Tỉnh Bình Thuận có 10 đơn vị hành chính cấp huyện với 127 xã, phường, thị trấn/705 thôn, khu phố; dân số khoảng 1,2 triệu người với 35 dân tộc anh em; trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 7%, tín đồ các tôn giáo chiếm 39,50% dân số toàn tỉnh. Toàn Đảng bộ có 15 đảng bộ trực thuộc (10 huyện, thị, thành ủy; 3 đảng bộ Công an, Quân sự, Bộ đội Biên phòng và 2 đảng bộ Khối (khối các cơ quan tỉnh, khối doanh nghiệp) với 504 tổ chức cơ sở Đảng, 26.865 đảng viên (chiếm 2,23%); có 1.120 cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp với hơn 27.600 cán bộ, công chức, viên chức các cấp; có 2.826 doanh nghiệp đang hoạt động, trong đó, có 705 doanh nghiệp có từ 10 lao động trở lên (70 doanh nghiệp có tổ chức Đảng, 246 doanh nghiệp có tổ chức Công đoàn, 152 doanh nghiệp có tổ chức Đoàn, Hội thanh niên, 24 doanh nghiệp có tổ Hội Cựu chiến binh.
Trước khi triển khai thực hiện Chỉ thị 30 của Bộ Chính trị, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Thuận đã tiến hành tổng kết 10 năm thực hiện phương châm "Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”; đồng thời đẩy mạnh cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá khu dân cư”. Đặc biệt qua tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 8B (Khoá VI) về "Đổi mới công tác vận động quần chúng, tăng cường mối quan hệ giữa Đảng và nhân dân” đã giúp cho cấp uỷ, chính quyền, các ban, ngành, Mặt trận, đoàn thể các cấp có thêm được những bài học kinh nghiệm trong công tác vận động quần chúng, phát huy quyền dân chủ của nhân dân. Với những nỗ lực chung của toàn Đảng bộ, qua gần 17 năm triển khai thực hiện Chỉ thị 30 của Bộ Chính trị, các Kết luận của Ban Bí thư, Pháp lệnh của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (khóa XI), các Nghị định của Chính phủ; việc thực hiện Quy chế dân chủ trên địa bàn tỉnh Bình Thuận đã đạt được những kết quả tích cực. Trước hết là sự chuyển biến đáng kể trong nhận thức của các cấp, các ngành và toàn thể nhân dân về dân chủ XHCN và quyền làm chủ của nhân dân. Qua thực hiện QCDC, các cấp uỷ Đảng đã ngày càng đổi phương thức lãnh đạo, hoạt động của chính quyền cũng chuyển đổi theo hướng nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành, sát dân, tôn trọng dân, gắn bó với nhân dân, vì nhân dân phục vụ. Mặt trận, các đoàn thể chính trị xã hội phát huy ngày càng tốt hơn vai trò của mình trong thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, nhất là tuyên truyền vận động nhân dân thực hiện chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước và giám sát việc thực hiện QCDC ở cơ sở thực hiện các cuộc vận động“Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư”, phong trào "Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc", "Chung sức, chung lòng xây dựng nông thôn mới", xây dựng giao thông nông thôn, “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, các phong trào thi đua "Dân vận khéo", "xoá đói giảm nghèo". Có thể khẳng định, việc thực hiện QCDC đã phát huy đáng kể quyền làm chủ của nhân dân tham gia đóng góp trí tuệ, vật chất, công sức xây dựng hệ thống chính trị, xây dựng kết cấu hạ tầng xã hội. Cũng qua thực hiện quy chế dân chủ, vấn đề công khai, minh bạch chủ trương, chính sách, thủ tục hành chính đã được thực hiện khá tốt; công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực được đẩy mạnh; tinh thần trách nhiệm phục vụ nhân dân trong đội ngũ cán bộ công chức được nâng lên đáng kể và đã tạo được sự đồng thuận cao trong nhân dân. Những kết quả đó đã góp phần củng cố lòng tin của nhân dân đối với Đảng, chính quyền, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội của địa phương.
Kết quả đạt được trong lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện QCDC trên địa bàn tỉnh Bình Thuận thời gian qua để lại cho các cấp, các ngành những bài học kinh nghiệm quan trọng để nghiên cứu, vận dụng và tổ chức thực hiện tốt, đó là:
- Phải xác định việc thực hiện QCDC là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, mà trước hết là trách nhiệm của người đứng đầu các địa phương, đơn vị. Do vậy, cần tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy đảng; đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của chính quyền; sự phối hợp đồng bộ giữa các cấp, các ngành trong triển khai thực hiện; nâng cao vai trò giám sát của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội.
- Phải hết sức coi trọng công tác tuyên truyền, phổ biến, quán triệt các chủ trương của Đảng, quy định của Nhà nước về thực hiện dân chủ cơ sở để mọi người dân hiểu sâu, nắm chắc và tự giác thực hiện.
- Cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu phải gương mẫu thực hiện QCDC; đẩy mạnh tự phê bình và phê bình, xây dựng nội bộ Đảng, cơ quan, đơn vị đoàn kết.
- Phát huy dân chủ phải đi đôi với giữ vững kỷ cương, kỷ luật; xử lý nghiêm minh những vụ việc tiêu cực, những hành vi lợi dụng dân chủ gây rối làm mất an ninh trật tự. Thường xuyên làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho nhân dân.
- Quá trình thực hiện QCDC phải luôn bảo đảm phương châm "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra" nhằm phát huy tốt trí tuệ và nguồn lực của nhân dân tham gia xây dựng hệ thống chính trị, phát triển kinh tế - xã hội; giữ vững lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước.
- Việc xây dựng quy chế và biện pháp để thực hiện dân chủ cơ sở phải thật cụ thể, sát hợp với điều kiện và đặc điểm tình hình của cơ quan, đơn vị, địa phương.
- Phải chú trọng công tác kiểm tra, sơ kết, tổng kết, biểu dương, khen thưởng; gắn thực hiện QCDC với các phong trào thi đua yêu nước.
Tin tưởng rằng từ những kinh nghiệm nói trên, trong thời gian tới việc thực hiện quy chế dân chủ trên địa bàn tỉnh Bình Thuận sẽ mang lại kết quả ấn tượng hơn.