Nghị quyết của Đảng là những định hướng chính trị phát triển đất nước, của tỉnh, ngành, lĩnh vực trong từng giai đoạn cách mạng, là một trong những phương thức lãnh đạo quan trọng của Đảng, thể hiện ý chí, vai trò lãnh đạo của Đảng đối với các lĩnh vực của đời sống xã hội. Do đó, sau khi nghị quyết được ban hành, cấp ủy các cấp phải lãnh đạo tổ chức học tập, quán triệt sâu rộng nhằm tạo sự nhất trí giữa nhận thức và hành động của cả hệ thống chính trị và sự đồng thuận trong Nhân dân. Học tập nghị quyết của Đảng vừa là nhiệm vụ, vừa là quyền lợi của đảng viên. Đây cũng là khâu đầu tiên rất quan trọng nhằm tạo sự thống nhất trong Đảng, là tiền đề bảo đảm đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống, thực hiện thắng lợi trong các nhiệm vụ mà nghị quyết đề ra. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lưu ý cần phải làm cho nghị quyết của Đảng thấm nhuần trong cán bộ, đảng viên và Nhân dân, làm cho toàn Đảng, toàn dân hiểu sâu sắc, cặn kẽ những nội dung trong nghị quyết của Đảng.
Thời gian qua, việc triển khai học tập, quán triệt nghị quyết của Đảng trong Đảng bộ tỉnh ta đã đạt được nhiều kết quả với nhiều hình thức phong phú. Số lượng cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức dự học nghị quyết khá đầy đủ, nhất là gần đây, khi tỉnh áp dụng hình thức học trực tuyến được kết nối từ Trung ương (hoặc từ tỉnh) đến cơ sở trong toàn tỉnh, với đội ngũ báo cáo viên có nhiều kinh nghiệm, am hiểu lý luận và thực tiễn... nhờ đó tỷ lệ đảng viên tham gia các đợt học tập, quán triệt đạt từ 95% - 98%. Việc đổi mới tổ chức các hội nghị quán triệt, học tập nghị quyết của Đảng cũng đã được Ban Thường vụ Tỉnh ủy triển khai bằng hình thức kết nối trực tuyến hội nghị Trung ương tới 30 điểm cầu trong tỉnh gồm các huyện, thị ủy, đảng ủy trực thuộc Đảng bộ tỉnh và đảng bộ cơ sở có đủ điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị. Qua đó giúp tiết kiệm được thời gian, kinh phí tổ chức, đi lại. Bên cạnh đó, ngoài hình thức tổ chức truyền thống hoặc thông qua kết nối trực tuyến, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã chỉ đạo sử dụng nhiều hình thức phong phú hơn để tuyên truyền về cấp cơ sở, cụ thể như thực hiện sao lưu file bài giảng (ghi âm, hình ảnh) của các báo cáo viên vào USB phục vụ hàng trăm hội nghị học tập, quán triệt ở cấp cơ sở; việc sử dụng hình thức này đã giúp cho các đơn vị, địa phương thuận lợi hơn trong việc tổ chức học tập, quán triệt, lượng thông tin sẽ đến với cán bộ đảng viên đầy đủ, sâu sắc hơn, nhất là các điểm mới trong từng nghị quyết.
Tuy nhiên, việc học tập nghị quyết trong thời gian qua còn hạn chế như: Một số cấp ủy chưa thật sự quan tâm đến chất lượng, hiệu quả học tập nghị quyết; công tác triển khai học tập nghị quyết thường mang tính khuôn mẫu, thiếu sáng tạo như báo cáo viên các cấp phổ biến lại cho đảng viên cấp dưới theo đề cương có sẵn cho mọi đối tượng, nên thường nặng thông tin một chiều, chưa gắn với thực tiễn của địa phương; việc học tập nghị quyết của Đảng chủ yếu mới dừng ở việc báo cáo nội dung của nghị quyết, chưa dành thời gian để nghiên cứu, thảo luận nghị quyết, chương trình hành động, kế hoạch thực hiện nghị quyết; tài liệu phục vụ học tập nghị quyết không đầy đủ; thái độ học tập của một bộ phận đảng viên chưa thật nghiêm túc. Hình thức học tập trực tuyến kết nối từ Trung ương đến cơ sở, bên cạnh những ưu điểm nêu trên thì cũng có những hạn chế về mặt liên hệ thực tiễn ở từng địa phương, cơ sở.
Để nâng cao chất lượng học tập, quán triệt Nghị quyết của Đảng, thiết nghĩ cần nghiên cứu, vận dụng thực hiện các giải pháp sau:
Thứ nhất: Phải quán triệt để mỗi cán bộ, đảng viên nhận thức đúng về ý nghĩa, tầm quan trọng và trách nhiệm của học tập, quán triệt nghị quyết. Xây dựng đội ngũ báo cáo viên vững vàng về chính trị, tư tưởng, có trình độ sâu rộng, có uy tín và có kỹ năng truyền đạt.
Thứ hai: Nội dung học tập cần biên tập lại, cụ thể hóa cho phù hợp với tình hình, đặc điểm, nhiệm vụ của từng địa phương, đơn vị và từng đối tượng học tập.
Thứ ba: Đổi mới về hình thức tổ chức học tập nghị quyết, tùy điều kiện và hoàn cảnh cụ thể mà sử dụng linh hoạt hình thức truyền thống (tổ chức tại hội trường) hay hình thức trực tuyến (thông qua cầu truyền hình). Song, dù áp dụng hình thức nào thì cũng phải đảm bảo sự tương đồng về đối tượng tham gia.
Thứ tư: Nâng cao hơn nữa vai trò, trách nhiệm của đồng chí bí thư cấp ủy, người đứng đầu cơ quan, doanh nghiệp trong chỉ đạo, chủ trì, trực tiếp quán triệt Nghị quyết; đưa việc học tập, quán triệt nghị quyết của Đảng là một trong những tiêu chí quan trọng để đánh giá phân loại, khen thưởng tổ chức đảng và đảng viên hàng năm.
Thứ năm: Kết thúc đợt học tập nghị quyết của Đảng, cấp ủy chỉ đạo kịp thời cán bộ, đảng viên viết bài thu hoạch cá nhân bằng hình thức phù hợp, liên hệ rõ trách nhiệm bản thân sau mỗi lần học tập nghị quyết của Đảng; tổ chức đánh giá nhận thức của đảng viên sau học tập Nghị quyết.
Thứ sáu: Coi trọng việc xây dựng chương trình hành động thực hiện nghị quyết sát với chức năng, nhiệm vụ, tình hình thực tế đơn vị, địa phương; dành thời gian thỏa đáng để nghiên cứu, thảo luận; trong đó cần phát huy tốt hình thức tổ chức phản biện đối với các dự thảo nghị quyết hoặc chương trình hành động thực hiện nghị quyết của Đảng.
Thứ bảy: Nâng cao ý thức tự giác, trách nhiệm, sự gương mẫu của mỗi đảng viên trong học tập nghị quyết; nghiêm túc trong học tập, nghiên cứu và viết thu hoạch sau khi học tập nghị quyết.