôklong Mơhnai (Bắc Bình) và Tháp Pôsha Inư (Phan Thiết). Mặc dù trong điều kiện còn nhiều khó khăn nhưng năm 2010 tỉnh đã quan tâm đầu tư xây dựng Trung tâm Trưng bày Văn hóa Chăm tại huyện Bắc Bình, với tổng kinh phí trên 18 tỷ đồng với chức năng và nhiệm vụ là sưu tầm, nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của người Chăm trên địa bàn tỉnh Bình Thuận. Các lễ hội truyền thống, đặc biệt lễ hội Katê của đồng Chăm theo đạo Bàlamôn tại Tháp Pôsha Inư hay lễ hội Rija Nagar mang đậm nét tín ngưỡng dân gian,... cũng được quan tâm phục dựng và tổ chức hàng năm. Nhiều công trình nghiên cứu về văn hoá Chăm của các tác giả trong và ngoài tỉnh được xuất bản như: Văn hoá Chăm, truyện cổ dân gian Chăm, người Chăm ở Thuận Hải, kinh tế văn hoá dân tộc Chăm, từ điển Chăm - Việt,...
Phong trào xây dựng nếp sống văn hóa mới, bài trừ mê tín dị đoan và những phong tục tập quán lạc hậu đã thu hút đông đảo đồng bào Chăm tích cực tham gia; đặc biệt phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với cuộc vận động xây dựng thôn, làng văn hóa được triển khai rộng khắp và đạt được kết quả tốt. Đến nay, ở 4 xã thuần đồng bào dân tộc Chăm đều có nhà văn hóa xã; 12/14 thôn có nhà sinh hoạt cộng đồng; 08/23 thôn được công nhận là thôn văn hóa, trong đó thôn Lạc Trị (xã Phú Lạc, huyện Tuy Phong), thôn Cảnh Diễn (xã Phan Thanh, huyện Bắc Bình), thôn 3 (thị trấn Ma Lâm, huyện Hàm Thuận Bắc) nhiều năm liền được công nhận thôn văn hóa, tỷ lệ gia đình người Chăm đăng ký và đạt danh hiệu “Gia đình văn hóa” hàng năm đạt 86,79% trở lên; 06/06 chùa Hồi giáo Bàni thuộc huyện Bắc Bình và 05 dòng tộc của đồng bào Chăm xã Phan Hiệp đăng ký đạt dòng tộc văn hóa hàng năm, trong đó có 2 dòng tộc xây dựng mô hình "dòng tộc văn hóa, tự quản về ANTT". Phong trào văn hóa, văn nghệ được tổ chức đến tận thôn, xóm; đoàn nghệ thuật không chuyên của tỉnh và của huyện Bắc Bình thường xuyên hoạt động biểu diễn với nhiều tiết mục mang đậm nét văn hoá dân gian Chăm để phục vụ đồng bào tại các xã miền núi, vùng cao, vùng căn cứ kháng chiến nhân các ngày lễ kỷ niệm, ngày hội của địa phương đã để lại cảm tình đặc biệt với nhân dân. Việc dạy chữ Chăm ở các trường tiểu học có con em là học sinh người Chăm và chương trình bổ túc văn hóa chữ Chăm ở các làng, xã thuần Chăm cũng được quan tâm đẩy mạnh. Chương trình phát thanh và truyền hình tiếng Chăm được xây dựng thành chương trình phát sóng hàng tuần với 08 kỳ/tháng, thời lượng 30 phút đã đáp ứng được nhu cầu thông tin, giải trí của đồng bào Chăm bằng tiếng mẹ đẻ, góp phần nâng cao nhận thức của bà con người Chăm về phát triển toàn diện dân sinh, kinh tế văn hóa - xã hội, gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào Chăm cho thế hệ mai sau.