Bình Thuận có 34 dân tộc thiểu số với 24.881 hộ/ 104.937 khẩu, chiếm gần 8% dân số toàn tỉnh (chủ yếu là người dân tộc Ra Glai, Cơ Ho, Chơ Ro, Chăm, Tày, Nùng, Hoa...). Đồng bào các dân tộc thiểu số sinh sống rộng khắp trên địa bàn tỉnh, trong đó tập trung ở 17 xã thuần và 37 thôn, khu phố xen ghép thuộc các huyện Tuy Phong, Bắc Bình, Hàm Thuận Bắc, Hàm Thuận Nam, Hàm Tân, Tánh Linh, Đức Linh và sống xen kẽ tại thành phố Phan Thiết, thị xã La Gi. Những năm qua, cùng với việc chỉ đạo các cấp, các ngành, địa phương thực hiện có hiệu quả các chính sách, chương trình, dự án về dân tộc; Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã quan tâm, chỉ đạo các ngành, địa phương thực hiện kết nghĩa với các xã thuần và thôn xen ghép đồng bào dân tộc thiểu số. Đến nay, đã có 17 sở, ngành, lực lượng vũ trang, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội cấp tỉnh kết nghĩa với 17 xã thuần đồng bào dân tộc thiểu số và 86 cơ quan, đơn vị cấp huyện kết nghĩa với 37 thôn, khu phố xen ghép đồng bào dân tộc thiểu số.
Qua 05 năm thực hiện công tác kết nghĩa với các xã thuần và thôn, khu phố xen ghép đồng bào dân tộc thiểu số, các cơ quan, đơn vị đã tổ chức 460 buổi tuyên truyền cho 30.979 lượt người; 297 hoạt động giao lưu với 18.178 lượt người tham dự; 775 đợt giao lưu giữa các cộng đồng dân cư với 9.905 lượt người; 141 lớp nghiệp vụ công tác với 3.807 lượt người; 282 lớp chuyển giao khoa học công nghệ với 7.264 lượt người; xây dựng 44 mô hình “Dân vận khéo” giúp đồng bào làm kinh tế và giữ gìn an ninh trật tự (một số mô hình như: “Tổ phụ nữ giúp nhau vượt khó” ở xã Phú Lạc, huyện Tuy Phong; “Tổ vần đổi công” ở xã Phan Dũng, Tuy Phong; “Tổ góp vốn xoay vòng” ở xã Đông Giang, Hàm Thuận Bắc; “Ánh sáng an ninh” ở các địa phương; “Tổ quần chúng tuần tra đảm bảo ANTT” và “Dòng tộc văn hóa đảm bảo tự quản, bảo vệ ANTT” ở huyện Bắc Bình và các mô hình “Hủ gạo tình thương”, chăn nuôi bò, dê, trồng thanh long, trồng khổ qua, bí đỏ, dưa leo lấy hạt giống... ở các địa phương); hỗ trợ xây dựng 108 công trình dân sinh với số tiền 14.981,5 triệu đồng; xây tặng, sửa chữa 187 căn nhà với tổng số tiền 4.265,5 triệu đồng (xây mới 87 căn, sửa chữa 100 căn); tặng hơn 100 nghìn phần quà; đỡ đầu 414 hộ gia đình chính sách, hộ nghèo với số tiền hơn 2.602,8 triệu đồng; huy động góp công để làm mới, sửa chữa 112km đường nông thôn và 190km kênh mương nội đồng… Thông qua hoạt động kết nghĩa đã góp phần tăng cường tình đoàn kết giữa các cơ quan, đơn vị cấp tỉnh, huyện với cơ sở và giữa cán bộ, công chức, viên chức với đồng bào các dân tộc thiểu số; giúp đồng bào nâng cao nhận thức, thay đổi cách nghĩ, cách làm, tập quán sản xuất; giữ gìn bản sắc dân tộc, xây dựng đời sống văn hóa, tinh thần và phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.
Tuy nhiên, việc thực hiện các hoạt động kết nghĩa, hỗ trợ, giúp đỡ giữa các cơ quan, đơn vị với các xã, thôn đồng bào dân tộc thiểu số chưa thật hiệu quả, như: Một số cơ quan mới chỉ dừng ở bước thăm tặng quà các ngày lễ, tết; việc nắm bắt tình hình, đề xuất, giải quyết những khó khăn, vướng mắc của đồng bào trong sản xuất, đời sống có lúc, có việc chưa kịp thời; hoạt động chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật, các mô hình sản xuất phù hợp, hiệu quả chưa được quan tâm đúng mức; việc hướng dẫn, giúp đỡ nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị và đội ngũ cán bộ, công chức vùng đồng bào dân tộc thiểu số chưa được chú ý. Để tiếp tục thực hiện hiệu quả công tác kết nghĩa tại Công văn số 1679-CV/TU, ngày 13/3/2020 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, theo đó, các sở, ngành, địa phương, đơn vị cần thực hiện tốt một số nội dung sau:
Một là, tăng cường tuyên truyền, phổ biến cho đồng bào dân tộc thiểu số về các chủ trương, chính sách mới của Đảng và Nhà nước, nhất là những chủ trương, chính sách liên quan trực tiếp đến đời sống, sản xuất của đồng bào; vận động đồng bào tích cực lao động sản xuất, tham gia các phong trào thi đua yêu nước, xây dựng nông thôn mới. Hai là, thực hiện có hiệu quả các nguồn vốn do Trung ương, tỉnh, huyện cấp. Tổ chức tập huấn, hướng dẫn, chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật để đồng bào ứng dụng vào phát triển kinh tế, giảm nghèo; hỗ trợ, giúp đỡ xây dựng một số công trình phục vụ đời sống dân sinh, các thiết chế văn hóa, thể thao; xây dựng, nhân rộng các mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi có hiệu quả, giữ gìn an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, chăm sóc sức khỏe, công tác khuyến học. Ba là, tuyên truyền, vận động đồng bào tích cực tham gia phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội; nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, bảo vệ rừng, không lấn chiếm đất lâm nghiệp, phá rừng; ngăn chặn các hành vi lợi dụng các vấn đề tôn giáo, dân tộc, đất đai... gây mất an ninh chính trị, trật tự xã hội, gây chia rẽ đoàn kết giữa các dân tộc tại địa phương. Bốn là, thường xuyên rà soát, nắm chắc tình hình, số liệu liên quan đến công tác dân tộc để vận động hỗ trợ, giúp đỡ đồng bào hoặc tham mưu, đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét, giải quyết những khó khăn, vướng mắc kịp thời, hiệu quả. Năm là, quan tâm củng cố, kiện toàn hệ thống chính trị vùng đồng bào dân tộc thiểu số ngày càng vững mạnh; nâng cao năng lực lãnh đạo của tổ chức đảng, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước. Đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận, các đoàn thể chính trị - xã hội, phát triển đoàn viên, hội viên; đào tạo, bồi dưỡng cán bộ người dân tộc thiểu số đáp ứng tốt hơn yêu cầu, nhiệm vụ.