Ở nước ta, chính quyền cơ sở là nơi trực tiếp đưa các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của nhà nước vào đời sống xã hội; là nơi gần gũi và hiểu rõ nhất về tâm trạng, tư tưởng, nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân để quan đó tuyên truyền, vận động, giải quyết hoặc đề đạt, kiến nghị cấp trên có những chủ trương, chính sách phù hợp, đáp ứng nguyện vọng, lợi ích chính đáng của nhân dân và nhu cầu phát triển của xã hội. Chính quyền cơ sở có vai trò, trách nhiệm quan trọng trong việc giữ gìn an ninh quốc phòng, chăm lo phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, nâng cao đời sống mọi mặt của nhân dân.
Trong bài báo "Dân vận" đăng trên Báo sự thật số 120, ngày 15-10-1949, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ: “Ai phụ trách dân vận ? Tất cả cán bộ chính quyền, tất cả cán bộ Đoàn thể và tất cả hội viên các tổ chức nhân dân (Liên Việt, Việt Minh...) đều phải phụ trách dân vận”. Bác nhấn mạnh vai trò "cán bộ chính quyền" lên hàng đầu trong công tác dân vận là do xuất phát từ bản chất của nước ta là nước dân chủ và chính quyền của nước ta là chính quyền của dân, do dân và vì dân.
Quán triệt tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, tiếp tục khẳng định và phát huy vai trò của chính quyền trong công tác dân vận, ngày 25/02/2010 Bộ Chính trị (khóa X) đã ban hành Quyết định số 290-QĐ/TW về quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị, tại Điều 16, mục II, chương II đã ghi rõ 7 nội dung quan trọng mà chính quyền phải thực hiện; tiếp đến, Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) đã ban hành Nghị quyết số 25-NQ/TW về tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới; Nghị quyết nhấn mạnh: "Công tác dân vận là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên và các đoàn thể nhân dân, cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang; trong đó, Đảng lãnh đạo, Chính quyền tổ chức thực hiện, Mặt trận, đoàn thể làm tham mưu và nòng cốt.
Những năm qua, dưới sự lãnh đạo trực tiếp của các cấp ủy Đảng và cùng với các chính sách của Nhà nước, chính quyền cơ sở trong tỉnh đã có nhiều đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động. Hội đồng nhân dân, UBND nhiều nơi thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của mình, phối hợp ngày càng chặt chẽ hơn với Mặt trận và các đoàn thể nhân dân để thực hiện công tác dân vận. Chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã được nâng lên cả về trình độ, năng lực, tinh thần trách nhiệm và ý thức phục vụ nhân dân. Đặc biệt là qua thực hiện Đề án "Nâng cao chất lượng hoạt động của Khối dân vận cơ sở" và cơ chế “một cửa liên thông" chính quyền cơ sở đã phát huy dân chủ rộng rãi, gần gũi, tôn trọng và lắng nghe ý kiến nhân dân, quan tâm chăm lo các mặt đời sống nhân dân, kịp thời giải quyết hồ sơ, công việc cho nhân dân, giảm rõ tình trạng gây phiền hà, sách nhiễu như trước đây.
Tuy nhiên, trong thực tế một bộ phận cán bộ công chức ở cấp xã chưa nhận thức đầy đủ và sâu sắc về tầm quan trọng của công tác dân vận chính quyền nên tác phong làm việc còn quan liêu, chưa coi trọng công tác tuyên truyền, vận động, thuyết phục mà còn nặng về biện pháp hành chính, mệnh lệnh; chưa đi sâu, đi sát để lắng nghe ý kiến của nhân dân; chưa thật sự gương mẫu để người dân tin tưởng, tôn trọng; từ đó đã làm ảnh hưởng đến mối quan hệ giữa cán bộ, công chức chính quyền cơ sở với người dân.
Để công tác dân vận của chính quyền cơ sở thực hiện đúng với tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, quan điểm của Đảng, tạo động lực thúc đẩy phong trào nhân dân, đáp ứng lợi ích thiết thực của nhân dân; thiết nghĩ, chính quyền cơ sở cần quan tâm nghiên cứu, tăng cường và đổi mới công tác dân vận, trong đó lưu ý các vấn đề cơ bản sau:
Trước hết, cần tập trung củng cố xây dựng tổ chức, cán bộ thực sự trong sạch, vững mạnh. Đây là vấn đề lớn và khó nhưng phải hết sức cố gắng làm. Bởi, trước yêu cầu thực tiễn cuộc sống ở cơ sở ngày một tăng và bản thân chính quyền phải thật sự trong sạch, vững mạnh thì mới có đủ sức, đủ năng lực để điều hành, quản lý các mặt đời sống xã hội. Xây dựng hình ảnh mỗi cán bộ, công chức là một tấm gương mẫu mực để nhân dân tin tưởng, noi theo.
Thứ hai, cần phát huy dân chủ và thực hiện tốt công tác dân vận trong quá trình xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện chủ trương, chính sách. Các chủ trương, chương trình, dự án phải kịp thời công khai, dân chủ, triển khai nhanh vào đời sống nhân dân theo quy định. Đồng thời trên các lĩnh vực, Hội đồng nhân dân, UBND khi ban hành các nghị quyết, kế hoạch chương trình, dự án....cần phải bàn tính kỹ với dân, tham vấn ý kiến nhân dân, phải thể hiện tính rõ ràng, sát thực tế, dễ hiểu, dễ thực hiện, dễ kiểm tra, giám sát, phù hợp với lợi ích của nhân dân; đồng thời, khi có kế hoạch, nghị quyết cần chú trọng phân công cán bộ cùng nhau đi phổ biến, tuyên truyền, giải thích cho dân hiểu để thực hiện cho đúng, cho được kết quả tốt nhất. Từ đó sẽ tạo ra sự phấn khởi, hào hứng của dân, tạo nên phong trào thi đua trong quần chúng, củng cố và nâng cao lòng tin của nhân dân với cán bộ, với chính quyền.
Thứ ba, cần coi trọng việc xây dựng và thực hiện tốt cơ chế phối hợp giữa chính quyền với Mặt trận và các đoàn thể nhân dân. Đây là yêu cầu tất yếu, khách quan và phải được các bên chú trọng thực hiện. Việc phối hợp phải trên cơ sở quan hệ hỗ trợ lẫn nhau và tạo điều kiện để cùng thực hoàn thành nhiệm vụ của cấp ủy Đảng và nhân dân giao phó; phải có sự phân công trách nhiệm cụ thể, rõ ràng giữa các bên, tránh tình trạng đùn đẩy trách nhiệm cho Mặt trận, các đoàn thể.
Thứ tư, cần chú trọng quản lý, khai thác và sử dụng có hiệu quả các phương tiện thông tin đại chúng và các hoạt động văn hóa, nghệ thuật ở cơ sở. Có thể nói, đây là công cụ rất quan trọng, có tác dụng tuyên truyền sâu rộng và tác động nhanh, hiệu quả đến nhận thức, tư tưởng, tình cảm của nhân dân về các chủ trương, chính sách của Đảng, nhà nước và địa phương.
Thứ năm, phải kết hợp, thực hiện nhuần nhuyễn các phương thức dân vận chính quyền vào thực tiễn công tác. Nghĩa là kết hợp các biện pháp hành chính, kinh tế với vận động, giáo dục; thực hiện xã hội hóa các chương trình phát triển kinh tế, xã hội theo phương châm "Nhà nước và nhân dân cùng làm"; phát động các phong trào thi đua; xây dựng các mô hình tự quản thu hút nhân dân tham gia các hoạt động ở địa phương....