Nghị định số 04/2015/NĐ-CP có 04 Chương, 18 Điều quy định về thực hiện dân chủ trong hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập (gọi chung là cơ quan, đơn vị), bao gồm: Dân chủ trong nội bộ cơ quan, đơn vị; dân chủ trong quan hệ và giải quyết công việc với công dân, cơ quan, tổ chức có liên quan.
Về dân chủ trong nội cơ quan, đơn vị, Nghị định quy định: Trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị và của cán bộ, công chức, viên chức; những việc phải công khai để CBCC, viên chức biết; những việc cán bộ, công chức, viên chức tham gia ý kiến, người đứng đầu cơ quan, đơn vị quyết định; những việc cán bộ, công chức, viên chức giám sát, kiểm tra.
Về dân chủ trong quan hệ và giải quyết công việc với công dân, cơ quan, tổ chức có liên quan, Nghị định 04/CP cũng quy định rõ người đứng đầu cơ quan, đơn vị có trách nhiệm chỉ đạo và kiểm tra CBCC, viên chức trong việc giải quyết công việc của tổ chức, công dân; kịp thời có những biện pháp xử lý thích hợp theo quy định của pháp luật đối với những CBCC, viên chức không hoàn thành nhiệm vụ, thiếu tinh thần trách nhiệm trong giải quyết công việc của công dân, tổ chức; chỉ đạo việc bố trí nơi tiếp dân, thực hiện việc tiếp dân và tổ chức hòm thư góp ý....Nghị định cũng nêu rõ, khi công dân, tổ chức có yêu cầu CBCC, viên chức có trách nhiệm giải quyết các yêu cầu đó theo thẩm quyền. Những việc không thuộc thẩm quyền giải quyết, CBCC, viên chức phải thông báo để công dân, tổ chức biết và hướng dẫn đến nơi có thẩm quyền giải quyết. Công việc của công dân, tổ chức phải được nghiên cứu xử lý, giải quyết kịp thời theo đúng quy định của pháp luật.
Nghị định này có hiệu lực kể từ ngày 25/02/2015 và thay thế Nghị định số 71/1998/NĐ-CP ngày 08/9/1998 của Chính phủ về ban hành Quy chế thực hiện dân chủ trong hoạt động của cơ quan./.