Tỉnh Bình Thuận hiện có 35 dân tộc cùng sinh sống; trong đó, có 34 đồng bào các dân tộc thiểu số, cư trú tập trung chủ yếu ở 17 xã thuần và 32 thôn xen ghép với trên 21.000 hộ gia đình và gần 97.000 khẩu, chiếm khoảng 8% dân số toàn tỉnh. Tuy mỗi một dân tộc có nhận thức, bản sắc văn hóa, phong tục, tập quán khác nhau nhưng luôn thấm đượm tình đoàn kết, gắn bó, hòa thuận như anh em cùng chung một nhà.
Được sự quan tâm chăm lo của Đảng, Nhà nước, của cấp ủy, chính quyền địa phương bằng những chủ trương, chính sách hỗ trợ thiết thực, mà đặc biệt là cùng với thực hiện chính chính sách trong chương trình quốc gia xây dựng nông thôn mới đã mang lại diện mạo khởi sắc trong 17 xã thuần và 32 thôn xen ghép vùng đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh. Kinh tế, văn hóa, xã hội miền núi, vùng cao ở các xã, thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số chuyển biến khá toàn diện; đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào ngày càng cải thiện tốt hơn, nề nếp sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo văn minh hơn nhiều so với trước.
Để đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động đồng bào tích cực tham gia thực hiện và hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, Ban Dân vận Tỉnh ủy, Mặt trận, các đoàn thể tỉnh phối hợp với các huyện, xã xây dựng và nhân rộng nhiều mô hình "Dân vận khéo" trên các lĩnh vực, có ý nghĩa thiết thực, góp phần vào phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, giữ vững an ninh trật tự, xây dựng đời sống văn hóa, xóa bỏ các tập quán, hũ tục lạc hậu. Điển hình như: Ban Dân vận Tỉnh ủy phối hợp xây dựng mô hình “Dòng tộc văn hóa tự quản về an ninh trật tự” tại thôn Bình Đức, Bình Hiếu, xã Phan Hiệp, huyện Bắc Bình; Hội Nông dân tỉnh phối hợp xây dựng câu lạc bộ “Nông dân với pháp luật” ở các xã Phan Thanh (huyện Bắc Bình), xã Phú lạc (huyện Tuy Phong), thị trấn Lạc Tánh (huyện Tánh Linh); Hội liên hiệp phụ nữ huyện Hàm Thuận Bắc và xã La Dạ xây dựng mô hình "Nói không với thách cưới". Xã Hải Ninh, huyện Bắc Bình vận động đồng bào Tày, Nùng và Hoa kiều ủng hộ hàng tỷ đồng để xây dựng nhà văn hóa thôn, bê tông hóa trên 5.000 mét đường giao thông nông thôn; xã Phú Lạc, huyện Tuy Phong xây dựng mô hình “Họ tộc tự quản”; các huyện Bắc Bình, Đức Linh đang nhân rộng mô hình“Dòng tộc văn hóa phát triển toàn diện”, mô hình “xây dựng nếp sống văn minh trong cơ sở tôn giáo” trong các cơ sở thờ tự vùng đồng bào dân tộc thiểu số,...
Đến nay, trong 17 xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã có 01 xã đạt 19/19 tiêu chí (xã Hải Ninh, huyện Bắc Bình); 02 xã đạt 16/19 tiêu chí (xã Phan Hòa, xã Phan Thanh, huyện Bắc Bình); 02 xã đạt 14/19 tiêu chí (xã Phan Hiệp, xã Sông Lũy, huyện Bắc Bình); 01 xã đạt 13/19 tiêu chí (xã Phú Lạc, huyện Tuy Phong); 01 xã đạt 12/19 tiêu chí (xã Phan Điền, huyện Bắc Bình); 06 xã đạt 11/19 tiêu chí (xã Phan Dũng, huyện Tuy Phong; xã Đông Giang, huyện Hàm Thuận Bắc; xã Mỹ Thạnh, huyện Hàm Thuận Nam; 3 xã: Phan Tiến, Phan Lâm, Phan Sơn, huyện Bắc Bình); 01 xã đạt 10/19 tiêu chí (xã Hàm Cần, huyện Hàm Thuận Nam); 1 xã đạt 9/19 tiêu chí (xã Đông Tiến, huyện Hàm Thuận Bắc); 02 xã đạt 08/19 tiêu chí (xã La Ngâu, huyện Tánh Linh và xã La Dạ, huyện Hàm Thuận Bắc). Riêng các xã có thôn đồng bào dân tộc thiểu số sống xen ghép đã có 3 xã đạt chuẩn nông thôn mới là: xã Hàm Trí, huyện Hàm Thuận Bắc (thôn Lâm Giang, đồng bào Chăm), xã Hàm Phú, huyện Hàm Thuận Bắc (thôn Lâm Thuận, đồng bào Chăm) và xã Mê Pu, huyện Đức Linh (thôn 9, đồng bào K’ho).
Đạt được những kết quả nêu trên, có nhiều kinh nghiệm và nhân tố góp phần. Song, bài học kinh nghiệm quan trọng xuyên suốt mà các địa phương chia sẻ đó là: phải biết vận dụng và làm “dân vận khéo” như Bác Hồ đã dạy. Các cấp ủy, chính quyền, mặt trận, đoàn thể cần phải nhận thức một cách đầy đủ, sâu sắc tầm quan trọng của công tác dân vận trong xây dựng nông thôn mới, phải huy động cho được cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc làm dân vận. Đối với vùng đồng bào các dân tộc thiểu số thì công tác dân vận có nhiều khó khăn hơn, vì vậy phải có chính sách, kế hoạch thật cụ thể, thiết thực, kiên trì làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, thuyết phục để đồng bào hiểu rằng “việc xây dựng nông thôn mới là đem lại lợi ích, cuộc sống tốt đẹp cho đồng bào”, để từ đó đồng bào hăng hái tham gia”. Phát huy tốt quyền làm chủ của đồng bào để tạo động lực thúc đẩy, lan tỏa phong trào xây dựng nông thôn mới, từ công trình to, nhỏ đều phải bàn bạc với đồng bào, tranh thủ ý kiến các chức sắc, già làng, trưởng thôn, bản, rồi động viên họ cùng chính quyền, đoàn thể vận động đồng bào thực hiện. Đối với đồng bào khi đã triển khai làm việc gì thì phải làm cho xong việc đó, không được làm mất lòng tin.
Có thể nói phong trào xây dựng nông thôn mới đang được lan tỏa ở các địa phương trong tỉnh, trong đó có vùng đồng bào các dân tộc thiểu số. Tin tưởng rằng với những kết quả, kinh nghiệm có được, thời gian tới phong trào xây dựng nông thôn mới của tỉnh nhà nói chung và vùng đồng bào dân tộc thiểu số trong tỉnh sẽ đạt kết quả cao hơn, sớm đạt được mục tiêu, chỉ tiêu đề ra.