Nhằm cụ thể hóa Kết luận 120-KL/TW, ngày 07/01/2016 của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao chất lượng, hiệu quả việc xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Thuận đã ban hành Chỉ thị số 14-CT/TU, ngày 27/7/2016 để chỉ đạo triển khai thực hiện trên địa bàn toàn tỉnh, UBND tỉnh có Công văn số 3488/UBND-SNV, ngày 22/9/2016 và nhiều văn bản liên quan chỉ đạo thực hiện, phát huy dân chủ, chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương và nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của chính quyền, cơ quan nhà nước các cấp trong tỉnh. Qua 05 năm triển khai thực hiện Kết luận số 120 của Bộ Chính trị và Chỉ thị số 14 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, việc thực hiện quy chế dân chủ (QCDC) ở cơ sở trên địa bàn tỉnh đạt được nhiều kết quả tích cực. Nổi rõ là:
Các cấp, các ngành, cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và nhân dân nhận thức rõ quan điểm, chủ trương và tầm quan trọng của việc thực hiện QCDC ở cơ sở; từ đó phát huy vai trò, trách nhiệm trong xây dựng và thực hiện dân chủ; nhất là tập trung phát huy quyền và trách nhiệm của công dân trong tham gia góp ý các chương trình phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, tham gia góp ý các văn kiện, nhân sự Đại hội Đảng bộ các cấp, nhiệm kỳ 2020-2025; tham gia giám sát, giới thiệu, nhận xét đối với người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.
Vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương được nâng lên; lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện nhiệm vụ chính trị gắn với đảm bảo phát huy dân chủ; chú trọng lãnh đạo thực hiện QCDC trong thực hiện các dự án đầu tư phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh, trong tham gia góp ý kiến xây dựng địa phương, đơn vị; lấy đánh giá kết quả thực hiện QCDC hàng năm làm cơ sở đánh giá, nhận xét, xếp loại cấp ủy, chính quyền và cán bộ lãnh đạo, quản lý. Cấp ủy, Ban Chỉ đạo các cấp tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện QCDC nhằm kịp thời hướng dẫn gắn với chấn chỉnh những khuyết điểm, hạn chế trong thực hiện QCDC ở cơ sở (trong 5 năm, đã tổ chức 966 cuộc).
Đối với chính quyền và các cơ quan nhà nước đã tập trung tổ chức lấy ý kiến nhân dân góp ý vào dự thảo chủ trương, chính sách bằng hình thức phù hợp trước khi ban hành; thường xuyên khảo sát kết quả thực hiện QCDC trong hoạt động của cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp và ở xã, phường, thị trấn nhằm phát huy quyền làm chủ của nhân dân. Hoạt động Trung tâm hành chính công của tỉnh đã tạo được ấn tượng tốt, hài lòng rất lớn của người dân, doanh nghiệp khi đến giao dịch, giải quyết thủ tục hành chính. Các cơ quan dân cử thực hiện tốt công tác giám sát những vấn đề quan trọng, lĩnh vực nhạy cảm, bức xúc, dễ phát sinh tiêu cực, tham nhũng... kịp thời kiến nghị cấp có thẩm quyền xem xét, giải quyết. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội đã phát huy tốt vai trò đại diện và bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, hội viên bằng nhiều hình thức thiết thực, cụ thể, tạo sự đồng thuận cao trong xã hội; trong đó, công tác giám sát, phản biện xã hội đã trở thành nhiệm vụ xuyên suốt, trọng tâm; qua đó đã kiến nghị, đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét, giải quyết đạt 80,81% nội dung kiến nghị, điều chỉnh kịp thời những chủ trương, nhiệm vụ, dự án phù hợp với thực tiễn đời sống xã hội và nâng cao hơn nữa tính khả thi, hiệu quả... góp phần bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân.
Tuy nhiên, công tác quán triệt, tuyên truyền, phổ biến các chủ trương liên quan đến việc xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ chưa thật sự sâu kỹ, kịp thời; thực hiện phương châm “Dân biết, dân bàn” có việc chưa đảm bảo; hiệu quả công tác cải cách thủ tục hành chính có mặt chưa cao, một số cơ quan vẫn còn để trễ hẹn trong giải quyết thủ tục hành chính; các chỉ số PAPI, SIPAS, PCI và PAR Index nhiều năm liền chậm cải thiện, đặc biệt là chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước(SIPAS) trong 3 năm (2017, 2018, 2019) xếp ở mức thấp và điểm ở dưới mức trung bình của cả nước.
Thời gian tới, các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận, các đoàn thể cần tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật sâu rộng; tập trung đề ra các giải pháp phù hợp, quyết liệt hơn để thực hiện có hiệu quả các hạn chế, nhằm góp phần xây dựng hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh, củng cố lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước./.