Theo Báo cáo số 85-BC/BCS, ngày 13/4/2021 của Ban Cán sự Đảng Ủy ban nhân dân tỉnh 4 năm qua (2017-2020), trong điều kiện còn nhiều khó khăn, nhất là tác động của biến đổi khí hậu, tình hình dịch bệnh đã ảnh hưởng lớn đến sản xuất, sinh hoạt của nhân dân, trong đó có địa bàn nông thôn và lĩnh vực nông nghiệp. Song, cấp ủy, chính quyền các cấp đã chỉ đạo, tổ chức thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 14-NQ/TU, ngày 11/01/2017 của Tỉnh ủy (khóa XIII) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn gắn với tiếp tục đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới, đến năm 2020 có 5/7 chỉ tiêu đạt và vượt mục tiêu Nghị quyết đề ra. Cụ thể:
Đến cuối năm 2020, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 70% (mục tiêu 65-70%), trong đó đào tạo nghề có bằng cấp, chứng chỉ đạt 26,87% (mục tiêu 25-27%). Giải quyết việc làm khu vực nông thôn bình quân 18.287 lao động/năm (mục tiêu 14.200 lao động/năm). Số xã đạt chuẩn nông thôn mới 65/93 xã, đạt 69,9% (mục tiêu 60%). Tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn giảm bình quân 1,24%/năm (mục tiêu 1,1-1,3%). Diện tích rừng trồng sản xuất đạt 43.000ha, độ che phủ gồm cả cây dài ngày đạt 55% (mục tiêu 54-55%).
Kinh tế nông nghiệp duy trì tăng trưởng, tỷ trọng nhóm ngành nông - lâm - thủy sản trong GRDP toàn tỉnh giảm dần, phù hợp định hướng chung về chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh. Cơ cấu cây trồng chuyển đổi đúng hướng, diện tích cây lâu năm từ 33,48% (năm 2017) tăng lên 37,1% (năm 2020); từng bước hình thành các vùng sản xuất thanh long, cao su tập trung trọng điểm. Sản xuất nông nghiệp phát triển theo hướng an toàn, chất lượng sản phẩm ngày càng nâng cao, đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu; giá trị sản xuất nông nghiệp năm 2019 bình quân đạt 108,8 triệu đồng/ha, tăng 13,8 triệu đồng/ha so với năm 2017. Chăn nuôi phát triển theo hướng công nghiệp, trang trại, gia trại quy mô lớn gắn với kiểm soát an toàn dịch bệnh, môi trường và hình thành chuỗi giá trị, dần thay thế chăn nuôi nhỏ lẻ hộ gia đình. Toàn tỉnh hiện có 212 cơ sở chăn nuôi gia súc, gia cầm tập trung, sản lượng thịt hơi các loại năm 2020 đạt 68,3 ngàn tấn, tăng 26% so với năm 2017. Ngành lâm nghiệp được cơ cấu lại, mở rộng diện tích, tăng năng suất, chất lượng rừng trồng sản xuất gắn với tăng cường quản lý, bảo vệ rừng. Ngành thủy sản phát triển khá toàn diện, kim ngạch xuất khẩu thủy sản năm 2020 đạt 159 triệu USD, tăng 13% so với năm 2017 và chiếm hơn 34% giá trị kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của tỉnh, khai thác xa bờ được đẩy mạnh gắn với bảo vệ quốc phòng an ninh, chủ quyền biển đảo. Nuôi trồng thủy sản phát triển theo hướng thâm canh, đa dạng hóa loài nuôi gắn với bảo vệ môi trường; sản xuất tôm giống tiếp tục phát huy lợi thế và giữ vững uy tín thương hiệu.
Đội tàu đánh bắt xa bờ (Nguồn Báo Bình Thuận)
Công tác chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, khuyến nông, lâm, ngư được triển khai tích cực với 1.461 lớp tập huấn, hội thảo có hơn 94.000 lượt nông dân tham gia; quản lý chất lượng an toàn thực phẩm và vật tư nông nghiệp được tăng cường; từng bước hình thành các nhóm sản phẩm nông, lâm, thủy sản chủ lực, lợi thế gắn với sản xuất hàng hóa tập trung, đáp ứng nhu cầu nguyên liệu chế biến xuất khẩu và tiêu dùng nội địa. Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới được nhân dân đồng tình, hưởng ứng và đạt kết quả tích cực. Đầu năm 2019, có 124/124 xã, phường, thị trấn đăng ký thực hiện Đề án Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) tỉnh Bình Thuận năm 2019 - 2020, định hướng đến năm 2030. Tháng 01/2021, Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Bình Thuận đã tổ chức công bố, trao giấy chứng nhận sản phẩm được xếp hạng sao OCOP cấp tỉnh cho 56 sản phẩm của 38 chủ thể (có 30 sản phẩm được công nhận đạt chuẩn OCOP 3 sao, 26 sản phẩm đạt chuẩn OCOP 4 sao), trong đó chủ yếu là các sản phẩm thuộc nhóm lương thực, thực phẩm, gia vị, thức uống; chương trình đã góp phần tích cực trong gia tăng giá trị sản phẩm và thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn.
Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng ngành nông, lâm, thủy sản chỉ đạo đạt 2,87% (mục tiêu 3,3-3,8%/năm); thu nhập bình quân khu vực nông thôn tăng 1,4 lần (mục tiêu 1,8 lần); đầu ra của một số sản phẩm lợi thế, chủ lực còn bấp bênh; chăn nuôi phục hồi chậm; công nghiệp chế biến chưa phát triển mạnh; liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị trong nông nghiệp chưa nhiều; phong trào xây dựng nông thôn mới ở một số địa phương chưa được triển khai quyết liệt, chất lượng tiêu chí đạt được chưa cao, chưa bền vững…
Thời gian tới, các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận, các đoàn thể cần tăng cường hơn nữa việc lãnh đạo, tuyên truyền, triển khai thực hiện; nhất là đối với những hạn chế, khó khăn nhằm thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết số 14-NQ/TU của Tỉnh ủy đã đề ra./.