Năm 1989, Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa VI) ban hành Chỉ thị số 51-CT/TW về việc giúp đỡ Hội Người mù Việt Nam. Căn cứ chỉ đạo của Ban Bí thư Trung ương và hướng dẫn của các bộ, ngành Trung ương; năm 2002, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Thuận chủ trương thành lập hội người mù ở cấp tỉnh và cấp huyện. Năm 2010, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã tổ chức đánh giá và ban hành Chỉ thị số 53-CT/TU về thực hiện Kết luận số 73-KL/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa X) về tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo việc giúp đỡ người mù và Hội Người mù Việt Nam.
Hiện nay, toàn tỉnh có 08/10 huyện, thị xã, thành phố và 100/127 xã, phường, thị trấn có tổ chức hội với 1.550 hội viên/1.701 người mù, đạt tỷ lệ tập hợp là 91,12%. Chính sách an sinh xã hội, bảo trợ, giúp đỡ Hội người mù tham gia các chương trình, dự án về giáo dục, dạy nghề và việc làm ngày càng được quan tâm thực hiện, tạo điều kiện cho người mù khắc phục khó khăn, vươn lên trong cuộc sống; trong đó, UBND tỉnh đã cấp 335,6 triệu đồng để Hội Người mù tỉnh mở lớp dạy chữ nổi (Braille) và tin học cho 103 hội viên; Quỹ Quốc gia giải quyết việc làm của Trung ương Hội đã hỗ trợ 34 dự án/480 triệu đồng cho 208 lượt người vay; hơn 75% người mù được hưởng trợ cấp xã hội và Bảo hiểm y tế. Mặt khác, các cấp, các ngành hỗ trợ, tạo điều kiện để Hội Người mù tỉnh phối hợp các trường nghề trong và ngoài tỉnh mở 08 lớp dạy chữ Braille, 06 lớp Tin học cho 133 hội viên và các lớp dạy nghề cho hội viên, người mù; từ năm 2007 đến nay, tại trụ sở Tỉnh hội đã mở lớp học tiếng Anh cho hội viên với sĩ số duy trì thường xuyên trên 30 người. Ban Chỉ đạo “Tiếp bước cho em đến trường” tỉnh và Ban Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi tỉnh hàng năm trích hàng chục triệu đồng từ nguồn quỹ của tổ chức tặng học bổng cho học sinh mù có nhiều nỗ lực, vượt khó vươn lên trong học tập; Đài Phát thanh & Truyền hình tỉnh duy trì chuyên mục “Vòng tay nhân ái”, vận động trao tặng 350 máy radio cho người mù; các mạnh thường quân đã duy trì hàng tháng hỗ trợ 1.120 suất ăn cho bếp ăn tập thể tại trụ sở Tỉnh hội cho hội viên đang làm việc và học việc.... Ngoài sự hỗ trợ, giúp đỡ của các cấp, các ngành, Hội Người mù tỉnh đã chủ động tạo việc làm ổn định, tăng thu nhập cho hội viên thông qua việc mở 02 cơ sở xoa bóp - xông hơi, tạo việc làm thường xuyên cho 30 nhân viên, với mức thu nhập bình quân 3,5 triệu đồng/người/tháng; Hội Người mù huyện Hàm Thuận Bắc có 01 cơ sở xoa bóp - xông hơi, tạo việc làm thường xuyên cho 07 nhân viên, với mức thu nhập bình quân 3 triệu đồng/người/tháng. Năm 2008, UBND tỉnh đã cho phép thành lập Câu lạc bộ “Những người bạn của người mù”; từ khi thành lập đến nay, Câu lạc bộ thu hút đông đảo các tổ chức, cá nhân tham gia, góp phần chăm lo cho người mù và đã huy động vật chất như quà tết, tiền hàng và xây dựng, sửa chữa nhà... cho hội viên người mù, ước tính khoảng 500 triệu đồng. Ngoài ra, các cấp hội đã phối hợp vận động xây dựng 82 nhà “Đại đoàn kết”, “Nhà tình thương” cho người mù với tổng trị giá 1,7 tỷ đồng; phối hợp tổ chức chương trình “Cây mùa xuân” hàng năm, qua đó vận động quà, tiền mặt hơn 10 tỷ đồng giúp hội viên, người mù vui Tết, đón Xuân; vận động Trung tâm Bảo trợ khiếm thị Nhật Hồng (Thành phố Chí Minh) trợ cấp hàng năm cho 14 trẻ em mù đa khuyết tật trên địa bàn tỉnh với số tiền 2,4 triệu/em/năm....
Có thể khẳng định, từ khi có Chỉ thị số 51 của Ban Bí thư Trung ương, Chỉ thị số 53 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, nhận thức và trách nhiệm của các cấp, các ngành về công tác chăm sóc, trợ giúp người khuyết tật nói chung và người mù nói riêng đã có chuyển biến tích cực; từ đó, đã chăm lo nhiều hơn đến hoạt động của người mù, giúp người mù dần xóa bỏ tâm lý mặc cảm tự ti, vượt lên số phận, tự tin khẳng định mình, vươn lên xây dựng cuộc sống tốt hơn, góp phần tích cực vào sự phát triển của cộng đồng và xã hội./.