Những năm qua cấp ủy, chính quyền các cấp trong tỉnh luôn quan tâm ưu tiên đầu tư phát triển sự nghiệp y tế của tỉnh nói chung, vùng đồng bào dân tộc Chăm nói riêng; nhờ đó, công tác y tế và chăm sóc, nâng cao sức khỏe nhân dân ở vùng đồng bào Chăm đã đạt những tiến bộ đáng kể, đặc biệt là từ khi có Chỉ thị số 06/2004/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tiếp tục đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh - trật tự đối với vùng đồng bào Chăm trong tình hình mới, nỗi rõ là công tác cán bộ và đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho công tác y tế. Trong 10 năm (từ năm 2004 - 2015), đã có 63 lượt cán bộ người Chăm được đào tạo ở bậc đại học và sau đại học, trong đó có 45 bác sỹ, trong số 45 bác sỹ có 29 người được đào tạo sau đại học (01 tiến sỹ, 03 thạc sỹ và 25 bác sỹ chuyên khoa cấp I). Ngoài ra, Sở Y tế đã phối hợp mở lớp đào tạo điều dưỡng đặc cách tại tỉnh cho 25 học viên của các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số; 01 lớp định hướng y học dân tộc cho 22 cán bộ trạm y tế xã; đào tạo 242 lượt cán bộ trạm y tế xã về kỹ thuật xét nghiệm cơ bản; đào tạo và đào tạo lại cho hàng trăm lượt nhân viên y tế thôn, bản; mở các lớp đào tạo về kỹ thuật sử dụng máy siêu âm và máy đo điện tim cho bác sỹ công tác tại Trạm y tế; mở các lớp tập huấn cho các “mụ vườn” của 11 xã vùng cao dân tộc thiểu số; tập huấn về chăm sóc sức khỏe sinh sản cho 100% bác sỹ, y sỹ sản nhi và nữ hộ sinh công tác tại tuyến huyện và tuyến xã....
Hiện có 154 công chức, viên chức, người lao động là người dân tộc Chăm đang làm việc tại các cơ sở y tế trong tỉnh; trong đó có khoảng 30 người được bổ nhiệm giữ các chức vụ là giám đốc, phó giám đốc các đơn vị trực thuộc, trưởng, phó khoa, phòng và tương đương. Đối với 04 trạm y tế thuộc xã thuần đồng bào dân tộc Chăm (Phan Thanh, Phan Hiệp, Phan Hòa và Phú Lạc) đều có bác sỹ, nữ hộ sinh hoặc y sỹ sản nhi. Năm 2010, 04 xã thuần đồng bào dân tộc Chăm và 09 xã có đồng bào dân tộc Chăm sinh sống đều đạt chuẩn Quốc gia về y tế xã theo chuẩn của giai đoạn 2001 - 2010 và đến năm 2014 có 03/04 xã thuần đồng bào dân tộc Chăm đạt chuẩn Quốc gia về y tế xã theo chuẩn của giai đoạn 2011 - 2020. Có thể nói, nhờ có sự quan tâm đầu tư đúng mức nên các chương trình mục tiêu Quốc gia về y tế, nhất là công tác phòng, chống dịch bệnh tại chỗ được thực hiện chủ động, đồng bộ; tình hình dịch bệnh qua các năm được kiểm soát chặt chẽ, không để xảy ra các dịch bệnh; đặc biệt đã khống chế thành công những bệnh vốn lưu hành nhiều năm như sốt rét, bướu cổ, lao, các bệnh truyền nhiễm khác,…Mặt khác, việc tổ chức lồng ghép các chương trình, dự án y tế với các chương trình, dự án thuộc lĩnh vực xã hội đã được đông đảo nhân dân trong vùng hưởng ứng cao, điều đó đã tạo điều kiện hết sức thuận lợi cho việc triển khai, thực hiện công tác y tế tại vùng đồng bào dân tộc Chăm, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống, chất lượng dân số trong vùng. Kết quả đó được minh chứng qua các con số ấn tượng sau đây: Tỷ lệ trẻ em dưới 01 tuổi được tiêm đầy đủ 8 loại vắcxin phòng bệnh hàng năm đạt trên 95%; tỷ lệ suy đinh dưỡng ở trẻ em dưới 5 tuổi được giảm dần qua từng năm (năm 2014, tỷ lệ suy đinh dưỡng ở trẻ em dưới 5 tuổi tại xã Phan Thanh còn 11%, xã Phan Hiệp còn 7,59%, xã Phan Hòa còn 9,25% và xã Phú Lạc còn 11,31%); so với mức bình quân chung của toàn tỉnh là 9,33% thì tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi ở các xã thuần đồng bào dân tộc Chăm ở mức bình quân chung, có xã còn thấp hơn. Một chuyển biến đáng được ghi nhận là nhận thức của bào con vùng đồng bào dân tộc Chăm về vệ sinh phòng dịch, phòng bệnh và nâng cao sức khỏe đã được nâng cao; nhiều hủ tục, tập quán lạc hậu dần được loại bỏ, nhất là trong chăm sóc sức khỏe sinh sản, trẻ em,...; nếp sống văn minh từ ăn, mặc, ở, sinh hoạt, lao động, tập luyện thể dục, thể thao để nâng cao sức khỏe được dần hình thành một cách có nề nếp và thể hiện rõ nét ở tất cả các thôn, bản, làng xóm trong vùng đồng bào Chăm sinh sống. Những kết quả đó đã góp phần không nhỏ vào việc củng cố lòng tin của đồng bào dân tộc thiểu số nói chung, đồng bào Chăm nói riêng đối với Đảng Nhà nước.
Từ thực tiễn triển khai, thực hiện công tác y tế và chăm sóc sức khỏe vùng đồng bào dân tộc Chăm trên địa bàn tỉnh thời gian qua có thể rút ra một số kinh nghiệm sau:
Thứ nhất, các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương phải nhận thức đầy đủ về tầm quan trọng về công tác y tế và chăm sóc, bảo vệ, nâng cao sức khỏe nhân dân, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số; từ đó, nêu cao vai trò, trách nhiệm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo gắn với thường xuyên kiểm tra; đề ra nhiệm vụ, giải pháp phù hợp cho từng giai đoạn và tập trung sức để thực hiện.
Thứ hai, phải tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, nguồn nhân lực cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là nhân lực tại chỗ; xây dựng lộ trình và thực hiện có kết quả các mục tiêu đã được đề ra tại Chương trình mục tiêu Quốc gia về y tế.
Thứ ba, công chức, viên chức ngành Y tế, đặc biệt số đang công tác ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa phải khắc phục khó khăn, không ngừng trau dồi, nâng cao trình độ, rèn luyện y đức, tận tâm, gắn bó với đồng bào.
Thứ tư, phải có sự phối hợp đồng bộ, hiệu quả của cả hệ thống chính trị; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục làm cho cán bộ, đảng viên và nhân dân ý thức thường xuyên, chủ động tích cực tham gia thực hiện các chương trình mục tiêu Quốc gia về y tế. Chú trọng vận động xây dựng các phong trào giữ gìn vệ sinh môi trường, phòng ngừa các dịch bệnh, tự chăm lo bảo vệ, nâng cao sức khỏe cho bản thân, gia đình và cộng đồng./.