Nhận thức sâu sắc quan điểm “Lấy người dân làm trung tâm của sự phát triển, gắn kết chặt chẽ giữa phát triển kinh tế với văn hóa - xã hội, nâng cao thu nhập, chất lượng cuộc sống và hạnh phúc của nhân dân; tạo môi trường, điều kiện phát triển toàn diện, bao trùm, hài hòa giữa các vùng, miền, đối tượng; đảm bảo sự công bằng trong phúc lợi xã hội, tiếp cận các dịch vụ hành chính công, chăm sóc sức khỏe và nâng cao đời sống tinh thần cho người dân”. Những năm qua, Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện và ban hành nhiều văn bản, đề ra những giải pháp, biện pháp cụ thể nhằm phát huy vai trò chủ thể của Nhân dân tham gia vào quá trình phát triển kinh tế, xã hội của địa phương trên tất cả các lĩnh vực; đã chủ trương công khai Nghị quyết Đại hội tỉnh đảng bộ, các nghị quyết, chỉ thị, báo cáo chuyên đề của cấp ủy về kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, xây dựng hệ thống chính trị, công tác cán bộ, kết quả giải quyết đơn, thư liên quan đến tổ chức đảng, đảng viên, việc xem xét, xử lý vi phạm của đảng viên, tổ chức đảng;... đặc biệt là các dự thảo Nghị quyết, chỉ thị chuyên đề có liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đa số nhân dân trước khi ban hành đều được gửi lấy ý kiến Nhân dân bằng những hình thức phù hợp, để đảm bảo đưa nghị quyết vào đời sống người dân thiết thực và hiệu quả. Đồng thời, chỉ đạo các cấp, các ngành trong hệ thống chính trị phối hợp với các tổ chức Mặt trận, các đoàn thể, hội quần chúng tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, vận động nhân dân thực hiện tốt các chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước; chú trọng nắm bắt tâm tư, lắng nghe nguyện vọng và những kiến nghị, đề xuất của đoàn viên, hội viên và nhân dân, kịp thời phản ảnh, đề xuất giải quyết; phát huy quyền làm chủ và đảm bảo lợi ích chính đáng của đoàn viên, hội viên và nhân dân.
Theo đó, trong từng giai đoạn cụ thể, các tầng lớp nhân dân tỉnh Bình Thuận với ý thức trách nhiệm và lòng tin yêu Đảng, đã không ngừng phát huy truyền thống đại đoàn kết toàn dân tộc, tương thân, tương ái, thực hiện tốt chủ trương "Bình đẳng, đoàn kết, tương trợ, giúp nhau cùng phát triển", tích cực tham gia xây dựng Đảng, chính quyền, hệ thống chính trị, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức ngày càng trong sạch vững mạnh, góp phần thực hiện tốt các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà. Thông qua các cuộc sinh hoạt, hội họp, tiếp xúc cử tri, gặp mặt với các chức sắc tôn giáo, dân tộc, đồng bào đã đóng góp nhiều ý kiến thẳng thắn đối với công tác xây dựng, hoạch định các chủ trương, chính sách phát triển kinh tế, xã hội, chính sách dân tộc, tôn giáo; cung cấp nhiều thông tin quan trọng, giúp các cấp ủy đảng kịp thời phát hiện và có biện pháp xử lý, chấn chỉnh các hiện tượng suy thoái đạo đức, lối sống trong một số cán bộ, đảng viên, góp phần đắc lực trong cuộc đấu tranh, ngăn chặn âm mưu "Diễn biến hòa bình" của các thế lực thù địch; đặc biệt là phát huy vai trò đoàn kết của các tầng lớp nhân dân trong thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cáp bách về xây dựng Đảng hiện nay " và việc “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức phong cách Hồ Chí Minh” và nhận được sự đồng thuận trong dư luận xã hội, của nhân dân; qua đó, một số vụ việc tham nhũng, tiêu cực được nhân dân phát hiện tố giác đã được các cơ quan chức năng thanh tra, kiểm tra, tham mưu cấp ủy, chính quyền chỉ đạo xử lý nghiêm minh, kịp thời. Bên cạnh đó, vai trò chủ thể của người dân cũng được thể hiện rõ trong thực hiện 03 Chương trình Mục tiêu quốc về công tác xóa đói, giảm nghèo; về xây dựng nông thôn mới và mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh; đến nay, tỷ lệ hộ nghèo (theo chuẩn nghèo đa chiều) giảm xuống còn 1,15% (năm 2003 là 4,7%), bình quân mỗi năm giảm 0,94%, giảm từ 13 xã có tỷ lệ hộ nghèo cao (trên 20%) xuống còn 01 xã. Đặc biệt là tỉnh Bình Thuận hiện nay đang trong quá trình phát triển, dẫn đến có nhiều dự án trọng điểm về cơ sở hạ tầng đã và đang được triển khai thực hiện, sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi hợp pháp, chính đáng của người dân từ khâu giải phóng mặt bằng, đền bù, hỗ trợ, thu hồi đất và tái định cư, tái định canh; do đó, vai trò của Nhân dân cần phải phát huy đúng mức, hiệu quả và đã tạo được sự đồng thuận cao của người dân; đã xuất hiện nhiều gương điển hình tập thể, cá nhân đóng góp xây dựng địa phương bằng những việc làm thiết thực, ý nghĩa. Những việc làm đó, có ảnh hưởng, lan tỏa đến các cấp, các ngành, các địa phương, xã hội, thúc đẩy ý thức trách nhiệm của toàn Đảng bộ và nhân dân trong tỉnh đối với công tác xây dựng Đảng hiện nay.
Để tiếp tục phát huy có hiệu quả hơn nữa vai trò chủ thể của Nhân dân trong quá trình phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của địa phương trong thời gian tới, đòi hỏi chính quyền các cấp cần phải nâng cao năng lực cụ thể hóa bằng những quy định, quy chế,… rõ ràng, dễ thực hiện và lãnh đạo, điều hành đảm bảo các chính sách, pháp luật nhà nước được thực thi có hiệu quả theo đúng quan điểm của Đảng về bài học “Dân là gốc”, “Dân là trung tâm”./.